Ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm, người dân có rút tiền đi mua đất cuối năm?
Ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm, người dân có rút tiền đi mua đất cuối năm?
Gia Linh
Thứ ba, ngày 14/11/2023 12:24 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, một số ít nhà đầu tư không đủ kiên nhẫn để ngồi chờ hưởng lợi từ khoản lãi "nhỏ giọt" nên đã quyết định rút tiền ra để đi mua nhà đất.
Lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng liên tục giảm
Thời gian qua, hơn 20 ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, đưa mức cao nhất về quanh 6% một năm. Giai đoạn cuối năm, các ngân hàng vẫn chưa dừng xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm.
Khảo sát của Dân Việt, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa tiếp tục có động thái giảm lãi suất tiết kiệm. Theo đó, từ 10/11, ngân hàng này đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới, đưa mức lãi suất cao nhất về chỉ còn 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Ngoài ra, Vietcombank còn thông báo thay đổi hạ lãi suất huy động thêm 0,1%-0,2%/năm áp dụng cho cả hình thức gửi tiền tại quầy và gửi tiết kiệm online.
Theo đó, ở kỳ hạn 1 tháng, khách hàng chỉ còn nhận mức lãi suất là 2,6%/năm, giảm 0,2%. Với kỳ hạn 3 tháng, Vietcombank tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi xuống còn 2,9%. Ngoài ra, với kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng cũng điều chỉnh giảm thêm 0,2 %, xuống mức 3,9%/năm. Ở kỳ hạn 12-36 tháng, thay vì mức 5,1% như trước. Vietcombank tiếp tục là 0,1% về mức 5%.
Như vậy, Vietcombank đã có tới 4 lần giảm lãi suất trong 2 tháng qua. Trong khi đó, 3 "ông lớn" BIDV, VietinBank, Agribank giữ nguyên lãi suất ở mức 3%/năm đối với kỳ hạn 1-2 tháng, 3-5 tháng ở mức 3,3%, 6 tháng ở mức 4,3%, 12 tháng trở lên ở mức 5,3%.
Ghi nhận, lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng giảm nhanh và dồn dập từ tháng 4, thậm chí về thấp hơn Covid-19, nhưng đà giảm vẫn chưa dừng lại. Nếu trong 3 tháng đầu năm 2023, mức lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng của đa số các ngân hàng là trên 8%/năm. Giai đoạn cuối năm, các ngân hàng đều đã đồng loạt giảm lãi suất, chỉ còn quanh mốc 6% một năm. Mức giảm này được đánh giá là còn thấp hơn ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, bất chấp việc lãi suất tiền gửi giảm sâu, lượng tiền gửi trong dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng mạnh. Tính đến cuối tháng 8/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 5,3% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền gửi của dân cư chiếm hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng tới 11,8% so với đầu năm.
Người dân rút tiền ngân hàng đi săn đất "ngộp"
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh thị trường nhiều bất ổn, nền kinh tế khó khăn, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn e dè, thận trọng lo ngại rủi ro. So với việc đổ tiền vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… thì gửi tiền vào hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn là hình thức được nhiều người dân ưu tiên.
Đặc biệt, giai đoạn cuối năm, nhiều doanh nghiệp, người dân có xu hướng kết lũy các khoản đầu tư, kinh doanh nên sẽ có dòng tiền nhàn rỗi sẽ lựa chọn gửi tiết kiệm. Chính vì vậy, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh hút khách dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu.
Tuy nhiên, một số ít nhà đầu tư lại không đủ kiên nhẫn để ngồi chờ hưởng lợi từ khoản lãi suất nhỏ giọt của ngân hàng nên đã quyết định rút tiền ra để đi mua nhà đất, tranh thủ lúc thị trường còn khó khăn để bắt đáy, săn các sản phẩm giá rẻ, hàng ngộp từ các chủ nhà cần tiền gấp.
Chị Bích Liên (34 tuổi, kinh doanh tự do tại TP.HCM) cho biết trước đây, khi có các khoản tiền tích lũy, chị thường chọn cách gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Chị Liên cho biết mình không chọn cách mua vàng thì sợ vàng trượt giá, bán dễ lỗ, lại mất thêm tiền công. Chứng khoán, trái phiếu thì nhiều người thua lỗ quá nên chị không dám đổ tiền vào.
Tuy nhiên, việc lãi suất gửi tiết kiệm liên tục giảm đã khiến chị Liên không còn hứng thú. "Trước đây, tôi thấy mức lãi suất còn hấp dẫn chứ hiện tại gửi tiết kiệm cả năm chỉ được hơn 5% thì tính ra chẳng được bao nhiêu đồng lãi. Vì vậy, đầu tháng 11 vừa rồi là kết thúc kỳ hạn gửi tiết kiệm, tôi đã không tiếp tục mà rút ra 5 tỷ để mua 1 căn nhà của người quen. Vì cần tiền gấp lương nhân viên và lãi ngân hàng, căn nhà vốn có giá hơn 6,5 tỷ đồng tại hẻm đường Hiệp Bình (TP.Thủ Đức) nay người này bán ngộp chỉ hơn 5 tỷ với điều kiện phải thanh toán tiền liền".
Trường hợp khác, anh Trần Văn Dương (kinh doanh nhà đất) cho biết lãi suất tiết kiệm giảm liên tục khiến người gửi tiền hụt hẫng. Vì vậy, nhà đầu tư này đã rút tiền từ ngân hàng để đi săn các sản phẩm đất nền, đất ở trong dân từ những người kẹt tiền cần bán gấp.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian qua, lãi suất được điều chỉnh giảm rõ rệt tiệm cận về mức đầu năm 2022. Dòng tiền nhàn rỗi trong dân, dù chưa nhiều, đã bắt đầu rục rịch quay trở lại đầu tư bất động sản. Các sản phẩm nhà phố, biệt thự cao cấp trên 5 tỷ đồng, có mức giá đi ngang một thời gian sau giai đoạn cắt lỗ sâu vào đầu năm nay đã được nhà đầu tư "chấp nhận" xuống tiền, bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.