Ngân hàng chấp nhận đánh cược, "5 ăn, 5 thua" rót tiền vào nền kinh tế, dự báo "nóng" về tín dụng
Mở rộng "bơm" tiền, ngân hàng chấp nhận "5 ăn, 5 thua" và dự báo "nóng" về tín dụng
H.Anh
Thứ hai, ngày 11/12/2023 10:22 AM (GMT+7)
Để mở rộng tín dụng, ngân hàng phải "đánh cược" với nền kinh tế, chấp nhận "5 ăn, 5 thua". Chia sẻ với Dân Việt, giới chuyên gia dự báo, "kịch khung" tăng trưởng tín dụng năm 2023 chỉ đạt khoảng 11%.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, chưa năm nào đến tháng 7, NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu tín dụng cả năm. Trên cơ sở đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng, đến cuối tháng 11/2023, NHNN tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng với tỷ lệ lớn đối với các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, số liệu thống kê NHNN, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 – thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 12,02% của cùng kỳ năm 2022. Nhiều chuyên gia cho rằng, với kết quả này, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 (14 – 15%) không thành hiện thực.
Thúc tăng trưởng tín dụng, ngân hàng "đánh cược" với nền kinh tế, chấp nhập "5 ăn, 5 thua"
Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao, theo nhà quản lý tiền tệ, chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Đó là, đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.
Hơn nữa, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm doanh nghiệp lĩnh vực này, trong khi đó tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung.
Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay. Đồng thời, nợ xấu có xu hướng tăng tại một số tổ chức tín dụng, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng.
Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng quý III/2023 của một số tổ chức tín dụng vẫn ở mức tích cực. Chẳng hạn như ACB ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 8,7%, HDB (11,5%). Thậm chí như VPBank, tăng trưởng tín dụng quý III/2023 lên tới 17% và cũng là một trong những nhà băng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao nhất 11 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng cao như vậy, ngân hàng phải đánh cược với rủi ro khi cho vay.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank: Việc tăng tín dụng lớn như vậy là rất rủi ro, là sự dũng cảm của Ban lãnh đạo ngân hàng, chúng tôi chấp nhận "5 ăn 5 thua", rót vốn vào những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, dù đây là những lĩnh vực rủi ro cao.
Ông Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận, VPBank thời gian qua đã tập trung mở rộng, tạo thuận lợi về điều kiện cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy vậy, mở rộng và tạo điều kiện cho vay thuận lợi hơn cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận rủi ro lớn hơn.
"Thực tế, các ngân hàng đang phải chấp nhận đánh cược với nền kinh tế. Nếu nền kinh tế xấu đi, ngân hàng là người chịu trận đầu tiên", ông Vinh nói.
Ngoài ra, VPBank tối ưu hóa vận hành hệ thống, giảm lãi suất cho vay, giảm phí, giảm thu nhập để hỗ trợ khách hàng. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, tổng mức giảm phí, lãi suất khiến lợi nhuận ngân hàng giảm gần 2.000 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc VPBank cho biết, doanh nghiệp muốn lãi vay giảm thêm song lãi suất huy động đầu vào vẫn cao, chúng tôi đang vay các định chế tài chính nước ngoài bằng USD với lãi suất 5-6%/năm, quy đổi ra VNĐ là trên dưới 10%/năm. Với lãi suất cho vay hiện nay (ngắn hạn 7%/năm, trung dài hạn 8-10%/năm), ngân hàng đang lỗ.
Tại TPBank, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, sau quyết định phân bổ lại tín dụng NHNN, TPBank được tăng thêm 5% hạn mức tín dụng. Hiện room tín dụng để cho vay các doanh nghiệp và người dân rất lớn. Ngân hàng sẽ duy trì các gói vay tập trung doanh nghiệp xây lắp, trang thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, điện lực, nhà thầu xây lắp khu công nghiệp,...
Còn như tại Agribank, bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này cho biết, với những khó khăn trên, tăng trưởng tín dụng của Agribank đến 30/11/2023 mới chỉ đạt trên 5%, trong khi từ đầu năm NHNN giao cho Agribank room tín dụng 7,5%. Có khả năng đến 31/12/2023 Agribank sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng như NHNN giao. Theo tính toán, với mức tăng trưởng khoảng 7% - 7,5%, Agribank năm 2023 sẽ "bơm" thêm vào nền kinh tế khoảng 110.000 tỷ đồng.
Đừng "ép" ngân hàng "bơm" tiền, dự báo nóng về tăng trưởng tín dụng năm 2023
Từ thực tế nêu trên, PGS.TS Phạm Thế Anh - Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) của năm 2023 là 6,5%, thì mục tiêu (trung gian) tăng trưởng tín dụng có thể là 14%. Nhưng đến nay, khi tăng trưởng GDP thực tiễn chỉ dưới 5%, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng cần phải điều chỉnh xuống cho phù hợp, không cần thiết "ép" mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa dự báo, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 -15% sẽ không đạt được bởi phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ông Nghĩa dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2023 "kịch khung" chỉ khoảng 11%.
Kém lạc quan hơn, chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VPBanks vừa dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 9,6%-10,7% trong năm 2023. Cơ sở, lãi suất cho vay tăng mạnh vào cuối 2022 chỉ mới được điều chỉnh vào cuối quý I/2023 và trên nền tăng trưởng tín dụng thấp, trong khi các rủi ro liên quan trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cùng bất ổn chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn, đồng thời NHNN vẫn luôn phải hết sức chú ý giữ ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.