"Nếu bị xâm lược biển đảo, chúng ta sẽ cầm súng"

Minh Yến – Hải Phong ghi Thứ bảy, ngày 23/01/2016 09:29 AM (GMT+7)
"Nếu nước nào dùng lực lượng vũ trang tiến công xâm lược biển đảo của chúng ta, chúng ta sẽ cầm súng", Thượng tướng Võ Tiến Trung nhấn mạnh.
Bình luận 0

Giám đốc Học viện Quốc phòng, Thượng tướng Võ Tiến Trung chia sẻ với báo giới bên lề Đại hội XII. Thượng tướng Trung nhấn mạnh:

Quan điểm của Đảng là mọi vấn đề của thế giới là chúng ta giải quyết bằng con đường hòa bình, hữu nghị. Đặc biệt càng hòa bình hữu nghị, chúng ta càng giữ vững được đất nước. Nhưng không phải nói như thế là chúng ta không sẵn sàng để trong trường hợp không giữ vững được đất nước bằng con đường hòa bình. Không thương thảo được để giữ hòa bình thì buộc chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc bằng quân sự. Nếu nước nào tiến công xâm lược chúng ta thì lúc đó chúng ta buộc phải cầm súng.

Vấn đề chủ quyền lãnh thổ không bất cứ ai có quyền nhân nhượng. Chúng ta chỉ bình tĩnh giải quyết bằng con đường hòa bình, bằng con đường hữu nghị, ngoại giao, đấu tranh bằng pháp lý chứ không ai cho phép nhân nhượng vấn đề chủ quyền.

img

Giám đốc Học viện Quốc phòng, Thượng tướng Võ Tiến Trung.

Nếu bị xâm lược, chúng ta sẽ cầm súng

Chúng ta không chủ động chiến tranh nhưng như ông nói không nhân nhượng trong bất cứ tình huống nào liên quan chủ quyền lãnh thổ?

- Dân tộc chúng ta hy sinh quá nhiều tổn thất trong chiến tranh rồi vì vậy hơn ai hết chúng ta yêu chuộng hòa bình, chúng ta không bao giờ nhân nhượng về chủ quyền lãnh thổ. Chúng ta có thể nhân nhượng về biện pháp, về giải quyết việc này việc kia trong cụ thể từng bước nhưng không bao giờ nhân nhượng về chủ quyền khi người ta xâm phạm. Nếu nước nào dùng lực lượng vũ trang tiến công xâm lược biển đảo của chúng ta, chúng ta sẽ cầm súng.

Nhưng thực tế việc hiện nay khái niệm xâm lược được chuyển sang một hình thái mới như thay vì dùng quân sự, họ dùng lực lượng dân sự vi phạm chủ quyền của ta?

- Thì ta sẽ dùng biện pháp dân sự đấu tranh trở lại. Như vừa rồi, Trung Quốc dùng giàn khoản Hải Dương 981 hạ đặt vào trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, mặc dù họ dùng tàu quân sự và các phương tiện khác bảo vệ nhưng chúng ta đã dùng lực lượng chấp pháp như kiểm ngư, cảnh sát biển và nhân dân đánh cá ra đó, cho người Trung Quốc hiểu rằng thềm lục địa của Việt Nam, họ đã xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và vi phạm công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Vì vậy chúng ta đấu tranh quyết liệt buộc họ phải di dời giàn khoan 981. Các phương pháp đấu tranh của chúng ta vừa cứng rắn vừa mềm dẻo và hữu nghị, nhưng cũng sức quyết liệt.

Ý nghĩa cụ thể của việc bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, như trong bài tham luận của Đại tướng Ngô Xuân Lịch là thế nào, thưa ông?

- Giữ vững đất nước từ xa hay nói cách khác giữ đất nước từ khi chưa lâm nguy nghĩa là chúng ta phải học tập ông cha, phải vừa xây dựng phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo quốc phòng an ninh. Đất nước mạnh lên sẽ thêm nguồn lực xây dựng quân đội, đất nước, đặc biệt ở đây là xây dựng thế trận lòng dân, để nhân dân tin vào Đảng, tin vào chế độ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chế độ ấy.

Bên cạnh lòng yêu nước của nhân dân, chúng ta phải chuẩn bị thế trận quốc phòng, thế trận quốc phòng: Đó là xây dựng quân đội, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng thế trận quốc phòng và luôn cảnh giác, giáo dục lòng yêu nước cho tất cả mọi người và luôn cảnh giác với mọi kẻ thù để chuẩn bị đất nước đối phó với chiến tranh.

Từ xưa ông cha đã có tư tưởng gửi lính vào nông dân (ngụ binh ư nông), khi có chiến tranh nông dân lại thành lính. Bây giờ cũng vậy, chuẩn bị lực lượng quân sự mạnh, bên cạnh đó có lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ và chuẩn bị thế trận lòng dân để khi có chiến tranh sẽ thành cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

“Giữ nước từ xa tức là chúng ta phải phát triển cả kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh. 4 yếu tố đó hòa quện với nhau thì chúng ta mới giữ được đất nước. Đó chính là bảo vệ đất nước ngay từ khi nước chưa nguy”.

Thượng Tướng Võ Tiến Trung

Cũng trong tham luận của Đại tướng Ngô Xuân Lịch có nhắc đến việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí hiện đại. Có thể hiểu như thế nào ý này thế nào, thưa Thượng tướng?

- Bây giờ không thể nói rõ được. Nhưng chúng ta muốn bảo vệ Tổ quốc thì ngoài việc bỏ tiền ra mua sắm, trang bị những vũ khí hiện đại của nước ngoài, chúng ta cũng phải tự chủ bằng trí tuệ người Việt Nam. Bằng khả năng công nghiệp Việt Nam, chúng ta từng bước nghiên cứu những vũ khí công nghệ cao để trang bị quân đội.

Hiện nay chúng ta đủ vũ khí bộ binh, trang bị cho tất cả lực lượng lục quân rất hiện đại, chúng ta đã nghiên cứu được phương tiện thông tin để trang bị cho lực lượng thông tin hiện đại ngang với các nước tiên tiến. Nhưng chúng ta có điểm khác là chúng ta nghiên cứu ra vũ khí hiện đại hơn, có công nghệ cao hơn hoàn toàn để tự vệ, phòng thủ.

Có những ý kiến thiếu tích cực cho rằng chúng ta đang tham gia cuộc chạy đua vũ trang, khiến cho tình hình khu vực căng thẳng hơn?

- Không, chạy đua vũ trang khác. Chạy đua vũ trang là tung tiền bạc ngoài sức khả năng của mình. Còn chúng ta hoàn toàn cân đối ngân sách thu chi để phục vụ công cuộc bảo vệ đất trong điều kiện cho phép.

Sức dân mạnh hơn vũ khí hiện đại

Trong 1 năm trở lại đây, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động của họ trên biển với các đảo nhân tạo. Đặc biệt thời gian trước Đại hội có nhiều tình hình diễn biến phức tạp trên biển như cho máy bay bay ra đường băng, xây đảo nhân tạo trái phép, đưa giàn khoan 981 ngấp nghé Biển Đông?

- Vừa rồi Trung Quốc đưa giàn khoan vào đó trong vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc, cách đường phân tuyến giả định 28 hải lý, trong khi chúng ta vẫn thăm dò dầu khí cách đường phân tuyến có 1 hải lý. Nhưng việc Trung Quốc nâng cấp, tôn tạo các đảo, đưa máy bay xuống đó là trái với luật biển quốc tế, vi phạm trắng trợn vào khu vực vùng biển còn tranh chấp giữa nhiều quốc gia.

Chúng ta đã có phản ứng, không chỉ ta mà các nước cũng phản ứng. Tôi mong vì tình hữu nghị hai nước, vì thỏa thuận cấp cao giữa hai đảng, tình hữu nghị Việt – Trung lâu đời, Trung Quốc sẽ chấm dứt những hành động này. Chúng ta phải đấu tranh làm sao để Trung Quốc nhận ra vấn đề, phải đấu tranh bằng con đường hòa bình, hữu nghị, chứ không sử dụng đấu tranh vũ trang.

Chúng ta cố gắng đến bao nhiêu nhưng thực lực vẫn không bằng một số nước láng giềng về trang thiết bị vũ khí. Là một sĩ quan quân đội, ông nghĩ sao về điều này?

- Trong cuộc đấu trí và đấu lực, các anh thấy, chúng ta từng đánh nhau với các nước lớn xâm lược chúng ta. Vũ khí trang bị là một yếu tố hết sức quan trọng bên cạnh yếu tố con người, yếu tố chính trị. Chúng ta có chính nghĩa, chúng ta bảo vệ Tổ quốc của mình, chúng ta tự vệ vì vậy chúng ta sẽ được cả thế giới, dư luận tiến bộ, yêu chuộng hòa bình đứng về chúng ta.

Tuy vũ khí chúng ta ít nhưng với tinh thần con người Việt Nam, với trách nhiệm tự vệ, chúng ta sẽ có sức mạnh chính trị. Hai yếu tố này hòa quện với nhau sẽ tạo sức mạnh tổng hợp.

Có nhiều ý kiến cả trên báo chí Trung Quốc là Việt Nam đầu tư trang bị bao nhiêu vũ khí cơ sở khí tài quân sự Trung Quốc cũng nhiều tiền hơn và sẵn sàng có thể trang bị gấp 10 lần nên họ luôn lấn át mình trên biển?

- Cái đó tôi đã nói rồi. Chúng ta có bao nhiêu tiền của, bán hết đất nước này mua vũ khí thì cũng không bằng các nước lớn. Chúng ta là người chiến đấu tự vệ, vì vậy chúng ta mua sắm vũ khí trang bị vừa phải, đủ sức, đúng với khả năng nền kinh tế để chúng ta tự vệ.

Chúng ta có sức mạnh tự vệ là sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của chính nghĩa kết hợp vũ khí vừa phải chúng ta bảo vệ đất nước. Chúng ta không tham gia vào cuộc chay đua vũ trang. Thực ra Đảng ta luôn chủ trương coi Trung Quốc là đối tác chiến lược, là bạn bè, cùng nhau giữ hòa bình trên biển. Cho nên chúng ta không so sánh vũ khí trang bị của chúng ta với Trung Quốc, cũng như không thể so sánh vũ khí của chúng ta với Hoa Kỳ, Nhật Bản được vì họ là nước lớn, rất giàu.

Xin cảm ơn Thượng tướng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem