Ngắc ngoải vì đổ xô trồng sắn làm xăng ethanol

Thứ hai, ngày 15/10/2012 07:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều hộ nông dân ở các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Quảng Nam… đang trong tình trạng “ngắc ngoải” vì trót trồng giống sắn cao sản để làm nhiên liệu sản xuất xăng sinh học ethanol.
Bình luận 0

Với viễn cảnh sẽ cho ra đời được một loại xăng mới- xăng sinh học ethanol thay thế nguồn xăng truyền thống, từ năm 2010, Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), thuộc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) đã phối hợp với nhiều địa phương để triển khai vùng nguyên liệu sắn để lấy nguyên liệu làm xăng sinh học ethanol. Song sau 3 năm triển khai, công ty này không hề thu mua sắn cho dân...

img
Ông Hà Mạnh Thực trồng hơn 1ha sắn cao sản, giờ không biết tiêu thụ sắn đi đâu.

“Xui” dân trồng rồi bỏ mặc

Ngược lên các xã nghèo của huyện Tân Sơn- huyện nghèo nhất tỉnh Phú Thọ thời điểm này, đâu đâu cũng thấy những đồi sắn đang chuẩn bị cho thu hoạch. Nhưng cũng tại thời điểm này, nhiều hộ dân đang rất lo lắng vì chẳng thấy có ai hỏi mua.

Ông Hà Mạnh Thực- Phó khu Xuân, xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn) nói: “Mấy năm trước xã bảo phải bỏ ngô, lạc đi để chuyển sang trồng sắn để làm xăng, yên tâm về giá cả đầu ra với thu nhập cao hơn”. Vụ đầu tiên năm 2011, gia đình ông thu được cả tấn sắn, những tưởng sẽ bán được với giá 2.000-3.000 đồng/kg, nhưng trên thực tế chỉ bán được với giá 1.200-1.300 đồng/kg trong thời gian đầu. Và chỉ ít thời gian sau đó, giá sắn đã rớt thê thảm còn 700-900 đồng/kg.

Không riêng ông Thực, nhiều cán bộ xã ở Kim Thượng cũng “đâm đầu” vào trồng sắn với hy vọng làm giàu, nhưng giờ sắn không bán được mà chẳng biết kêu ai. Anh Hà Văn Minh – Tổ trưởng khuyến nông xã Kim Thượng là một trong những hộ trồng sắn cao sản với diện tích lớn cho hay: “Năm ngoái, gia đình tôi đã phải bỏ bao nhiêu mồ hôi, công sức để trồng sắn, nhưng rồi đành bán tháo cho tư thương, vì chẳng có công ty, nhà máy nào mua cả”.

Ông Hà Văn Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thượng cho biết: “Ban đầu, phía PVB có xuống làm việc với chúng tôi về việc phát triển vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn. Công ty cam kết hỗ trợ toàn bộ cây giống KM94 và thu mua hết nguyên liệu cho dân. Vì thế, chúng tôi mới có chỉ đạo người dân tham gia trồng sắn. Sau vụ đầu tiên đổ bể, PVB lại tiếp tục cam kết sẽ thu mua sắn cho dân trong vụ tới, nên năm nay, toàn xã vẫn duy trì diện tích khoảng 140ha sắn”.

Tuy nhiên, đến nay PVB vẫn chưa vào làm việc cụ thể với xã. Vì vậy, nhiều khả năng năm nay người dân phải tiếp tục tự bán sắn cho tư thương với giá 400-500 đồng/kg. “Bán được còn may, chứ như năm ngoái nhiều hộ đã phải bỏ sắn thối trên đồi” - ông Thọ nói.

Đánh trống bỏ dùi

Năm 2010, Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Miền Bắc được đầu tư xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, với công suất thiết kế 100.000 tấn ethanol/năm. Để có nguồn nguyên liệu phục vụ nhà máy này, PVB đã có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu sắn ở các huyện miền núi của Phú Thọ. Sau đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã chấp thuận để PVB được lập quy hoạch sản xuất sắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2012 với quy mô diện tích tương đương 8.000ha tại 13 huyện, thị, thành phố của tỉnh.

Tiếp đó, PVB cũng có hàng loạt công văn gửi đến các huyện, xã trong tỉnh Phú Thọ về việc phát triển vùng nguyên liệu. Ông Hà Văn Thọ cho biết: “Ngày 26.10.2010, PVB có gửi cho chúng tôi một công văn cam kết sẽ thu mua sắn cho dân. Kể từ đó đến nay, không những họ không mua, mà cũng không hề làm việc hay giải thích gì với chúng tôi”.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Thủy Trọng- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ cho biết: “Do nhà máy xăng ethanol chậm tiến độ, nên người nông dân không tiêu thụ được sắn... Do tôi mới về sở hơn 1 tháng, nên chưa nắm rõ để bàn bạc với phía PVB tháo gỡ vấn đề này”.

Trao đổi với NTNN về vấn đề này, ông Bùi Đức Nhẫn- Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn nói: “Ban đầu, khi công ty mới về đây làm việc, chúng tôi cũng tin tưởng vì với tiềm lực như ngành dầu khí, họ sẽ có nhiều đầu tư để giúp người dân trồng sắn thoát nghèo.

Nhưng do nhà máy chậm tiến độ, nên đến nay họ chưa thu mua được sắn cho dân. Cũng may là chúng tôi mới chỉ đạo… vừa phải, nên diện tích sắn trên toàn huyện đến thời điểm này mới dao động trên dưới 1.000ha”. Về thiệt hại của người dân, ông Nhẫn cho rằng: “Dân chưa… thiệt hại lắm, vì vẫn bán được sắn cho nơi khác!”.

Cùng ăn “quả đắng” như Tân Sơn, từ tháng 3.2011, UBND huyện Thanh Sơn cũng có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu sắn giai đoạn 2011-2015 với quy mô 1.200-1.500ha/năm và đến nay, hàng nghìn hộ dân cũng đang điêu đứng vì không bán được sắn.

Ông Nguyễn Văn Long- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện bức xúc: “Họ làm như thế chẳng khác nào đánh trống bỏ dùi, xui dân trồng sắn, rồi bỏ mặc đấy. Chúng tôi đã nhiều lần mời phía PVB vào làm việc, nhưng đến nay họ vẫn chưa có cam kết hoặc một giải pháp cụ thể nào để thu mua sắn cho dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem