Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trong chính sử
Giới nghiên cứu sử phương Đông đều chung đánh giá: Minh Mạng là vị
vua ở phương Đông có tầm nhìn chiến lược về biển đảo sớm nhất trong
vùng. Trong khi các quốc gia xung quanh như Trung Quốc chỉ mải lo phát
triển phần lục địa thì vua Minh Mạng đã có nhiều quyết sách mạnh mẽ, táo
bạo để củng cố chủ quyền, tập trung khai thác hải sản vật trên 2 quần
đảo này. Ông đã cho trồng cây, xây miếu thờ, xây nhà ở trên Hoàng Sa...
Chủ quyền chưa bao giờ đứt khúc
Năm 1773, quân Tây Sơn làm chủ dải đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận
sau 2 năm khởi nghĩa. Đội Hoàng Sa ở xã Vĩnh An tỉnh Quãng Ngãi bấy giờ
đặt dưới sự kiểm soát của quân Tây Sơn. Hoạt động của đội Hoàng Sa vẫn
tiếp tục và được chính quyền Tây Sơn quan tâm dù đang "lưỡng đầu thọ
địch" với phía Bắc là nhà Trịnh, phía Nam là nhà Nguyễn.
Trước khi lên đường ra Hoàng Sa, ông Hà Liễu, cai hợp phường Cù Lao
Ré (đảo Lý Sơn) gửi đơn lên chính quyền Tây Sơn. Trong đơn có đoạn: "Bây
giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân
ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các
đảo, các cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi
mồi được bao nhiêu xin dâng nạp".
Nghi thức thả khinh thuyền Hoàng Sa trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: VNE
Ngày 14.2 năm Thái Đức thứ 9 (Năm 1786), quan Thái phó Tổng lý quân
binh dân chức vụ thượng tướng công có chỉ thị gửi đội Hoàng Sa trả lời
như sau: "Sai Hội đức hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cỡi 4 chiếc thuyền câuvượt
biển, thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ
vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba cùng đá
quý đều chở về kinh tập trung, nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không
đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm
cá sẽ bị trị tội...".
Thời gian sau, nhà Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn quản lý cả đất nước vào
năm 1802, công cuộc khai thác, khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và
Hoàng Sa được đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa.
Chỉ một năm sau khi lên ngôi Hoàng đế, tháng 7 năm Quý hợi (1803),
vua Gia Long cho củng cố lại đội Hoàng Sa. Sách Đại nam thực lục chính
biên đệ nhất kỉ, quyển 12 chép rằng: "Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập lại đội Hoàng Sa". Và vào tháng giêng năm Ất hợi (1815) vua Gia Long quyết định: "Sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình".
Từ năm 1816, nhà vua còn cử cả thủy quân cùng đội Hoàng Sa ra đảo.
Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long cũng ghi rõ sự kiện này. Giám
mục Taberd đã viết: "Chỉ đến năm 1816 mà ngài (vua Gia Long - TG) đã long trọng treo tại đó (quần đảo Hoàng Sa - TG) lá cờ của xứ Đàng trong". Ghi
chép của nhà truyền giáo Gutzlaff cũng cho biết thêm rằng, thời Gia
Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá
Việt Nam.
Ở đây cần nói thêm, những ghi chép của các tác giả phương Tây đương
thời chỉ là ghi nhận sự kiện xảy ra. Vì không phải là những nhà nghiên
cứu nên các tác giả trên không đề cập đến chủ quyền của Việt Nam đã có
trên Hoàng Sa từ trước đó khá lâu.
Châu bản ngày 13.7 năm Minh Mạng thứ 16 về việc trị tội một số quan lại và xét thưởng một số dân binh
Xây miếu, trồng cây trên Hoàng Sa và Trường Sa
Các vị vua chúa Việt Nam rất quan tâm khẳng định chủ quyền tại 2 quần
đảo này một cách lâu dài, ổn định. Đặc biệt là vua Minh Mạng (1791 -
1841). Từ thời vị vua này trở đi hoạt động của thủy quân trên đảo Hoàng
Sa bên cạnh đội Hoàng Sa trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã
thành lệ hàng năm. Lực lượng thủy quân giống như "lực lượng đặc biệt"
gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương có nhiệm vụ xác lập và
thực thi chủ quyền trên hai quần đảo.
