“Ngậm ngải” phục sinh sâm Ngọc Linh trên đỉnh mây phủ

Thứ hai, ngày 22/12/2014 06:07 AM (GMT+7)
Bây giờ thì sâm Ngọc Linh đã thực sự… quý như sâm, đã trở thành “của hiếm” ngay trên mảnh đất sản sinh ra nó… Giữ và nhân giống sâm Ngọc Linh để chuyển giao cho đồng bào dân tộc - một công việc được ví như “ngậm ngải” của những con người trên đỉnh núi quanh năm mây phủ…
Bình luận 0
Chuyện tản mạn trên đường lên chốt

Gọi là “Trung tâm” nghe có vẻ bề thế, thực ra nó là một vườn ươm giống. Ở đây anh em vẫn quen gọi là “chốt sâm”. Từ “chốt” gợi nên một cái gì cẩn trọng, nghiêm mật quá? - Nguyễn Mạy – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn giống sâm Ngọc Linh cười: “Đúng thế, các anh là một trong số ít người được ưu tiên tới nơi này”

img

Sâm Ngọc Linh

Chốt sâm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển. Rừng già thâm u trầm mặc phân vân nửa màu tối sáng. Ngửi thấy hơi người, từng đàn vắt xanh lè hăm hở bật mình tanh tách. Chúng tôi vừa đi vừa chạy, ngôn ngốt trong hơi thở như kéo bễ và cái cảm giác nửa nóng nửa lạnh cứ chờn vờn trên da thịt... Để thoát nỗi bức bối, tôi quay sang hỏi chuyện sâm… Theo tài liệu chính thức thì sâm Ngọc Linh được bộ đội ta phát hiện vào quãng năm 1970. Thực ra thì trước đó đồng bào dân tộc đã sử dụng từ lâu. Họ đặt tên là  “thuốc dấu”. Qua thực tế chữa bệnh cho thương bệnh binh và những nghiên cứu khoa học sau này đã có thể kết luận: Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý, có thể xếp cùng sâm Triều Tiên, sâm Mỹ là 2 loại sâm tốt nhất thế giới…

Thế nhưng năm 1984 lên Đăk Glei công tác, ra chợ tôi vẫn thấy đồng bào dân tộc gùi từng gùi đi bán như… khoai lang. Một kg sâm đủ tuổi chỉ khoảng hơn 1.000 đồng. Mà người ta còn dùng với tâm lý bán tin bán nghi, sắc lên uống như nước chè… Bây giờ thì ngay tại thị trấn Tu Mơrông này, muốn mua sâm Ngọc Linh cũng chẳng dễ.  Sáng nay sau khi thuê 20 ngàn cho một anh xe thồ, tôi mới tìm được nơi bán.

img

img

Vườn ươm giống sâm trên núi Ngọc Linh.

 Cô bán hàng không đôi hồi “hét” 20 triệu đồng một kg tươi ! Ấy là còn chưa biết sâm non, già thế nào. Thấy tôi lắc đầu, cô bảo: Ấy là thời điểm này có hàng. Lúc khan, ba - bốn chục triệu cũng chẳng có mà mua… Với cái giá như thế, mấy năm gần đây núi Ngọc Linh đã có không biết bao nhiêu đội quân tứ phương đổ đến săn lùng. Rồi thì nạn trộm cắp, mua bán sâm non – và mấy năm trước đây lại rộ lên nạn sâm giả khiến sâm Ngọc Linh “mất uy” và có nguy cơ tuyệt chủng… Trước tình hình đó, từ năm 2005 Chính phủ đã quyết định cho thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng” kéo dài  đến hết năm 2014 với tổng kinh phí  9,8 tỷ đồng…

“Ngậm ngải” trồng sâm

… Xế chiều chúng tôi mới kéo được đôi chân rã rượi tới “chốt sâm”

Gọi “ chốt”  cho xứng với  sự cẩn trọng, nghiêm nhặt của nó kể cũng phải. Tôi đứng ngắm toàn bộ khu vực - một hàng lưới B40 chạy ngoắt ngoéo dưới những tầng cây cổ thụ. Cứ vài mét lại được treo một bóng điện… Thấy tôi định bước ra vườn, ông tổ trưởng vội níu lại:  “Để em dẫn anh đi. Trong vườn đầy bẫy và hố chông, nguy hiểm đấy”.

Những loại cây quý dường như bao giờ cũng có một sự khác biệt nào đó…Vào khoảng tháng 3 từ rễ cũ dưới đất, sâm Ngọc Linh đâm lên một cuống lá rồi tỏa ra bốn cánh đều nhau hình chân vịt. Vài tháng sau từ đỉnh cuống nhô lên một chùm hoa vàng nhạt, tỏa hương thơm mỡ màng. Mỗi năm sâm chỉ ra được một đốt và mỗi đốt chỉ duy nhất một lá đó… Đến tháng 8 khi hạt chín thì lá cũng lụi dần và sâm chuyển sang thời kỳ “ngủ đông” cho đến sang năm mới lại bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới…

Sâm Ngọc Linh có thể nhân giống bằng củ và hạt. Ở đây người ta sử dụng chủ yếu là hạt. Mỗi năm sâm chỉ có mỗi đốt mới trong khi một chùm hoa có thể thu được 17 – 18 hạt. Không cần xử lý, ngay sau khi hạt chín là gieo luôn xuống đất. Ra giống không khó mấy. Cái khó là bảo vệ và chăm sóc. Sâm Ngọc Linh rất nhiều địch hại, đặc biệt nhím, sóc, dúi, têtê… là những loài thú rất khoái thứ củ bổ dưỡng này. Còn các loài chim thì lại rất khoái ăn hạt. Chống thú, lưới sắt phải chôn sâu xuống đất 40 phân; còn với chim, khi sâm ra hoa người ta phải chụp ngay cho nó một chiếc giỏ đan bằng mây để bảo vệ… Đất rừng Ngọc Linh mênh mông là thế nhưng không phải nơi nào cũng trồng được sâm. Ngoài sự đảm bảo độ cao, đất phải có tầng mùn dày, chỉ tiếp nhận ánh nắng từ 30- 40%.

Để đảm bảo tính chất tự nhiên, việc làm đất, chăm sóc, tất cả đều bằng thủ công – đặc biệt là không được bón bất kỳ một loại phân gì, kể cả phân hữu cơ. Để thúc đẩy tăng trưởng, người ta kiếm mùn lá cây trong rừng bóp vụn rồi rải đều trên mặt luống… Có lẽ bởi “sống lâu như sâm” mà thời gian ở đây có cảm giác trôi đi rất chậm. Hạt sâm gieo xuống đất, phải đợi đến 5 tháng mới nhú mầm. Một năm chỉ có 6 tháng được thấy sâm hiển hiện trên mặt đất. Nhưng dù bất kể mùa nào thì anh em trên chốt sâm đều phải trực 24/24. Mọi động tác công việc đều “nâng như nâng trứng, hứng như hứng… sâm”  Cuộc sống của họ như ngưng đọng trong một quang cảnh, một hợp âm quen thuộc của đại ngàn… Có lẽ chỉ những chàng trai lớn lên từ rừng (trừ tổ trưởng, tất cả đều là người Xê Đăng) mới đủ kiên nhẫn “ ngậm ngải” trồng sâm…                
              
…Tôi ngậm rất lâu  để thưởng thức cái vị đắng đặc trưng xa rồi mới gặp. Rượu sâm Ngọc Linh uống tới đâu, cái cảm giác như từng mạch máu nhỏ đều dãn nở sau một ngày luồn rừng mệt nhọc… Chuyện loanh quanh rồi lại quay về với sâm… Tu Mơrông hiện đang là một trong những huyện nghèo nhất nước. Thiên nhiên phú cho cây sâm, huyện đã nhìn nhận như một đặc sản quý giá. Với việc xác định sâm Ngọc Linh là một trong 9 sản phẩm chủ lực, là cây “xóa đói giảm nghèo”, dự án “phát triển sâm Ngọc Linh 2012 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” của tỉnh Kon Tum đã có tổng diện tích quy hoạch lên đến  31.000 ha; trong đó vùng trồng sâm là 1.700 ha thuộc 5 xã của Tu Mơ Rông và 3 xã huyện Đăk Glei. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ trồng được 300 ha và đến 2020 sẽ là 1000 ha. Đồng bào dân tộc có thể sống bằng nghề trồng sâm bởi thực tế cho thấy làng Lạc Bông  (xã Ngọc Lei) trồng sâm nhờ sự giúp đỡ của dự án đã có cuộc sống khá hẳn…

Tuy nhiên từ thực tế đến ước muốn còn là một khoảng cách dài. Mặc dù hiện nay Công ty  Sâm Ngọc Linh đã phát triển được 150 ha và Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã trồng được gần 8 ha, cây giống vẫn là một trở lực. Nhân theo kiểu tự nhiên rất chậm, phải cần đến một trung tâm nhân giống theo phương pháp cấy mô thì mới khả dĩ. Và cái khó không kém nữa là vốn… Người ta tính rằng 1ha sâm sau 8 năm trồng có thể cho 400 – 500 kg củ. Với giá bán hiện tại, 1 ha sâm có thể cho lãi đến 6 tỷ đồng. Con số thật hấp dẫn nhưng để đầu tư cho 1ha sâm trong khoảng thời gian ấy phải cần xấp xỉ 2 tỷ đồng. Đối với người dân bản địa thì đây là một con số  khổng lồ…

Sâm Ngọc Linh sẽ trở thành một thương hiệu trên thị trường thế giới. Còn bao nhiêu là sự trì kéo nhưng chắc chắn không phải là một mơ ước xa vời… Mở phiến hoa ép vào cuốn sổ, tôi có cảm giác trong mùi hương thoang thoảng của nó mang theo bao nhiêu là sương khói tháng năm…  

Từ năm 2005 Chính phủ quyết định cho thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng” kéo dài  đến hết năm 2014 với tổng kinh phí  9,8 tỷ đồng
N.T (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem