TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân vaccine bị thiếu là do người dân trước đây chưa chủ động đi tiêm ngừa dịch vụ, nay “bỗng nhiên” đổ xô đi tiêm ngừa nên các công ty nhập khẩu vaccine bị động.
Nhiều tỉnh, thành “cháy” vaccine thủy đậu do người dân đổ xô đi tiêm phòng.
Được biết, vaccine ngừa thủy đậu không nằm trong danh sách 11 vaccine được tiêm miễn phí cho trẻ mà chỉ tiêm dịch vụ. Việt Nam cũng chưa sản xuất được vaccine ngừa chủng đậu mà phải nhập khẩu. Hiện nay, phổ biến tại các cơ sở tiêm dịch vụ là vaccine Pháp, Bỉ với giá khoảng 800.000 đồng/liều (2 mũi).
Do mức giá cao nên từ trước đến nay, người dân ít tiêm dịch vụ vaccine ngừa thủy đậu. Các công ty nhập khẩu cũng nhập dè dặt vì sợ không bán được hàng. Khi dịch bùng lên thì người dân lại đổ xô đi tiêm ngừa, do đó, dẫn đến “cháy” vaccine ngừa thủy đậu tại nhiều tỉnh.
Hiện nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn, yêu cầu Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu gần 78.000 liều Varicella Vaccine - GCC đáp ứng nhu cầu phòng bệnh thủy đậu. Đồng thời, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động lập dự trù để đảm bảo nhập đủ vaccine, tránh trường hợp thiếu vaccine, tăng giá hoặc bệnh thủy đậu bùng phát.
TS Phu cho biết, vaccine thủy đậu có thể tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, kể cả người trưởng thành chưa mắc bệnh. Cần tiêm 2 mũi mới ngừa bệnh được tốt nhất. Tuy nhiên, TS Phu cũng khẳng định, người nào đã mắc bệnh thủy đậu thì sẽ có miễn dịch cả đời. Vì thế, người dân nên nhận biết rõ con mình đã bị thủy đậu hay chưa để tiêm phòng. Nếu bị bệnh thì không cần tiêm phòng nữa.
Tuấn Kiệt (Tuấn Kiệt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.