Nga-Ukraine: Nỗi ám ảnh của Putin

Tuấn Anh (Theo YN) Thứ hai, ngày 24/01/2022 06:30 AM (GMT+7)
Để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng về một cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine, các lực lượng NATO trong khu vực đã bắt đầu lên giây cót.
Bình luận 0
 Nga-Ukraine: Nỗi ám ảnh của Putin - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Sochi tháng 10/2021. Ảnh Getty

Tây Ban Nha thông báo rằng 2 tàu chiến của nước này đang trên đường đến Biển Đen, vùng nước giáp với miền nam Ukraine, để tham gia các cuộc tập trận quân sự đã được lên kế hoạch. Tây Ban Nha cũng có thể gửi máy bay chiến đấu đến Bulgaria, nơi chính phủ Hà Lan đang gửi F-35. Trong khi đó, theo nhà phân tích quân sự Gustav Gressel, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, Pháp hy vọng sẽ dẫn đầu một tiểu đoàn máy bay chiến đấu đến Romania. Điện Kremlin ngày 21/1 yêu cầu các lực lượng NATO rời khỏi cả Romania và Bulgaria, tuy nhiên yêu cầu này đã bị NATO phớt lờ.

Nicolo Fasola, một chuyên gia về NATO và an ninh Nga nói với Yahoo News rằng NATO không bắt buộc phải chiến đấu ở Ukraine, kho vũ khí được củng cố và các cuộc tập trận ở Biển Đen đang gửi đi một thông điệp chiến lược. Trong trường hợp này, thông điệp là " NATO đoàn kết, NATO quyết tâm và NATO mạnh mẽ".

Việc mở rộng tư cách thành viên NATO sang các nước từng là một phần của khối thời Liên Xô là trung tâm của bế tắc ở Ukraine. Trong cuộc hội đàm với phương Tây vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định cấm Ukraine gia nhập NATO, một yêu cầu mà Mỹ và NATO thẳng thừng từ chối.

Được thành lập vào năm 1949, NATO là liên minh thời bình được thành lập bởi Mỹ, Canada và 9 quốc gia phương Tây để kiểm tra những tiến bộ của Liên Xô sau Thế chiến thứ hai. Tuần này, các nhà lãnh đạo NATO nhắc lại rằng khối này vẫn là một liên minh bảo vệ với mục đích duy trì an ninh châu Âu. Các hoạt động triển khai của NATO trên lãnh thổ của các thành viên "mang tính chất phòng thủ, tương xứng và phù hợp với các cam kết quốc tế của chúng tôi", NATO lưu ý trên trang web của mình.

Trong nhiều tháng, các quan chức Nga đã yêu cầu NATO ngừng mở rộng, cấm Ukraine và Gruzia gia nhập, đồng thời loại bỏ các thành viên đã gia nhập kể từ năm 1997.

"Điều mà nước Nga đương đại muốn làm là trở lại vị trí cường quốc được công nhận trên thế giới," Fasola nói. Và Ukraine, với nguyện vọng gia nhập NATO và Liên minh châu Âu, đang đe dọa điều đó.

Evelyn Farkas, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nga, Ukraine và Âu-Á, nói với Yahoo News: "Ám ảnh của Putin với NATO là có thật. Ông ấy muốn có một phạm vi ảnh hưởng và ông ấy muốn đảm bảo rằng không có cường quốc dân chủ nào dụ dỗ các quốc gia mà ông ấy tin rằng phải nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga gia nhập NATO hoặc Liên minh châu Âu".

 Nga-Ukraine: Nỗi ám ảnh của Putin - Ảnh 2.

Thân nhân của các quân nhân Ukraine thiệt mạng trong quá trình bảo vệ Sân bay Donetsk cạnh bức tường tưởng niệm ở Kiev. Ảnh AFP

