Theo
Eu Observer, dù Mỹ vẫn là nước có mức chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới với khoản ngân sách 640 tỷ USD (460 tỷ Euro), song ngân sách này đã giảm 7% so với năm trước đó, chủ yếu là do quân đội Mỹ rút khỏi Iraq và Afghanistan.
Về tỷ lệ, năm ngoái, chi tiêu quân sự của Mỹ hiện chiếm 3,8% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) trong khi Nga tăng ngân sách chi tiêu quân đội lên mức 87,8 tỷ USD, chiếm 4,1% GDP của nước này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không Almaz-Antei S-350E Vityaz của Nga.
Việc Nga tăng chi tiêu quân sự được cho là phù hợp với Kế hoạch Vũ trang Quốc gia giai đoạn 2011-2020 của nước này. Theo kế hoạch, Nga chủ trương chi hơn 700 tỷ USD để nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ và ngành công nghiệp quốc phòng Nga trong giai đoạn này. Mục đích là để tới năm 2020 sẽ thay thế mới tới 70% vũ khí, khí tài.
Ngoài ra, Ukraine, hiện đang trên bờ vực nội chiến cũng tăng chi tiêu quân sự 16% (trong năm ngoái) so với năm trước nữa.
Về phần mình, Trung Quốc, nước có chi tiêu quân sự lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ dành khoảng 7,4% GDP để đầu tư cho quân đội (tương đương 188 tỷ USD).
Trong top 15 nước chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới có 4 nước châu Âu. Trong đó, nếu Pháp đứng thứ 4 sau Nga năm ngoái thì nay bị tụt xuống hạng thứ 5, xếp sau cả Saudi Arabia. So với giai đoạn 2004-2013, Pháp đã cắt giảm chi tiêu quân sự chỉ còn 6,4% GDP. Anh đứng sau Pháp với 56 tỷ USD, giảm 2% so với thập kỷ trước.
Đức đứng thứ 7 trên thế giới với 48 tỷ USD và là quốc gia châu Âu duy nhất tăng chi tiêu quân sự lên mức 3,8% GDP so với giai đoạn 2004-2013.
Giảm hơn 10% ngân sách quân sự từ năm 2008 bao gồm Áo, Bỉ, Hy Lạp, Ireland, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh.
Phương Đăng (theo Eu Observer) (Phương Đăng (theo Eu Observer))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.