NATO tuyên bố Nga là 'mối đe dọa trực tiếp nhất', mời Phần Lan, Thụy Điển trở thành thành viên

Phương Đăng (theo DW) Thứ năm, ngày 30/06/2022 09:31 AM (GMT+7)
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, các nhà lãnh đạo NATO công bố "Khái niệm Chiến lược" trong đó mô tả Nga là "mối đe dọa trực tiếp nhất" và người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng, cuộc chiến của Moscow ở Ukraine là "thách thức lớn nhất" trong lịch sử của liên minh.
Bình luận 0

NATO coi Nga là mối đe dọa trực tiếp nhất

NATO tuyên bố Nga là 'mối đe dọa trực tiếp nhất', mời Phần Lan, Thụy Điển trở thành thành viên - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh Reuters.

Khái niệm Chiến lược là tài liệu được cập nhật một thập kỷ một lần để tái khẳng định các giá trị và mục đích của NATO, đánh giá chung về môi trường an ninh, định hướng cho sự phát triển chính trị và quân sự trong tương lai.

Với Khái niệm Chiến lược mới lần này, các nhà lãnh đạo NATO cho biết, họ muốn gửi một thông điệp tới Nga khi lên án cuộc chiến của Moscow ở Ukraine và cam kết hỗ trợ lâu dài cho Kiev.

"Ukraine có thể tin tưởng lâu dài vào chúng tôi. Cuộc chiến của Tổng thống Vladimir Putin tại Ukraine đã phá vỡ hòa bình ở châu Âu và tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại một hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 29/6.

Các nhà lãnh đạo NATO đang ở thủ đô của Tây Ban Nha trong ngày thứ 2  của hội nghị thượng đỉnh mà ông Stoltenberg cho rằng sẽ mang tính "lịch sử và biến đổi", khi liên minh cải tổ chiến lược của mình để đối phó với Nga.

Ông Stoltenberg cho rằng sự hung hăng của Nga đang gây ra "cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng" nhất trong nhiều thập kỷ và là "thách thức lớn nhất" mà NATO phải đối mặt trong lịch sử của khối.

Khái niệm Chiến lược mới của NATO 

Khái niệm Chiến lược mới của NATO coi Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các nước trong khối, cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương" sau chiến dịch quân sự tại Ukraine.

"Nga đã vi phạm các tiêu chuẩn và các nguyên tắc tạo nên trật tự an ninh châu Âu ổn định. Chúng tôi không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc tấn công chống lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước trong liên minh", tài liệu chiến lược của NATO viết.

Theo đó, các quốc gia thành viên đã nhất trí tăng số lượng binh sĩ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao từ 40.000 lên 300.000 người, đồng thời triển khai thêm vũ khí hạng nặng ở các quốc gia Baltic và Ba Lan.

Ông Stoltenberg cho biết, các nhà lãnh đạo cũng đã đồng ý về một gói hỗ trợ toàn diện cho Ukraine bao gồm thông tin liên lạc an toàn, nhiên liệu, vật tư y tế, thiết bị chống mìn và cả hệ thống chống máy bay không người lái.

Cũng sẽ có thêm nhiều đợt huấn luyện cho các lực lượng Ukraine về các hệ thống vũ khí hiện đại hơn.

Ngoài ra, Khái niệm Chiến lược mới của liên minh cũng mô tả Trung Quốc là thách thức đối với lợi ích, an ninh cũng như các giá trị của khối, thêm rằng Bắc Kinh đang "tìm cách phá hoại trật tự thế giới dựa trên luật lệ".

NATO mời Phần Lan, Thụy Điển gia nhập liên minh

NATO tuyên bố Nga là 'mối đe dọa trực tiếp nhất', mời Phần Lan, Thụy Điển trở thành thành viên - Ảnh 2.

Lãnh đạo của các quốc gia NATO tụ tập ở Madrid vào tối thứ Ba 28/6. Ảnh DW.

 Sau nhiều thập kỷ trung lập, Phần Lan và Thụy Điển hiện chuẩn bị tham gia liên minh sau khi Thổ Nhĩ Kỳ rút lại phản đối tư cách thành viên của các nước Bắc Âu vào tối thứ Ba 28/6.

"Hôm nay, chúng tôi quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO và đồng ý ký kết các nghị định thư gia nhập", các lãnh đạo NATO ra tuyên bố chung từ hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, Tây Ban Nha hôm 29/6.

NATO cho biết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sẽ giúp hai nước này cùng khu vực châu Âu - Đại Tây Dương an toàn hơn, trong khi NATO cũng lớn mạnh hơn.

Động thái này mở ra giai đoạn tiếp theo. Quốc hội mỗi nước thành viên sẽ cần phê duyệt quyết định mở rộng NATO và quy trình này không giống nhau ở từng nước. Tại Mỹ, quyết định kết nạp sẽ được thông qua nếu 2/3 thành viên Thượng viện bỏ phiếu thuận. Trong khi đó, Anh không yêu cầu bỏ phiếu chính thức tại quốc hội.

Quá trình này thường mất 8-12 tháng để hoàn tất, dựa trên những tiền lệ trước đây. Bắc Macedonia, nước gần nhất gia nhập NATO, đã chờ khoảng một năm. Sau khi hoàn tất quá trình gia nhập, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được điều khoản phòng vệ tập thể Điều 5 của NATO bảo vệ.

"Chúng tôi đảm bảo có thể bảo vệ tất cả các đồng minh, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển”, ông Stoltenberg nói.

Thụy Điển và Phần Lan nội đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 vừa qua trong động thái được đánh giá là bước ngoặt khi kết thúc nhiều thập kỷ duy trì vị thế trung lập của hai quốc gia Bắc Âu. Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO, ban đầu phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập, song ngày 28/6 thông báo thay đổi quan điểm, ủng hộ hai quốc gia này vào liên minh.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 29/6 cho biết Điện Kremlin coi động thái của Thụy Điển và Phần Lan là "động thái gây bất ổn". 

Một ngày trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev cảnh báo Nga sẽ đặt nhiều vũ khí hạt nhân "sát cửa ngõ" Thụy Điển, Phần Lan nếu hai nước này gia nhập NATO.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem