Nẻo khó vào đời của cô gái tật nguyền

Chủ nhật, ngày 31/07/2011 14:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở mảnh đất miệt vườn nghèo đói quê em, câu hỏi làm thế nào để "đủ ăn ấm dạ, đủ mặc ấm thân" đã khiến người lớn đau đầu, thế nên việc học hành của con trẻ chẳng mấy được quan tâm.
Bình luận 0

Trong ấp của em, rất nhiều bạn cùng lứa đã bỏ học giữa chừng để đi làm mướn lấy tiền mua gạo. Có bạn còn theo người quen lên Sài Gòn kiếm sống, nhưng cha mẹ quyết không cho em bỏ học, bởi "Trong nhà cần phải có một người biết ước mơ. Nếu thiếu cái chữ tức là không thể có ước mơ"...

Nhà em nghèo nhất ấp, chỉ là chiếc chòi lá núp sau vườn chuối. Gia sản chẳng có gì đáng giá ngoài một chiếc giường ọp ẹp cùng bộ ván ngồi cũ, một cái bàn và ít bát, xoong méo sứt. Gia đình em có 5 khẩu thì tới 4 người bị bệnh, đều một triệu chứng đôi chân oặt ẹo, đứng còn không vững, nói gì đến đi lại, lao động.

img
Ngoài giờ học, em Thảo bó chổi lấy tiền mua sách vở.

Bà con xung quanh kể rằng, ngày cha mẹ em mới lấy nhau, nhìn cảnh "ông vẽ bà bôi" ai cũng thở dài, chỉ ước những đứa con sinh ra được lành lặn. Nhưng rồi lần lượt từ anh hai đến em đều bị di truyền bệnh chân yếu ớt, chỉ có bé út là may mắn được bình thường. Nhà không ai là lao động chính, hễ làm được việc gì có thu nhập, cha mẹ đều gắng sức để lo cho các con ăn học.

Như bao đứa trẻ khác, chúng em lớn lên nhưng đôi khi thấy bất lực vì không thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình. Anh trai của em lên đến lớp 11 phải bỏ học giữa chừng, phần vì đi lại khó khăn, phần vì tự ti trước mọi người. Nhưng với em, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải theo đuổi việc học đến cùng để làm điểm tựa, là chỗ dựa tinh thần cho cha mẹ.

Chân yếu, đi lại không vững, hàng ngày em phải vượt đoạn đường hơn 5 cây số tới trường, có hôm đạp xe khó nhọc phải nghỉ 2 lần, nhiều khi bị té ngã. Những giờ học thể dục, học quân sự, nhìn bạn bè chạy nhảy, em thoáng buồn nhưng rồi nhanh chóng lấy lại sự tự tin, bởi thành tích học tập các môn văn hóa của em luôn ở trong tốp 5 người cao nhất lớp.

Thương cha mẹ tảo tần, vất vả, ngoài thời gian học bài, em mày mò học bó chổi để có thêm thu nhập. Ban đầu em mua chổi người ta bán về mở ra tự học bó, dần dần những chiếc chổi em bó đẹp không kém gì ngoài chợ. Nguyên liệu bó chổi là những tàu dừa cha mẹ đi xin hoặc mua của hàng xóm. Thường mỗi ngày nghỉ, em bó được 20 cái chổi. Cái lớn bán 8.000 đồng, cái nhỏ 4.000 đồng, khoản thu nhập ấy vừa phụ giúp mẹ trang trải chi tiêu trong gia đình vừa để dành mua sách vở...

Ngày hè, khi các bạn tung tăng với bao kế hoạch, dự định thì bên góc học tập đơn sơ với cái bàn cây và tận dụng bộ ván ngồi để làm bảng viết, em vừa bó chổi, vừa ôn lại tiếng Anh để chuẩn bị cho năm học mới. Em mơ ước, sau khi học xong lớp 12, thi đỗ vào một trường đại học chuyên về ngoại ngữ và sẽ trở thành một phát thanh viên.

Dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng em tin bằng đôi chân không lành lặn của mình em vẫn có thể đi đến được với tương lai…

Em Trần Thị Thanh Thảo (Ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem