Chị Đinh Thị Nguyệt, ở Pleiku (Gia Lai) nhờ người mua hộ gần 1kg sâm Ngọc Linh với giá 18 triệu đồng. Nhưng khi gửi biếu cho người thân ở Hà Nội, thì nhận được lời trách móc: “Không tặng thì thôi, chứ đừng tặng sâm giả!?”. Mối quan hệ của chị Nguyệt với người thân vì thế cũng rạn vỡ.
Sâm Ngọc Linh giả được đổ ra sàn như đống khoai.
Năm 2012, chị Hoàng Thị Thanh Xuân ở phường An Phú, quận 2, TP.HCM có chuyến công tác lên Kon Tum. Tại một bản làng thuộc huyện Đăk Glei, chị gặp một người đàn ông người Xê Đăng, có một gùi nhỏ mà ông bảo là củ sâm Ngọc Linh.
Ông này cho biết, tại TP.Kon Tum loại sâm này có giá 40 triệu đồng/kg, nhưng do ông đi đào được nên chỉ bán 25 triệu đồng. Mừng vì mua được hàng tận gốc, chị mua 1 kg. Sau khi mang về nhà ngâm rượu, mấy tháng sau lấy ra uống thì rượu có vị chát đắng, cay sè, nóng rát. Kiểm chứng lại thì đây là củ ráy rừng!
Đem các câu chuyện trên kể với một người chuyên bán sâm Ngọc Linh ở Đăk Tô (xin giấu tên) được biết: Trên thị trường hiện nay 99,9% không phải sâm Ngọc Linh mà là tam thất Vũ Điệp! Đây là loại cây mọc rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc và Vân Nam (Trung Quốc) và chỉ có giá khoảng 800.000 đồng/kg.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại Kon Tum có 2 cơ sở trồng sâm là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng khoảng 150ha và Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Đăk Tô trồng 8ha đều đang trong giai đoạn nhân giống, chưa đến kỳ thu hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Tuyết - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum cho biết: “Hiện nay sâm Ngọc Linh thật không có bán trên thị trường. Do chính quyền không giao trách nhiệm quản lý loại cây này nên Sở không có chức năng kiểm tra, kiểm định chất lượng những thứ được cho là sâm Ngọc Linh đang bày bán khắp nơi!?”.
Thanh Luận (Thanh Luận)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.