Để hiểu những gì hiện đang diễn ra ở Ukraine và Đông Âu, cần phải tìm hiểu về sự hình thành của Liên bang Xô viết gần một thế kỷ trước (vào tháng 12 năm 1922). Với Nga là trung tâm chỉ huy, Liên Xô ban đầu bao gồm Ukraine, Belorussia (nay là Belarus)  là Gruzia, Azerbaijan và Armenia. Trong nhiều thập kỷ, Liên bang Xô viết bao gồm 15 nước cộng hòa khác nhau, một số nước trong số đó bị buộc phải chịu ảnh hưởng lớn của Nga, đáng chú ý nhất là các nước Baltic - Lithuania, Latvia và Estonia.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự mở rộng của Liên Xô tiếp tục sang Đông và Trung Âu, tạo ra các vệ tinh của Liên Xô, mặc dù không chính thức là một phần của Liên Xô, nhưng lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của Moscow và buộc phải tham gia vào liên minh quân sự của Liên Xô, Hiệp ước Warsaw, vốn nổi tiếng là dậm chân tại chỗ. Các quốc gia vệ tinh của Liên Xô này bao gồm Ba Lan, Tiệp Khắc cũ (nay là Cộng hòa Séc và Slovakia), Hungary và Đông Đức, đã thống nhất với Tây Đức vào năm 1990, với sự sụp đổ của Bức tường Berlin.

Putin năm 2005 mô tả sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết năm 1991 là "một thảm kịch thực sự" đối với nước Nga và là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ", nhiều nước cộng hòa cũ và các vệ tinh của Liên Xô đã nhìn về phía Tây.

Năm 2005, nhiều nước gia nhập Liên minh châu Âu, và từ năm 1999 đến năm 2004, 9 nước trong đó đã gia nhập NATO vì lo sợ rằng Nga sẽ tiếp cận và o bế họ một lần nữa. Điểm hấp dẫn là Điều 5 của NATO, nêu rõ rằng một cuộc tấn công vào một thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công vào tất cả.

Nga đã phàn nàn về sự mở rộng thành viên của NATO mà tính đến này là gồm 30 nước và việc NATO đưa các vũ khí và lực lượng quân đội đến đóng quân ở các quốc gia thành viên là láng giềng của Nga.

Đặc biệt, Ba Lan và Romania có hệ thống vũ khí Aegis Ashore mà Nga lo ngại có thể được chuyển đổi để phóng tên lửa hạt nhân. Bốn quốc gia ở châu Âu là nơi chứa vũ khí hạt nhân của NATO gồm: Vương quốc Anh, Pháp, Đức và Ý, chỉ có tên lửa của NATO ở Đức và Ý có khả năng tiếp cận Nga.

Một trong những yêu cầu của Nga đối với NATO là tổ chức này rút lại tư cách thành viên đối với các quốc gia đã gia nhập từ năm 1997, mà chuyên gia Fasola giải thích có nghĩa là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và các quốc gia vệ tinh. Fasola nói: "Tất cả những quốc gia mà Nga ám chỉ đến bằng cách ấn định ngày 1997 đều là những quốc gia trước đây là thành viên của Hiệp ước Warsaw và đã gia nhập NATO vào những năm 1990".

Nga không muốn NATO mở rộng để bao gồm cả nước cộng hòa Gruzia thuộc Liên Xô cũ, và đặc biệt là Ukraine, từng là viên ngọc văn hóa của Liên Xô. Năm ngoái, Putin đã công bố một bài diễn văn đưa ra quan điểm của ông rằng Nga và Ukraine là anh em Slav, được gắn kết bởi lịch sử và ngôn ngữ. Tuy nhiên, hầu hết người Ukraine không cảm thấy như vậy.

Trong một cuộc thăm dò vào tháng 12 năm 2021 do Trung tâm Châu Âu Mới ủy quyền, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại ở Kiev, khoảng  61% người dân Ukraine muốn gia nhập Liên minh Châu Âu, trong khi 53% muốn gia nhập NATO. Vào năm 2014, khi Tổng thống lúc đó là Viktor Yanukovych, được Moscow hậu thuẫn, đã chặn đơn xin gia nhập EU của Ukraine. Ông  Yanukovych nói rằng Ukraine nên quay lại hướng nhìn về phía Đông, vì điều này mà người dân Ukraine đã xuống đường biểu tình. Đó cũng là năm Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và miền Đông Ukraine xảy ra chiến sự cho đến nay khiến 14.000 người Ukraine thiệt mạng.

Theo các nhà phân tích, những gì Putin rõ ràng đang cố gắng làm là tái tạo phạm vi ảnh hưởng của Nga giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và các quốc gia vệ tinh, đồng thời thúc đẩy sự gia tăng đột biến giữa Đông và Tây Âu. Các chuyên gia nói rằng động cơ thúc đẩy Putin là mong muốn thấy các nền dân chủ non trẻ như Ukraine thất bại.

Chuyên gia Farkas bình luận: "Putin đang cố gắng sắp xếp lại trật tự thế giới".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem