Né hạn mặn, Cục Trồng trọt khuyến cáo chuyển đổi thêm 50.000ha

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 28/12/2019 13:15 PM (GMT+7)
Trước nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử ở ĐBSCL, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khuyến cáo các địa phương trong vùng tiếp tục chuyển đổi thêm 50.000ha lúa sang các cây trồng khác để không bị thiệt hại.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn đã tác động đến 10/13 tỉnh với tổng cộng 71/137 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố (đơn vị) trực thuộc ở khu vực ĐBSCL. Tổng diện tích tự nhiên thuộc vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn khoảng 1.869.000ha (không bao gồm các khu vực đã có công trình thủy lợi kiểm soát xâm nhập mặn), cao hơn vùng ảnh hưởng của năm xâm nhập mặn lịch sử 2016 khoảng gần 50.000ha.

Xâm nhập mặn năm 2019-2020 tại ĐBSCL được đánh giá là xuất hiện sớm. So với năm 2015-2016, mặn năm 2019-2020 xuất hiện sớm gần một tháng, còn so với trung bình nhiều năm sớm hơn từ 2,5 - 3,5 tháng. Đặc biệt, từ giữa tháng 12/2019, mặn có khả năng ảnh hưởng đến 40-50km, cao hơn năm 2016 khoảng 3-5km. Tháng 1, 2 và đến giữa tháng 3/2020, ranh mặn 4g/l xâm nhập 55-110km, cao hơn 3-7km so với năm hạn mặn lịch sử. Với tình trạng xâm nhập mặn như vậy gây rủi ro rất lớn cho vụ đông xuân tại khu vực cách biển đến 50-60km.

img

Người dân xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, bơm nước từ kênh Trần Văn Dỗng lên các cánh đồng. Lê Quân

Đến ngày 13/12, theo báo cáo từ Cục Trồng trọt, các tỉnh Nam Bộ đã xuống trên giống 1,2 triệu ha lúa đông xuân, đạt trên 80% kế hoạch (dự kiến 1.550.000ha). Thời điểm này, mặn xâm nhập sớm hơn so với dự báo khoảng 1,5 tháng tại ĐBSCL cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước ngọt phục vụ sản xuất lúa đông xuân 2020.

ĐBSCL còn trên 300.000ha lúa đông xuân chưa xuống giống tập trung tại các tỉnh ven biển như Trà Vinh (42.000ha), Long An (35.000ha), Bạc Liêu (29.568ha), Sóc Trăng (55.000ha), Tiền Giang (21.000ha)… Riêng An Giang còn trên 94.000ha chưa xuống giống.

Với tình hình hạn, mặn đến sớm như thời điểm này, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết sẽ đề xuất Bộ NNPTNT khuyến cáo chuyển đổi thêm 50.000 ha lúa đông xuân sang các loại cây trồng khác tiết kiệm nước và thích ứng với hạn mặn. Đồng thời khuyến cáo các địa phương nên lùi lại lịch thời vụ. Các địa phương cân đối nước đến từng hộ gia đình để đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân, sau đó là nước để sản xuất cây lâu năm, lúa và cây ăn quả.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT): 
Phải có giải pháp lấy nước hiệu quả
Trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới trên diện rộng đề nghị các địa phương cần nhận thức được tình trạng trên để quán triệt đến tất cả các cấp chính quyền, người dân có giải pháp điều hành, phù hợp lấy nước hiệu quả nhất; cần xây dựng kế hoạch sát với điều kiện thiếu nước để từ đó có giải pháp phù hợp, đặc biệt là rà soát tổng thể hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo khi có nước về có thể lấy được nước tối đa.
Các đơn vị tổ chức kiểm tra thiết bị, nạo vét kênh mương, lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến, thậm chí là hạ thấp máy bơm để có thể lấy tối đa nguồn nước để không phụ thuộc vào việc xả của các hồ chứa thủy điện, tích trữ vào các vùng trũng, ao hồ… Tổng cục Thủy lợi sẽ điều hành sát sao các đợt xả nước đông xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ; báo cáo Bộ NNPTNT trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất và dân sinh năm 2020.
 
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt:
Sử dụng giống ngắn ngày, ít sử dụng nước
Để đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương phải đảm đảm bảo gieo cấy trong khung thời thời vụ, nên sử dụng các giống ngắn ngày, ở những nơi không chủ động được nước nên chuyển đổi sang các loại cây trồng sử dụng ít nước tưới.
Theo kế hoạch, 12 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng sông Hồng gieo cấy khoảng 600.000ha. Trước tình hình thực tế về thời tiết, nguồn cung cấp nước, nhân lực, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với Tổng cục Thủy lợi kiểm tra thực tế các địa phương về kế hoạch điều chỉnh sản xuất. Diện tích chuyển đổi sản xuất đó cũng phải đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm. Vụ đông xuân cũng là thời điểmcó tần suất rét đậm cao nhất trong năm. Chính vì vậy, cần bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi. 
Khánh Nguyên (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem