Nên cơ nghiệp nhờ nuôi trâu

Thứ hai, ngày 23/09/2013 06:38 AM (GMT+7)
Từ một hộ nghèo, sau hơn chục năm gắn bó với nghề nuôi trâu thương phẩm, chị Bàn Thị Lan, dân tộc Dao ở thôn Mỏ Cá, xã Thanh Tương, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã thành hộ khá giả với thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm.
Bình luận 0
Nghèo thì lâu…

Còn nhớ cách đây gần chục năm, gia đình chị Lan vẫn thuộc hộ nghèo của thôn. Hồi đó gia đình chị nghèo lắm, thu nhập chỉ trông chờ vào nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở khu vực Mỏ Tôm, Mỏ Cá này. Chị Lan tâm sự: “Nghề cơm chợ, nước sông” vất vả lắm. Ngày nào vợ chồng tôi cũng phải dậy từ nửa đêm để đi đánh bắt tôm, cá. Sáng về lại cắt cỏ chăm cá lồng, nhưng vẫn không đủ ăn. Nuôi cá trên sông rủi ro lắm, nhiều khi cá sắp được thu hoạch lại dính lũ, khi thì bị trôi lồng, khi thì nước đục cá chết hết, thế là trắng tay...”.

Chị Bàn Thị Lan bên đàn trâu đã giúp chị thoát nghèo đói.
Chị Bàn Thị Lan bên đàn trâu đã giúp chị thoát nghèo đói.

Đang lúc khó khăn thì chồng chị qua đời, để lại cho chị 3 đứa con thơ dại. Chồng mất được vài năm thì Thủy điện Chiêm Hóa thi công và đi vào sử dụng. Nước hồ dâng đã nhấn chìm khu Mỏ Cá, Mỏ Tôm, gia đình chị đành phải chuyển nghề. “Trăn trở mãi, thấy khu vực này có nhiều đồng cỏ, tôi nảy ý định nuôi trâu. Vốn không có, vay anh em họ hàng được 2 triệu đồng, tôi mua một con trâu mẹ già hết 1,6 triệu đồng, hy vọng về phục lại nó sẽ đẻ ra nghé” – chị Lan kể lại.

… giàu nhờ dám nghĩ

Hôm dắt con trâu mẹ về ai cũng chê, có người độc mồm độc miệng còn bảo mua trâu về… nấu cao à. Nhưng tiền ít làm sao mua được trâu đẹp. Tự an ủi bản thân, chị động viên các con chịu khó chăn dắt, cắt cỏ, cho trâu uống nước đầy đủ. Đúng là “trời không phụ lòng người”, chỉ vài tháng sau con trâu gầy yếu đã “có da có thịt”, rồi có chửa. Ngày trâu mẹ đẻ nghé, cả gia đình chị mừng lắm, mừng đến nỗi không ngủ được... Cứ thế, chỉ vài năm sau chị đã có 5 con trâu. Và từ năm 1999 đến nay chị đã phát triển đàn trâu có lúc lên đến 30 con, hiện chị đang có 22 con trâu. Mỗi năm tăng thêm từ 8 – 10 con, chị bán đi 6 – 8 con, thu về 80 – 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho mình, chị Lan còn cho một số gia đình khó khăn trong thôn nuôi trâu rẽ, giúp họ thoát nghèo…


Tuy nhiên, để có được kết quả này, chị cũng trải qua nhiều thất bại. Điển hình năm 2009, đàn trâu bị mắc dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Mặc dù kịp thời cứu chữa, nhưng chị vẫn mất 2 con trâu to trị giá hơn 40 triệu đồng. Không nản chí, chị thường xuyên liên hệ với cán bộ thú y thôn, xã, các quầy bán thuốc thú y uy tín để lấy thuốc và kịp thời chữa trị khi trâu mắc bệnh.

Ngoài ra, bằng kinh nghiệm dân gian, chị còn kịp thời chữa chứng trướng bụng cho nhiều con trâu. “Có lần 3 con trâu bị trướng bụng, cỏ không ăn, nước không uống, nước dãi chảy ra, tôi vội vàng lấy bồ kết đốt hun khói vào mũi trâu. Chỉ ít phút sau cả 3 con trâu đứng dậy ăn cỏ ngon lành, lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm” – chị Lan kể lại.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, trong những năm gần đây chị còn cho một số gia đình khó khăn trong thôn nuôi trâu rẽ. Chị Lan cho biết: “Tôi cho họ mượn trâu để nuôi lấy sức kéo, khi trâu đẻ con đầu tôi lấy, con thứ 2 tôi cho họ. Với cách này tôi đã giúp được 3 hộ thoát nghèo…”.

Việt Tùng (Việt Tùng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem