Từ chú trọng liên kết…
Về HTX Rau quả sạch Chúc Sơn những ngày này, chúng tôi được hòa cùng không khí nhộn nhịp, khẩn trương lao động sản xuất của các thành viên HTX từ khâu tập trung chăm sóc, sản xuất cho đến việc sơ chế, đóng gói tiêu thụ rau.
Xã viên HTX Chúc Sơn thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng nhờ trồng rau sạch. Ảnh: Thu Hà
"Từ ngày vào HTX rau sạch, mỗi hộ trồng rau (góp từ 3 - 4 sào đất) thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, cao hơn trồng rau truyền thống”.
Hoàng Thị Huyền
|
Ông Hoàng Văn Khảm - Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết: “Xác định rõ rằng sản xuất gắn phải gắn với thị trường, ngay từ khi thành lập, HTX đã chủ động xây dựng chuỗi liên kết, ký bao tiêu sản phẩm với các cơ sở tiêu thụ để đảm bảo đầu ra ổn định. Ngoài ra, HTX cũng đầu tư khu nhà sơ chế đóng gói theo quy trình khép kín và trang bị thêm máy móc cho các công đoạn sơ chế như máy giải nhiệt, máy ép bao bì…”.
Được thành lập từ tháng 5.2016, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn bắt đầu chỉ với 26 thành viên, 5ha đất sản xuất và 225 triệu đồng tổng số vốn đóng góp từ các thành viên HTX. “Vạn sự khởi đầu nan” – ban đầu đơn vị này cũng đã phải trải qua không ít khó khăn.
“Sản xuất rau, quả sạch theo chuẩn VietGAP phải đảm bảo đạt chuẩn hơn 20 tiêu chí. Điều này không hề đơn giản đối với những nông dân xưa nay vẫn làm theo kiểu truyền thống, sản xuất không theo tiêu chuẩn nào. Thế nhưng, khó khăn chính vẫn là vấn đề đầu ra bởi chi phí đầu vào cho cây rau sản xuất theo tiêu chuẩn sạch cao hơn làm theo kiểu truyền thống. Do đó, doanh nghiệp buộc phải nâng giá bán, dẫn đến khó bán hơn” - ông Khảm nhớ lại.
Với quyết tâm sản xuất rau đảm bảo chất lượng, những việc đầu tiên HTX thực hiện là phối hợp ngành nông nghiệp tập huấn cho xã viên kỹ thuật sản xuất rau an toàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Song song với đó, HTX cũng thành lập một đội ngũ kỹ thuật riêng, thành thạo về chuyên môn cây trồng, luân phiên đi kiểm tra đều đặn ở mỗi tổ trồng rau khác nhau.
… Đến sản xuất nông nghiệp thông minh
Với nguồn lực đóng góp của các thành viên, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã đầu tư hơn 5.000m2 hệ thống nhà màng, nhà lưới để trồng rau trái vụ, phòng ngừa sâu bệnh hại rau và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel. Ông Khảm cho hay: “Kinh phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng/sào nhưng đã khẳng định hiệu quả rõ rệt, giúp giảm sức lao động cho nông dân, tưới đúng, đủ lượng nước... nên rau phát triển tốt, ít sâu bệnh, chất lượng đảm bảo”.
HTX cũng là 1 trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ được tiếp cận công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết vào sản xuất rau an toàn thông qua dự án do Viện Phát triển công nghệ và giáo dục phối hợp Ngân hàng Thế giới hỗ trợ. Ông Khảm cho biết: “Khu sản xuất rau an toàn của HTX có Trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành. Hệ thống này cho phép cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa… Đây là một trong những căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau”.
Theo ông Khám, để “bắt nhịp” với các công nghệ tiên tiến, HTX đã chia đội ngũ sản xuất thành nhóm, đồng thời gửi các nhóm trưởng đi tập huấn để nắm vững các kỹ năng sử dụng phần mềm công nghệ.
Từ 5ha rau VietGAP ban đầu, đến nay HTX đã mở rộng lên 15ha trồng rau VietGAP. Ngoài diện tích sản xuất của các xã viên, HTX còn liên kết với các vùng trồng rau quả an toàn khác như ở Mộc Châu (Sơn La). Năm 2016, doanh thu HTX đạt trên 8 tỷ đồng/năm. Hiện nay, với sản lượng rau trung bình khoảng 60 tấn/tháng, HTX đã cung ứng cho 3 cơ sở lớn là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện Nội tiết T.Ư và một số công ty của Nhật Bản.
Chị Hoàng Thị Huyền - thành viên HTX chia sẻ: “Ngày trước tôi trồng rau theo kiểu truyền thống, thu nhập rất bấp bênh. Bây giờ thì khác, vào HTX được làm theo quy trình tiên tiến, hạn chế dùng thuốc BVTV, sử dụng nguồn nước sạch... Vui hơn cả là rau được HTX bao tiêu với giá thấp nhất 8.000 đồng/kg nên nông dân yên tâm sản xuất”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.