Các vua triều Nguyễn trực tiếp theo sát và ra các chỉ dụ rất cụ thể
cho "lực lượng đặc biệt". Vua Minh Mạng còn sát sao hơn, có chỉ dụ cho
từng chuyến đi ra đảo.
Năm Minh Mạng thứ 16 (Năm 1835) nhà vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công cho tỉnh Quảng Ngãi cất miếu tại Hoàng Sa theo thể chếnhà
đá. Sách Đại Nam thực lục chính biên, quyển 154 cho biết, mùa hạ năm đó
nhà vua sai cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành
cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến
dựng miếu cách tòa miếu cổ 7 trượng. Bên trái và phía trước miếu xây
bình phong. Ba mặt miếu đều trồng các loại cây.
Sách Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông chép rằng, các
quân nhân đến đảo thường mang theo hạt quả thủy nam rải ở trong và ngoài
miếu cho cây mọc để tìm dấu mà nhận. Vua Minh Mạng cũng nói rõ, thuyền
buôn đi qua đây thường bị hại, va phải đá ngầm chìm đắm nên trồng cây
cốt làm dấu để nhận ra đảo mà tránh.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua phê (châu phê): "Thuyền đi đến đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu". Cạnh
đó, nhà vua còn ra các chỉ dụ thưởng phạt thường xuyên cho các chuyến
công vụ ra đảo. Thông thường, dân binh đội Hoàng Sa luôn được thưởng từ 1
đến 2 quan tiền và miễn thuế vì cực khổ vất vả theo đoàn. Còn các viên
chỉ huy như cai đội, chánh suất đội, các viên chức tỉnh phái mà chậm
trễ, lơ là đều bị trị tội rất nặng.
Theo Đại Nam thực lục chính biên, thời gian chuẩn bị đi Hoàng Sa và
Trường Sa là từ hạ tuần tháng giêng. Ngay từ năm Minh Mạng thứ 15 nhà
vua đã có chỉ dụ cho các tỉnh ven biển phải đóng 2 - 3 thuyền nhanh,
tuyển mộ dân ven biển làm thợ lái, thủy thủ. Mỗi thuyền cần đủ 20 người
làm thủy binh thuộc tỉnh để khi khẩn cấp sẽ tuần tiễu, thông báo, vận
tải cho nhanh.
Châu bản thời nhà Nguyễn về Hoàng Sa
Ngoài việc tổ chức khai thác như trước kia, thời vua Minh Mạng còn
xúc tiến các hoạt động đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng
bia. Từ năm 1836 nhà vua còn quy chuẩn các hoạt động thể hiện chủ quyền.
Châu phê của nhà vua năm Minh Mạng thứ 17 ghi rõ: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc. Trên mặt bài khắc dòng chữ: "Minh
Mạng thập thất niên Bính thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm
Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chi thử, hữu chỉ đẳng tư" (Năm
Minh Mạng thứ 17, năm Bính thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội
Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để
ghi nhớ)".
Mỗi năm, cột mốc đều ghi rõ niên hiệu, năm, chức vụ, họ tên viên chỉ
huy "lực lượng đặc biệt" được phụng mệnh triều đình làm nhiệm vụ đánh
dấu để ghi nhớ. Theo những sử sách còn lưu giữ tên những người chỉ huy
đội thủy quân đặc biệt của các năm như sau: Năm Minh Mạng thứ 16 là cai
đội thuyền Phạm Văn Nguyên; năm Minh Mạng thứ 17 là chánh đội trưởng
suất đội Phạm Hữu Nhật; năm Minh Mạng thứ 18 là thủy sư suất đội Phạm
Văn Biện... Tính ra số đảo được đánh dấu mốc rất lớn. Tuy nhiên, do trải
qua nhiều biến cố lịch sử chiến tranh nên bị thất lạc không ít nên chưa
tổng kết được có bao nhiêu đảo đã được cắm cột mốc.
(Bài có sử dụng tư liệu nghiên cứu của tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, người sang lập và cố vấn Quỹ Văn Hóa Giáo dục tại TP.HCM)
(Theo Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.