Nga có thực sự chuẩn bị một cuộc tấn công Ukraine?

Tuấn Anh (Theo RT) Thứ bảy, ngày 15/01/2022 10:30 AM (GMT+7)
Phương Tây không nên lo lắng về việc Nga tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần biên giới Ukraine, Đại tá Mikhail Khodarenok- nhà bình luận quân sự cho RT.com nêu ra các lý do sau đây.
Bình luận 0
Nga có thực sự chuẩn bị một cuộc tấn công Ukraine? - Ảnh 1.

Lính Nga tập trận. Ảnh Sputnik

Vào ngày 11/1, khoảng 3.000 quân nhân của Quân khu phía Tây đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại các bãi tập kết hợp vũ khí ở các vùng Voronezh, Belgorod, Bryansk và Smolensk, không xa biên giới của Nga với Ukraine và Belarus. Động thái này khiến phương Tây lo lắng và Mỹ đã yêu cầu Nga phải giải thích về các cuộc tập trận.

Có tới 300 đơn vị thiết bị quân sự được sử dụng trong cuộc tập trận, bao gồm xe tăng T-72B3 và xe chiến đấu bộ binh BMP-2. Nhưng như vậy có nhiều không? Hãy nhớ lại rằng sức mạnh của một trung đoàn súng trường trong thời chiến là khoảng 2.500 người. Trong khi thực tế 300 xe tăng và số lượng xe chiến đấu bộ binh IFV tham gia tập trận thấp hơn nhiều so với sức mạnh của một sư đoàn xe tăng thông thường.

Do đó, chúng ta có thể nói một cách an toàn rằng, cuộc tập trận ở các khu vực phía tây của Nga không gây ra căng thẳng địa chính trị quy mô lớn.

Ngoài ra, các cuộc tập trận này được tiến hành phù hợp với kế hoạch huấn luyện hoạt động của Lực lượng vũ trang Nga, cũng như lịch trình huấn luyện cá nhân của 5 quân khu của Nga. Sẽ rất bất thường nếu tổ chức các cuộc tập trận quân sự riêng biệt mà không có bất kỳ kế hoạch trước nào.

Nga có thực sự chuẩn bị một cuộc tấn công Ukraine? - Ảnh 2.

Một cuộc tập trận của quân đội Nga năm 2020. Ảnh AA

Phương Tây vẫn luôn băn khoăn về mối liên quan giữa các địa điểm tập trận ở biên giới phía Tây của Nga. Nhưng, thực tế là các hoạt động huấn luyện quân sự được thực hiện nghiêm ngặt tại các bãi tập đã có từ trước, vốn rất ít và cách xa so với khu vực châu Âu. Ngoài ra, quy mô của các địa điểm tập trận này thường không quá sức mạnh của một trung đoàn. Hơn nữa, ngoài những địa điểm tập trận đã có sẵn từ lâu, Nga khó tạo ra những vùng đất mới ở khu vực phía Tây đủ để đáp ứng cho tiêu chuẩn của tập trận. Do đó, yêu cầu lặp đi lặp lại của phương Tây không tổ chức các cuộc tập trận gần biên giới phía tây của Nga sẽ khó được tuân thủ, ngay cả khi Moscow muốn vì Nga đơn giản là không có lựa chọn thay thế nào khác ở khu vực phía Tây..

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ned Price trước đó ngày 11/1 cho biết, Washington mong Nga cung cấp một số thông tin làm rõ về các cuộc tập trận quân sự "sát biên giới Ukraine" hoặc ngừng hoàn toàn - như một phần trong nỗ lực giảm leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine.

Ông Price cho biết: "Việc giảm leo thang trong bối cảnh này sẽ kêu gọi quân đội Nga quay trở lại doanh trại của họ, các cuộc tập trận này có thể được làm rõ hoặc tạm dừng".

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman- người dẫn đầu phái đoàn Mỹ tại cuộc tham vấn Nga-Mỹ về đảm bảo an ninh ở Geneva nói rằng, bằng cách triệu hồi các binh sĩ đang đóng ở biên giới với Ukraine trở lại doanh trại, Nga sẽ chứng minh rằng họ không có kế hoạch xâm lược Ukraine.

Đáp lại, Nga chỉ ra rằng quân đội của họ được triển khai trong lãnh thổ nước Nga là chuyện hết sức bình thường. Theo Ngoại trưởng Sergey Lavrov, phương Tây đã đi đến mức cực đoan với các yêu cầu của họ.

"Chúng tôi nhất quyết phản đối những yêu cầu như việc đưa quân trở lại "doanh trại" trên chính đất của chúng tôi, trong khi đó người Mỹ, người Canada, người Anh lại gần như thường trực cố thủ - dưới chiêu bài luân phiên tạm thời - ở các nước Baltic và các nước ở Bắc Âu và tạo ra các căn cứ quân sự xung quanh Biển Đen. Hơn nữa, người Anh cũng đang xây dựng một căn cứ ở Ukraine, ở Biển Azov. Đây là một cách tiếp cận không thể chấp nhận được", Ngoại trưởng Lavrov nói trong một cuộc họp báo ngày 14/1.

Trong những tháng gần đây, Mỹ và NATO liên tục cáo buộc Nga lên kế hoạch xâm lược Ukraine. Thậm chí ngày cụ thể cũng được đưa ra trên các phương tiện truyền thông về thời điểm quân đội Nga được cho là sẽ tấn công Ukraine. Tuy nhiên, hầu như không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc này.

Thứ nhất,  nếu có một chiến dịch quân sự chống lại Ukraine như lời cáo buộc - thì điều đó chắc chắn sẽ có sự tham gia của Lực lượng Hàng không Vũ trụ của Nga, vì chiến tranh trong thế kỷ 21 không thể chỉ dựa vào bộ binh cơ giới và xe tăng mà phải có các phương tiện tiên tiến hơn nhiều.

Nếu Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga tham gia, chúng ta sẽ phải nói về sự tham gia của họ về các nhiệm vụ quân sự mà họ sẽ được giao thực hiện, giả sử là 30 nhiệm vụ cho mỗi trung đoàn - và đó là ở giai đoạn đầu của giả thuyết xung đột.

Để hoàn thành các nhiệm vụ này, tất cả các sân bay tiên tiến của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, cũng như các căn cứ không quân, sẽ phải có đủ nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược, nhiên liệu, thiết bị, thực phẩm và các vật dụng khác.

Thật khó để tưởng tượng mỗi trung đoàn sẽ yêu cầu bao nhiêu quả bom thả trên không cho 30 nhiệm vụ này. Đó sẽ là hàng trăm tấn bom, đạn, thật không thể tưởng tượng nổi.

Nếu chúng ta xem xét nhiên liệu cần thiết để hỗ trợ một hoạt động như vậy, hãy nhớ rằng mỗi máy bay chiến thuật đốt cháy một lượng nhiên liệu khổng lồ và mỗi thùng đầy chở được khoảng 12 đến 14 tấn. Đối với các tính toán chiến thuật, một máy bay tiêu thụ 0,75 của một xe tăng đầy và tiêu tốn 0,85 của một lượng đạn tiêu chuẩn cho mỗi chuyến bay. Tổng hợp lại, điều đó sẽ làm tròn thành một số con số khổng lồ. Và với công nghệ vệ tinh hiện đại, sẽ không để lọt ra khỏi tầm nhìn nếu khối lượng hàng khổng lồ này di chuyển.

Thứ hai, nếu có thật một kế hoạch tấn công, Nga cũng sẽ phải tính số lượng đạn dược cho tất cả các hệ thống pháo binh và tên lửa phóng nhiều lần. Chỉ một nhiệm vụ yêu cầu từ  5-6 viên đạn tiêu chuẩn cho mỗi khẩu súng.

Đạn tiêu chuẩn cho một khẩu lựu pháo 152 mm đã bao gồm 60 quả đạn. Mỗi quả đạn đi kèm trong một hộp, vì vậy 6 viên đạn tiêu chuẩn đi kèm trong tổng số 360 thùng gỗ lớn. Mỗi trung đoàn pháo tự hành mang theo 54 khẩu pháo như vậy. Hãy thử hình dung số lượng và kích thước của tất cả các hộp đạn cần thiết để hỗ trợ chỉ một trung đoàn pháo binh trong một nhiệm vụ.

Nhưng hãy thực tế, không có hoạt động quân sự nào ngắn đến vậy, và nếu thực sự bắt đầu, mỗi trung đoàn sẽ phải có đủ đạn để hỗ trợ ít nhất 30 ngày hành động - đó là tất nhiên, nếu chúng ta đang nói về một hoạt động quân sự nghiêm túc. Trong trường hợp đó, sẽ phải có một hoạt động hậu cần lớn đang được tiến hành để cung cấp tất cả số đạn đó bằng đường sắt.

Chưa kể đến việc, trong thực tế chiến đấu sẽ phát sinh số lượng cao hơn rất nhiều. Sự hỗ trợ phần cứng như vậy là điều cần thiết cho sự thành công của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Hơn nữa, người ta không chỉ phải tính đến việc sử dụng và những tổn thất có thể xảy ra của thiết bị trong các hoạt động tác chiến mà còn phải tính đến lượng dự trữ vật chất cần được tích lũy khi kết thúc hoạt động.

Và nếu không ai thực sự có thể nhìn thấy các hoạt động di chuyển thiết bị khổng lồ như vậy trên mặt đất hoặc bằng các phương tiện giám sát vệ tinh, thì không có lý do gì để tin rằng Nga đang chuẩn bị bắt đầu một cuộc chiến bất cứ lúc nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem