Nên thêm điều luật bảo vệ nhà báo

Thứ ba, ngày 30/10/2012 13:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lâu nay, chuyện phóng viên (PV) đi tác nghiệp bị cản trở, lăng mạ, thậm chí bị hành hung không còn là hiếm. Vụ việc PV Hữu Danh (Báo NTNN) bị Công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) giữ người, thu phương tiện hành nghề vừa xảy ra cho thấy tình trạng này đang trở nên nghiêm trọng.
Bình luận 0

“Mong nhà báo thông cảm”

Cần phải nói rằng, PV tác nghiệp đã được Luật Báo chí quy định rất rõ ràng, thế nhưng quy định đó vẫn bị không ít tổ chức, cá nhân xem thường. Hẳn dư luận xã hội lâu nay vẫn chưa hết bất bình khi nhắc lại việc 2 PV của Đài Tiếng nói VN (VOV) bị hành hung trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang, Hưng Yên (ngày 24.4.2012). Ba tháng sau đó sự việc được giải quyết bằng hình thức kỷ luật 2 cán bộ công an, 3 dân phòng và lời từ lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên "mong lãnh đạo Đài Tiếng nói VN và 2 nhà báo hết sức thông cảm".

img
Một đối tượng hành hung PV xảy ra ở Từ Liêm, Hà Nội vào năm 2011.

Vụ việc trên vừa lắng xuống thì vào ngày 21.9.2012, lại xảy ra chuyện 2 PV bị dọa giết. PV Thiên Vương (Đài PTTH Đồng Nai) và PV Hữu Thắng (Đài Truyền thanh huyện Thống Nhất) đi tác nghiệp về những vi phạm của tổ tuần tra CSGT làm nhiệm vụ trên QL1A (đoạn qua xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất ). Sau khi tổ CSGT rời đi, thì có 2 đối tượng côn đồ là Nguyễn Đức Thảo (28 tuổi) và Phan Hữu Hào (16 tuổi, cùng ở huyện Thống Nhất) xuất hiện chặn xe của 2 PV. Chúng ngang nhiên yêu cầu PV phải xóa hình ảnh vừa quay nếu không sẽ bị giết, đồng thời chúng xé quyển sổ ghi chép của PV Thiên Vương.

Việc PV đi tác nghiệp độc lập bị xâm phạm là một lẽ, nhưng đã có không ít trường hợp PV đi hoạt động tác nghiệp cùng đoàn chức năng mà vẫn bị hành hung. Vào tháng 6.2011, trong khi cùng đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý những vi phạm về bảo vệ hành lang an toàn đường sắt thuộc địa phận huyện Từ Liêm (Hà Nội), 2 PV của Báo VTC và An Ninh Thủ Đô đã bị lăng mạ, hành hung, cản trở tác nghiệp. Đối tượng hành hung là Trần Xuân Thanh (SN 1975, trú tại xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm), sau đó phải lĩnh 6 tháng tù về tội "chống người thi hành công vụ".

Tòa án cũng phạm luật

Ở chốn pháp đình là nơi những quy định của pháp luật phải luôn được thực hiện một cách nghiêm túc, thế nhưng chính tại đây vẫn có những vi phạm đáng tiếc xảy ra. Vụ án xét xử sơ thẩm sát thủ cuồng dâm Đặng Trần Hoài (ngày 25.10) là vụ án được dư luận quan tâm. Đây là phiên xét xử công khai, nhiều PV của các cơ quan báo chí được cử đến dự, thông tin. Dù đã có giấy giới thiệu, thẻ nhà báo nhưng đa phần PV đều không được vào phòng xử, với lý do phải có giấy mời của tòa(!?). Các PV đành phải tác nghiệp ngoài hành lang bằng cách ghé vào các ô cửa kính để ghi hình, nhưng ngay lập tức cán bộ tòa yêu cầu cảnh sát hỗ trợ tư pháp đuổi.

“Theo tôi, Bộ luật Hình sự nên bổ sung một điều khoản về hành vi cản trở, hành hung nhà báo để bảo vệ hoạt động tác nghiệp của nhà báo”.

Trong 2 ngày 19 và 20.5.2011, TAND quận Hoàn Kiếm cũng đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án tai nạn giao thông tại ngã tư Hàng Bài - Lý Thường Kiệt. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính chất lẫn nhiều tình tiết gây tranh cãi. Thế nhưng khi các PV đến tham dự, dù đã xuất trình giấy giới thiệu, thẻ nhà báo, nhưng bảo vệ vẫn một mực khăng khăng không cho vào. Anh này lý giải là cấp trên dặn phải có giấy mời của tòa, còn không cho bất cứ ai vào dù tòa xử công khai.

LS - TS Ngô Ngọc Thủy (Đoàn LS TP.Hà Nội) nhận định: Hoạt động của báo chí cũng là công việc công, mang tính chất xã hội cao. Nhà báo đi tác nghiệp thường đối mặt với nhiều vấn đề của đời sống xã hội, dễ gặp rủi ro, nguy hiểm. Trong khi đó mặt bằng pháp lý để bảo vệ họ dường như lại bỏ trống, điều này khiến không ít đối tượng lợi dụng. Theo tôi, Bộ luật Hình sự nên bổ sung một điều khoản về hành vi cản trở, hành hung nhà báo để bảo vệ hoạt động tác nghiệp của nhà báo.

Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN: Hành vi cản trở nhà báo đáng lên án

Trao đổi với PV NTNN ngày 29.10, ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thừa nhận, vai trò của Hội Nhà báo trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên - các nhà báo trong khi tác nghiệp - đôi khi còn chậm và mờ nhạt.

Từ đầu năm tới giờ tình trạng PV bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp xảy ra khá nhiều. Vai trò của Hội Nhà báo ra sao trong việc can thiệp vào những vụ việc đó, bảo vệ cho hội viên của mình?

- Phải khẳng định, nghề báo là một nghề nguy hiểm, có sự rủi ro. Nhà báo thì làm theo luật pháp, nhưng ra ngoài cuộc sống không phải ai cũng hiểu luật pháp. Đặc biệt là những người đang có hành vi tiêu cực thì rất ngại nhà báo sẽ phanh phui nên đương nhiên người ta sẽ phải cản trở, hành hung nhà báo. Hành vi cản trở nhà báo là điều đáng lên án. Còn về vai trò của Hội Nhà báo, như chúng ta biết, Hội Nhà báo VN là tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, có vai trò lớn trong việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Thưa ông, trường hợp một nhà báo của Báo NTNN bị Công an Mỹ Tho giữ phương tiện và lục soát, khám xét người vừa qua, quan điểm của ông thế nào?

- Tôi thấy có nhiều vụ việc công an làm chưa đúng luật. Những hành vi như vừa rồi Công an TP.Mỹ Tho làm với PV là sai, đối xử với PV như vậy là chưa được. Tuy nhiên, qua đây cũng xin nói thêm là PV khi tác nghiệp cũng phải có cách để tự bảo vệ mình, tránh những rủi ro đáng tiếc.

Có nhiều ý kiến cho rằng can thiệp của Hội Nhà báo vẫn chậm và mờ nhạt?

- Cái này có phần đúng và Hội Nhà báo sẽ phải tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế là, xử lý một vụ việc trắng đen không phải dễ và nhanh. Hội cũng cần phải đi xác minh, xem nhà báo tác nghiệp có đúng không.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem