Nếu chiến tranh Anh-Nga nổ ra, nước nào giành chiến thắng?

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Thứ bảy, ngày 17/03/2018 00:25 AM (GMT+7)
Kịch bản chiến tranh Anh-Nga là điều không một ai mong muốn, nhưng những căng thẳng gần đây khiến các chuyên gia bắt đầu nghĩ đến giả thuyết về một cuộc xung đột có thể kích hoạt Thế chiến 3.
Bình luận 0

img

Sức mạnh quân đội Anh ngày nay đã suy yếu đáng kể.

Căng thẳng Nga-Anh bắt đầu kể từ khi cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc ngày 4.3. Anh cho rằng Nga có liên quan đến vụ việc và trục xuất 23 nhân viên ngoại giao Nga, khiến căng thẳng leo thang. Loạt bài dài kỳ này sẽ tập trung khai thác sức mạnh quân sự Nga, Anh và năng lực hạt nhân của hai quốc gia nếu chiến tranh nổ ra.

Căng thẳng Anh-Nga đang có chiều hướng gia tăng trong những ngày qua, sau vụ cựu điệp viên Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc trên đất Anh.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson bày tỏ lập trường cứng rắn khi cáo buộc Nga đang có những hành động gây hấn. “Họ không hề ngừng lại. Hãy nhìn xem họ làm gì ở Syria, Ukraine. Họ đang xâm lược các quốc gia độc lập trong khi phớt lờ phản ứng của quốc tế”.

“Chúng ta phải lưu ý đến điều này. Anh luôn có vị thế đáng kể trên thế giới. Chúng ta phải mở to mắt để thấy tham vọng của Nga gấp nhiều lần so với những gì họ làm trong quá khứ. Chúng ta cần phải sẵn sàng cho những mối đe dọa đó”, ông Williamson tuyên bố.

Nhưng nếu Thế chiến 3 nổ ra giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Anh và Nga, nước nào sẽ giành chiến thắng?

Tương quan sức mạnh quân sự

Theo Daily Star, Nga hiện có lực lượng quân đội hùng hậu bao gồm 798.527 binh sĩ chính quy và 2.572.500 người trong lực lượng dự bị. Ngược lại, Anh chỉ có lực lượng khiêm tốn bao gồm 150.000 người, và 75.000 quân dự bị.

Nga duy trì mức ngân sách quốc phòng khổng lồ, lên tới hơn 45 tỷ USD, lớn thứ 3 trên thế giới, vượt Anh và chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc. Nga dành 5,3% GDP cho quốc phòng, trong khi ở Anh chỉ là 2%.

img

Xe tăng Anh khai hỏa trong một cuộc tập trận.

Nga hiện cũng là nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 7.500 đầu đạn. Anh chỉ sở hữu 215 đầu đạn, trong đó 160 là đầu đạn nhiệt hạch.

Nếu như quân đội Nga được trang bị tới 20.000 xe tăng thì ở Anh chỉ có vỏn vẹn 400. Xe bọc thép chiến đấu và pháo tự hành của Nga cũng hoàn toàn vượt trội so với những gì Anh có trong kho vũ khí.

Anh tự hào có lực lượng không quân và hải quân thiện chiến hàng đầu thế giới. Nhưng chưa rõ liệu các phi công và thủy thủ Anh có vượt trội hơn các đối thủ đến từ Nga hay không.

Xét về lực lượng, Anh có 888 máy bay, bao gồm 141 chiến đấu cơ và 386 trực thăng. Ngược lại, Nga có tới hơn 4.000 máy bay, bao gồm 629 chiến đấu cơ.

Lực lượng mạnh nhất trong quân đội Nga chính là hải quân, với 351 tàu chiến, bao gồm 63 tàu ngầm, trong khi Anh chỉ có 76 tàu chiến, bao gồm 1 tàu sân bay vừa hạ thủy hồi năm ngoái.

Năng lực răn đe hạt nhân của Anh dựa vào 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Vanguard. Các tàu ngầm này được trang bị tên lửa hạt nhân Trident II rất mạnh của Mỹ.

img

Nga hiện là một trong những nước có lực lượng bộ binh đông đảo nhất thế giới.

Mặc dù xếp sau Nga cả về số đầu đạn hạt nhân và binh sĩ quân đội, Anh nhiều khả năng sẽ được các nước châu Âu bảo vệ thông qua hiệp ước trong liên minh NATO.

Lực lượng hỗn hợp của Pháp, Đức, Italia, Anh, Hy Lạp và Tây Ban Nha lên tới 969.000 quân, 579 tàu chiến và 48 tàu ngầm.

Trong số các nước đồng minh châu Âu, Anh và Pháp là hai nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân, nên số lượng đầu đạn hạt nhân cũng tăng lên 515.

Nước nào giành chiến thắng?

Năm 2016, Cựu Tư lệnh quân đội Anh, tướng Sir Mike Jackson khẳng định rằng Anh sẽ thất bại trước các cuộc tấn công toàn diện của Nga.

"Nước Anh sẽ không thể chống đỡ nổi, không thể bảo vệ được chính mình nếu như Nga phát động một cuộc tấn công quy mô lớn. Một cuộc oanh tạc của không quân Nga sẽ sớm đè bẹp Anh vì lực lượng quân đội hiện tại không có năng lực phòng không hay tác chiến điện tử", tướng Mike nói. “Năng lực chiến đấu của Anh hết sức hạn chế vì thiếu tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình”.

Lợi thế duy nhất của Anh là toàn bộ lãnh thổ nằm trên hòn đảo tách biệt với châu Âu. Điều đó có nghĩa là để tấn công Anh, Nga sẽ phải nhắm đến các quốc gia vùng Baltic trước.

Năm ngoái, trong báo cáo của tập đoàn nghiên cứu RAND, lực lượng NATO ở Đông Âu sẽ không thể chống đỡ đòn tấn công tổng lực của Nga. Các nước thành viên NATO như Latvia, Lithuania và Estonia sẽ phải đầu hàng Nga chỉ trong vòng 60 giờ, RAND phân tích.

img

Lực lượng tên lửa chiến lược Nga rất mạnh với 2.700 đầu đạn hạt nhân.

Sau khi kiểm soát các nước vùng Baltic, Nga cũng sẽ cần có thời gian để chuẩn bị lực lượng. Đó sẽ là lợi thế dành cho Anh.

Nhưng chính các tướng lĩnh về hưu của Anh cũng phải thừa nhận rằng đơn vị bộ binh Anh sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt chỉ trong một ngày, nếu đụng độ với Nga.

Các chuyên gia quốc phòng Anh thừa nhận Anh không có năng lực phát động một cuộc tấn công uy lực nhằm vào kẻ thù, năng lực quân đội Anh đã suy yếu đến cấp độ toàn bộ lực lượng chiến đấu của Anh có thể bị dẹp tan chỉ “trong một buổi chiều”.

Như vậy, ưu thế về địa hình là yếu tố chính giúp Anh ngăn đợt tấn công tổng lực từ Nga, ít nhất cho đến khi một số các quốc gia thuộc NATO rơi vào tay Nga.

Anh cũng sẽ dựa vào sức mạnh của NATO để chống đỡ đòn tấn công phi hạt nhân từ Nga.

__________________

Để tấn công được Anh bốn bề là biển, Nga có những tên lửa đạn đạo chiến lược mạnh nhất thế giới. Mời bạn đọc theo dõi kỳ tới để hiểu rõ hơn đòn tấn công hạt nhân Nga giáng vào Anh sẽ gây hậu quả lớn đến mức nào.

Điệp viên bị đầu độc: LHQ họp khẩn; tàu chiến Anh sẵn sàng tấn công

Cuộc họp khẩn cấp đã được tổ chức tại Hội đồng Bảo an LHQ liên quan đến vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem