Nếu không có thị trường Trung Quốc, nhiều mặt hàng sẽ... khốn đốn

Bảo Anh Thứ bảy, ngày 29/12/2018 06:50 AM (GMT+7)
Trung Quốc nhập khẩu phân nửa số lượng nông, thuỷ sản Việt Nam mỗi năm. Nhiều mặt hàng như gạo, sắn lát, trái cây, thuỷ sản, cao su… nếu không có thị trường Trung Quốc, chắc chắn nông dân gặp khốn đốn. Tuy nhiên, bán hàng vào Trung Quốc ngày càng khó hơn trước…
Bình luận 0

Việt Nam vừa thỏa thuận lùi thời hạn chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác các lô hàng nông sản vào Trung Quốc từ tháng 12.2018 sang tháng 7.2019. Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, việc gia hạn giúp các doanh nghiệp (DN) có thêm thời gian chuẩn bị, nhưng khi thực thi các yêu cầu mà Trung Quốc đưa ra sẽ khá khắt khe, chứ không dễ như trước.

Xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo

“Sau Tết Nguyên đán 2019, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tập huấn cho cán bộ chuyên trách hai bên và mở rộng tới DN Việt Nam để hiểu hơn quy định của Trung Quốc” - Thứ trưởng NNPTNT Trần Thanh Nam nói.

img

 Ngoài chuối, ông Võ Quan Huy đang chuẩn bị xuất khẩu bưởi vào Trung Quốc. Ảnh: B.M

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cũng nhìn nhận, con cá tra vẫn có nhiều cơ hội gia tăng thị phần ở Trung Quốc, nếu DN cùng đồng lòng làm tốt chất lượng. Lâu nay, DN bán hơn 80% sản lượng cá tra theo đường tiểu ngạch, đây là lỗ hổng chất lượng lớn nhất, khó được kiểm soát...

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Vừa qua nước này mở cửa cho nhiều loại trái cây như bưởi, sầu riêng, dừa… nhưng kèm theo đó là các yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, chất lượng, bao bì. Thời gian qua, sở dĩ mặt hàng rau quả có doanh số xuất khẩu tăng liên tục qua các năm, cũng dựa vào sự lỏng lẻo kiểm soát chất lượng của Hải quan Trung Quốc.

DN và nông dân có thể vô tư bán thanh long, bưởi, dừa, dưa… chưa có truy xuất nguồn gốc, chất lượng chưa đảm bảo sang Trung Quốc. 11 tháng năm 2018 chúng ta thu về 3,5 tỷ USD xuất khẩu rau quả, tăng 11,6% so với cùng kỳ, thì Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất, chiếm tới 73,8% thị phần, tương đương 2,41 tỷ USD, tăng 11,3% so với 2017.

Tuy nhiên, dù chưa áp dụng kiểm soát chính thức, nhưng từ các tháng cuối năm 2018, Hải quan Trung Quốc đã bắt đầu siết dần kiểm soát chất lượng, lập tức ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này. Nếu 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau, củ, quả sang Trung Quốc đạt trung bình khoảng 250 triệu USD/tháng, sang tháng 9 và tháng 10 chỉ còn 210 triệu USD.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, thời gian qua, nông dân nhiều vùng đã mở rộng rất nhanh diện tích các loại trái cây như sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, bơ, xoài... nên dự kiến trong 3 - 5 năm nữa, áp lực đầu ra rất lớn. Trong khi hiện Trung Quốc mới cho nhập khẩu chính thức 8 loại rau quả là thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối và mít.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, nói: Doanh số xuất khẩu chuối chính ngạch sang Trung Quốc năm 2018 của công ty có thể đạt khoảng 3 triệu USD, nhưng được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, dán nhãn như xuất vào thị trường Nhật.

Làm ăn với thị trường này vài năm nay, theo ông Huy, Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính như cách nghĩ lâu nay nữa, trái lại, họ đang dựng lên nhiều hàng rào kiểm soát giống như các thị trường khác. Do đó, nông dân và DN nên chuẩn bị tuân thủ các quy định, để tránh trường hợp hàng phải trả về.

“Chúng ta làm hàng xuất đi Nhật, Mỹ, châu Âu như thế nào, thì cũng phải áp dụng cho thị trường Trung Quốc như vậy. Phải khắt khe với chính mình, làm vì lương tâm, uy tín thương hiệu, sự bền vững mới tránh được sự dễ dãi, làm ẩu” - ông Huy nói. Ngoài quả chuối xuất chính ngạch, Huy Long An đang chuẩn bị xuất khẩu bưởi vào Trung Quốc, khi thị trường này mở cửa.

Thay đổi tư duy xuất khẩu chính ngạch

Mới đây, Bộ NNPTNT cũng cảnh báo các DN xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc sớm thay đổi tư duy xuất khẩu chính ngạch; chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng.

“Từ tháng 7.2019, phía Trung Quốc sẽ siết chặt nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam, nếu không đảm bảo các yêu cầu nói trên thì sẽ không xuất khẩu được” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Ngoài rau, củ, quả, có đến 60 - 70% sản lượng gạo, cao su, sắn lát, thuỷ hải sản… của Việt Nam đang bán sang Trung Quốc. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện tổ chức này có 152 thành viên, nhưng chỉ có 22 được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu. Năm 2017, Việt Nam bán 2,2 triệu tấn gạo, nhưng năm 2018 giảm còn 1,3 triệu tấn gạo, do chính sách đánh thuế và kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng của Trung Quốc.

Lâu nay DN vẫn thường chờ tới vụ mới vung tiền mua gạo xá của tư thương, rồi đóng bao xuất sang Trung Quốc. Có ít DN gạo đầu tư vùng nguyên liệu, số đông vẫn mua trôi nổi, và đây là hạn chế lớn nhất khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát vào đầu quý III năm sau. Hàng năm thị trường này cấp hạn ngạch nhập khẩu tới 6 triệu tấn gạo, và Thái Lan đang làm rất tốt chiến lược nắm thị phần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem