Nhìn lại 500 ngày làm phim vất vả, anh muốn nói điều gì?
- Đúng. “Bí thư Tỉnh ủy” là bộ phim vất vả nhất của chúng tôi từ trước đến giờ. Để tái hiện được không khí nông thôn miền Bắc những năm 1960, đoàn làm phim đã phải dành cả 1 năm để chuẩn bị bối cảnh. Đặc biệt, những cảnh quay ngày vụ mới khiến chúng tôi thực sự khó khăn. Nhiều khi chưa kịp quay xong thì nông dân đã gặt xong. Chúng tôi như vắt chân lên cổ...
|
Đạo diễn Quốc Trọng |
Vì bối cảnh phim quá xa, đoàn phải phục dựng hơn 20 căn nhà, trên 10.000 đạo cụ với hơn 300 diễn viên và quần chúng tham gia. Gần 500 ngày quay, các diễn viên chính ở lại Vĩnh Phúc, để “chất” Kim Ngọc ngấm vào người. Đoàn đã xác định, đây là nén tâm hương dâng lên Bí thư Kim Ngọc, vất vả đến mấy chúng tôi cũng vượt qua.
So với kịch bản của nhà văn Vân Thảo, phim có gì khác nhiều không? Anh ấn tượng nhất với cảnh quay nào?
- Cảnh phim xúc động nhất là đám tang của Bí thư Hoàng Kim, khi hàng trăm nông dân đã mang lúa đến để dâng lên bàn thờ của ông. Ban đầu kịch bản không có những chi tiết khá hay như: Bí thư Hoàng Kim xuống thăm trận địa pháo, cảnh hai vợ chồng ông lang thang trong cơ quan Tỉnh ủy đêm trước khi bị kỷ luật vì vụ khoán hộ. Hay cảnh ông đi một mình trong đêm, chứng kiến cảnh bà mẹ đánh con do đứa bé ăn vụng cám vì đói, khiến ông quyết tâm thực hiện khoán hộ... Đây là những chi tiết được thêm vào so với kịch bản gốc để tăng thêm tính “đời” cho một bộ phim chính luận.
Kinh phí làm phim “Bí thư Tỉnh uỷ” có được ưu đãi gì không?
- Kinh phí nhỏ thôi, khoảng 160 triệu đồng/tập, trừ đi các khoản, đến tay đoàn chỉ còn khoảng 60 triệu đồng/tập. Tiền ít mà chúng tôi phải xây những bối cảnh lớn như cả một trận địa pháo, rồi nhà ga bị cháy, chợ làng, cửa hàng thực phẩm…
Điều anh hài lòng nhất ở phim này là gì?
- Đó là sự giúp đỡ tận tình của chính quyền, người dân Vĩnh Phúc và sự diễn xuất rất đạt của diễn viên chính Dũng Nhi. Tôi nghĩ là anh Nhi đã khắc hoạ thành công hình ảnh của một nhân cách lớn, người đã vượt qua một thời kỳ khó khăn về đường lối, quan niệm, cách nghĩ, o ép về cơ chế, chỉ bởi suy nghĩ làm thế nào cho nông dân bớt đói nghèo. Ông sẵn sàng chịu vất vả, thậm chí hy sinh cả sinh mệnh chính trị để làm điều ông cho là đúng, là vì dân.
Hoài Anh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.