Ngân hàng bán nợ xấu: "Choáng" với tài sản được đấu giá, sàn giao dịch "thông nhưng chưa thoáng"

N.Minh Thứ ba, ngày 29/11/2022 08:02 AM (GMT+7)
Nợ xấu phình to khiến nhiều ngân hàng tăng tốc thu hồi, xử lý nợ xấu. Trong đó, nhiều khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo hy hữu đã xuất hiện trong danh mục đấu giá của các ngân hàng trong thời gian gần đây.
Bình luận 0

Thống kê mới đây được bộ phận nghiên cứu của SSI công bố cũng lưu ý, chất lượng tín dụng trong quý III/2022 cho thấy kết quả không khả quan, khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên (1,47%, tăng 20 điểm cơ bản so với đầu năm và 8 điểm cơ bản theo quý).

Điểm đáng lưu ý là, tác động từ việc tăng lãi suất cho vay và sự suy yếu gần đây của thị trường bất động sản chưa được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý III/2022. Do việc ghi nhận nợ xấu ở Việt Nam chưa phản ánh đầy đủ các tác động có thể xảy ra trong tương lai, nên các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể chưa bị ảnh hưởng mạnh cho đến năm 2023.

Các chuyên gia tại đây duy trì quan điểm rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới.

Ngân hàng bán nợ xấu: "Choáng" với tài sản được đấu giá, sàn giao dịch "thông nhưng chưa thoáng" - Ảnh 1.

Nợ xấu trước nguy cơ phình to.

Chưa từng có tiền lệ, ngân hàng đấu giá nhiều tài sản hy hữu

Nợ xấu phình to khiến nhiều ngân hàng tăng tốc thu hồi, xử lý nợ xấu.

Trong đó, nhiều khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo hy hữu đã xuất hiện trong danh mục đấu giá của các ngân hàng trong thời gian gần đây như: sản phẩm kinh doanh tồn kho, quần áo cũ, vườn cây lâu năm không chăm sóc, đàn gà...

Chẳng hạn như tại VietinBank, nhà băng này rao bán khoản nợ xấu hy hữu là khoản nợ của Công ty cổ phần ĐTK và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương, với các tài sản đảm bảo là một số lô đất và hàng tồn kho còn bao gồm toàn bộ đàn gà ba đời của công ty (gà ông bà, gà bố mẹ, gà con) và cả trứng gà. Đây là hiện tượng chưa từng có tiền tệ.

Ngoài những trường hợp đấu giá những khoản nợ hy hữu như kể trên, các khoản nợ tiêu dùng cũng được ngân hàng chào bán.

Cụ thể, trong tháng 11 VietinBank thông báo bán đấu giá 321 khoản nợ vay tiêu dùng của 321 cá nhân với tổng giá khởi điểm hơn 6 tỷ đồng.

Đây là các khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, giá trị đấu giá khởi điểm từ gần 13.000 đồng tới hơn 68 triệu đồng.

Khách hàng có thể đăng ký mua một khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả khoản nợ trong số 321 khoản nợ này.

Bên cạnh những câu chuyện thu hồi nợ chưa từng có tiền lệ, trường hợp phổ biến mà các ngân hàng gặp phải từ đầu năm đến nay là xử lý nợ xấu chậm lại, nhiều khoản nợ xấu đấu giá cả chục lần vẫn chưa tìm được khách mua.

Như tại Agribank, ngân hàng này thông báo bán đấu giá lần 28 khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Trong lần đấu giá mới nhất, Agribank đưa ra giá khởi điểm chỉ đúng bằng nợ gốc, bỏ qua hơn 356 tỷ đồng tiền lãi.

BIDV cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Vertical Synergy Vietnam (bất động sản) với giá khởi điểm 348,3 tỷ đồng, tức chỉ tương đương nợ gốc và giảm 120 tỷ đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7/2022.

Ngân hàng bán nợ xấu: "Choáng" với tài sản được đấu giá, sàn giao dịch "thông nhưng chưa thoáng" - Ảnh 3.

Nhiều khoản nợ xấu được ngân hàng rao bán tới chục lần vẫn không có ai mua.

Xử lý nợ xấu ngày càng khó

Lãnh đạo của một ngân hàng chia sẻ, đấu giá khoản nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Tài sản thế chấp được đem ra đấu giá thu hồi khoản nợ đa dạng như: Đất đai, nhà cửa, xe, máy móc, thậm chí hoa mầu, gà, vịt, quần áo cũ...

Tuy nhiên, vào thời điểm này, kinh tế khó khăn những khoản nợ trước đây "đắt hàng" như bất động sản thì nay thị trường đi xuống, thanh khoản sụt giảm đã tác động rõ rệt đến hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng. Những tài sản là máy móc, thậm chí hoa mầu, gà, vịt, quần áo cũ... cũng khó tìm nhà đầu tư.

Nhìn nhận chung về xử lý nợ xấu, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thừa nhận, giai đoạn này ngân hàng xử lý nợ xấu khó khăn hơn giai đoạn trước. Một trong những "chỗ dựa" để các ngân hàng xử lý nợ xấu là thị trường bất động sản.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay dù khách hàng muốn bán bất động sản để trả nợ cho ngân hàng, nhưng khó kiếm được người mua vì thanh khoản thị trường kém. Vì vậy, xử lý nợ xấu tại ngân hàng chậm hơn.

Lãnh đạo chi nhánh một NHTM lớn thông tin thêm, trong thời gian qua ngân hàng đã làm việc với ban ngành, chính quyền địa phương thành lập ban chỉ đạo về thu hồi nợ theo Nghị quyết 42. Tuy nhiên, qua tình hình thực tế triển khai nghị quyết vẫn có những khó khăn vướng mắc.

Chẳng hạn như, Nghị quyết 42 có nêu những tranh chấp về dân sự thông qua các hợp đồng tín dụng về vay vốn được áp dụng theo thủ tục rút gọn tại tòa. Song trên thực tế, việc áp dụng tại tòa còn có những vướng mắc, cụ thể là khi có tình tiết mới, tất cả thủ tục rút gọn chuyển sang thủ tục thông thường nên bị kéo dài và mất nhiều thời gian. "Có những sự việc đến 5 năm – kể từ khi tôi về chi nhánh vẫn chưa được giải quyết", vị này chia sẻ thêm.

Một lý do khác khiến cho hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chậm là thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành.

Sau 1 năm ra mắt, sàn giao dịch nợ xấu vẫn hoạt động khá ì ạch. Mặc dù các ngân hàng bước đầu đã rao bán nợ trên sàn, song tổng giá trị thu hồi nợ thành công còn rất khiêm tốn, chưa đầy 1.000 tỷ đồng.

Để tháo gỡ được vướng mắc trên một mình ngành Ngân hàng không thể làm được mà cần có sự phối hợp tích cực giữa các bộ ngành liên quan.

"Nếu cứ để kéo dài thời gian xử lý tài sản, ngân hàng bị chôn vốn sẽ không có vốn để tái đầu tư cho nền kinh tế", TS. Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Tài chính Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem