Hơn 244.000 tỷ đang được Ngân hàng này ủy thác qua mấy Tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam?
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam ủy thác hơn 244.000 tỷ đồng qua các tổ chức chính trị - xã hội nào?
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 18/02/2022 18:15 PM (GMT+7)
Năm 2021, tổng dư nợ của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (Ngân hàng CSXH) ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt hơn 244.000 tỷ đồng, chiếm 98,68% tổng dư nợ, tăng 19.609 tỷ đồng so với năm 2020.
Trên 244.000 tỷ được ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội
Chiều 18/2, Ngân hàng CSXH tổ chức giao ban hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Các tổ chức chính trị-xã hội tham gia nhận ủy thác vốn vay tín dụng chính sách của Chính phủ gồm: Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Theo ông Đặng Đức Thắng, Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo (Ngân hàng CSXH) năm 2021, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 244.000 tỷ đồng, chiếm 98,68% tổng dư nợ, tăng 19.609 tỷ đồng so với năm 2020.
Cụ thể, dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt 93.991 tỷ đồng, 38,41% tổng dư nợ ủy thác; Hội Nông dân Việt Nam đạt 74.099 tỷ đồng tổng, chiếm 30,28% tổng dư nợ ủy thác; Hội Cựu chiến binh Việt Nam đạt 41.584 tỷ đồng, chiếm 16,99 tổng dư nợ ủy thác; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đạt 35.019 tỷ đồng, chiếm 14,31% tổng dư nợ ủy thác.
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm và phối hợp với Ngân hàng CSXH làm tốt công tác nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV), mang lại hiệu quả thiết thực.
Đến 31/12/2021 có 169.800 Tổ TKVV và gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ; 99,99% số Tổ TKVV tham gia gửi tiền với số dư 14.730 tỷ đồng.
Với kết quả trên, năm 2021, đã có hơn 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 646.000 lao động, giúp gần 2.300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hơn 37.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn...
Đánh giá kết quả hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng CSXH và các Tổ chức chính trị - xã hội, theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách.
Theo ông Thắng, năm 2021, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hàng chục nghìn tỷ vốn ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, phát triển kinh tế-xã hội, nhà ở xã hội…
Tại Hội nghị giao ban, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng cho biết, ngày 16/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình của Ngân hàng CSXH tổ chức.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, thông qua hệ thống Ngân hàng CSXH sẽ triển khai 7 nhiệm vụ. Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng CSXH, với hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Năm 2022 nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng CSXH đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước.
Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hội viên, người lao động và nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát.
Đối với hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong năm 2022 sẽ tham mưu Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/KL ngày 22/11/2014; Kết luận 06-KL/TƯ ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư và Quyết định số 1630-QĐ/TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ.
Phối hợp, tham mưu triển khai kế hoạch tổng kết đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Nghị định 78/2022/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ cơ sở.
Đặc biệt, tập trung tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao và các chính sách cho vay ưu đãi trong Chương trình phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11, đảm bảo kịp thời hiệu quả, công khai, minh bạch, theo đúng đối tượng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.