Ngân hàng lãi "khủng" là một dấu hiệu đáng mừng, vì sao?

H.Anh Thứ sáu, ngày 16/07/2021 15:13 PM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, việc lợi nhuận ngân hàng cao cần phải được nhìn nhận như một dấu hiệu đáng mừng. Bởi ngân hàng là "huyết mạch" của nền kinh tế. "Huyết mạch" có sức khỏe tốt - về mặt tài chính là cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Bình luận 0

Tính tới thời điểm hiện tại dù chưa có ngân hàng nào công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, số liệu công bố sơ bộ được tiết lộ từ các ngân hàng phần nào cho thấy bức tranh lợi nhuận ngân hàng tiếp tục khởi sắc.

Đơn cử như tại VietinBank, lợi nhuận ước tăng 75% so với cùng kỳ, lên 13.000 tỷ đồng.

Một thông báo đưa ra hồi cuối tháng 6 của NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế dự tính đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch năm.

TPBank cũng nằm trong nhóm ngân hàng sớm công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng, với lợi nhuận trước thuế đạt 3.007 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 54% kế hoạch năm.

Ngân hàng lãi "khủng" là một dấu hiệu đáng mừng, vì sao? - Ảnh 1.

Lợi nhuận nhiều ngân hàng dự báo tăng mạnh nửa đầu năm. (Ảnh: TPB)

Lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?

Đề cập đến lợi nhuận "khủng" của các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đó là kết quả của cả một quá trình và được tổng hợp từ nhiều yếu tố.

Thứ nhất, bản thân các tổ chức tín dụng đã tự củng cố, nâng cao được năng lực quản trị, năng lực tài chính của mình.

Đơn cử, năng lực tài chính được nâng cao thông qua biện pháp tăng vốn điều lệ. Gần như tất cả các tổ chức tín dụng đã tăng được vốn điều lệ để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II.

Nhiều ngân hàng trong nhiều năm liền không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai. Đây chính là một trong những cơ sở tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng đảm bảo an toàn hệ thống của chính mình, qua đó giúp tăng năng lực quản trị một cách bền vững.

Vì sao ngân hàng lãi "khủng" là điều may mắn? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng. (Ảnh: HHNH)

Thứ hai, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động.

Đặc biệt, phải kể tới sự hình thành ngân hàng số - một trong những bước chuyển mạnh mẽ của ngành Ngân hàng. Ngân hàng số đem tới sự giản tiện cho người sử dụng. Chúng ta có thể thấy, hiện nay mọi người dân đều có thể dễ dàng sử dụng điện thoại để chuyển tiền, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt ở mọi nơi, mọi lúc mà không cần phải đến ngân hàng…

Cũng bởi có ngân hàng số và thanh toán điện tử mà lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.

Thứ ba, khác với trước kia, nguồn thu của ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay thì nay, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các tổ chức tín dụng đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận (điều này phù hợp với xu thế quốc tế).

Lợi nhuận được các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp so với mặt bằng xã hội là con số khá lớn nhưng nếu tính bình quân trên mặt bằng tổng tài sản, vốn điều lệ, các chỉ số tài chính như ROA, ROE… thì lợi nhuận ngân hàng không phải cao so với một số ngành, lĩnh vực khác.

Thứ tư, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng mang lại hiệu quả cao. Tới nay, 21 tổ chức tín dụng đã mua lại các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hoạt động trích lập dự phòng rủi ro cũng được tăng cường.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Nghị quyết 42 và hiệu quả trong điều hành kinh tế của Chính phủ đã giúp kinh tế tăng trưởng ổn định, những khoản nợ liên quan đến bất động sản, hoặc những bất động sản tồn đọng trước đây đều được xử lý nhanh và hiệu quả hơn. Đây là một trong những điểm quan trọng giúp phá tan băng "cục máu đông" nợ xấu, tạo điều kiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế, giúp tăng tỷ lệ thu nhập bất thường ở các tổ chức tín dụng trong thời gian qua.

Thứ năm, bản thân các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng hoạt động dịch vụ như ngân hàng đại lý, bảo hiểm và nhiều hoạt động khác giúp tăng thu nhập từ các hoạt động này.

Thứ sáu, sau hơn một năm tổ chức thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã giúp các tổ chức tín dụng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên cũng giảm được chi phí. Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh.

Thứ bảy, lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.

Tóm lại, lợi nhuận ngân hàng đến từ rất nhiều nguyên nhân và là kết quả kết tinh từ một quá trình nỗ lực lâu dài, trong đó có cả việc chịu sự dồn nén từ rất nhiều năm trước khi phải tích góp, thắt lưng buộc bụng để xử lý dự phòng rủi ro, đảm bảo đưa tỷ lệ nợ xấu xuống trong phạm vi cho phép và dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công nghệ.

Ngân hàng lãi "khủng" là điều may mắn?

Theo ông Hùng, lợi nhuận đó là hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực không mệt mỏi của các tổ chức tín dụng trong chặng đường dài từ năm 2008 tới nay. Đồng thời nhấn mạnh, lợi nhuận ngân hàng cao cần phải được nhìn nhận như một dấu hiệu đáng mừng.

Bởi ngân hàng là "huyết mạch" của nền kinh tế. "Huyết mạch" có sức khỏe tốt - về mặt tài chính là cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đây là điều mà các tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện trong suốt thời gian qua.

Đơn cử như việc các tổ chức tín dụng đồng thuận giảm lãi suất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu sức khỏe của tổ chức tín dụng không tốt sẽ không đủ khả năng tài chính để giảm lãi. Việc giảm lãi này có lợi trực tiếp cho các doanh nghiệp, từ đó tác động lớn tới toàn bộ nền kinh tế, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển.

Vì sao ngân hàng lãi "khủng" là điều may mắn? - Ảnh 4.

Lợi nhuận ngân hàng cao là kết quả kết tinh từ một quá trình nỗ lực lâu dài. (Ảnh: VCB)

Cũng theo ông Hùng, lợi nhuận đang được các tổ chức tín dụng cân nhắc sử dụng một cách chặt chẽ và kỹ lưỡng. Dù con số lợi nhuận cao nhưng tỷ lệ chia cổ tức của các ngân hàng chỉ trong khoảng 5-9%, thậm chí có ngân hàng nhiều năm nay chưa chia cổ tức.

Chưa kể, ngân hàng là ngành sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để tích cực đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng rất cao.

Ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu và có đóng góp lớn vào các quỹ và hoạt động phòng chống đại dịch Covid-19 do Đảng và Chính phủ phát động thời gian qua (khoảng trên 1.400 tỷ đồng).

Bằng những hành đông cụ thể, ngành Ngân hàng đang thực sự hỗ trợ, tạo điều kiện chia sẻ với doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Đây là những sự chia sẻ thực chất bằng hành động cụ thể chứ không phải chỉ trên lý thuyết.

Cũng cần phải nói thêm, các ngân hàng cũng rất mong muốn được sử dụng phần lợi nhuận có được để tăng vốn điều lệ nhằm ứng phó với những nguy cơ rủi ro trong tương lai – điều rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp. Bản thân các ngân hàng đã rút ra được rất nhiều bài học trong quá trình tái cơ cấu vừa qua, do đó đặc biệt quan tâm đến bảo đảm an toàn hệ thống, an toàn vốn.

Lợi nhuận ngân hàng tăng do "ăn" chênh lệch lãi suất cao là hoàn toàn không chính xác

Đối với ý kiến cho rằng, tổ chức tín dụng đang "hút máu" khách hàng vay vốn để thu lợi nhuận cao hay lãi suất đầu vào giảm nhưng lãi suất đầu ra lại không giảm tương ứng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: Cần phải nhìn lợi nhuận của ngân hàng một cách toàn diện và đầy đủ trên mọi khía cạnh. Nói lợi nhuận ngân hàng tăng do "ăn" chênh lệch lãi suất cao là hoàn toàn không chính xác – ông Hùng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra có doãng ra trong năm 2021 nhưng độ doãng ra đó hợp lý và phù hợp với thực tế (chênh lệch này chưa tính toán đến chi phí hoạt động và chi phí rủi ro) chứ không phải do ngân hàng lợi dụng việc giảm lãi suất đầu vào mà tăng hoặc giữ nguyên lãi suất cho vay.

Tỷ lệ vốn không kỳ hạn tăng thêm, chi phí giảm xuống, vốn điều lệ được bổ sung đảm bảo hệ số CAR là điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất. Nhưng việc giảm lãi cũng phải có bước đi, lộ trình phù hợp. Hiện tỷ lệ nợ trung và dài hạn tại các ngân hàng lên tới 40%.

Do trước đây các khoản vay này đều có lãi suất cao, nên tới khi giảm lãi suất, bắt buộc phải thực hiện giảm từng bước (giảm dần) để đảm bảo tỷ lệ đủ bù đắp chi phí của tổ chức tín dụng.

Vì sao ngân hàng lãi "khủng" là điều may mắn? - Ảnh 6.

Lợi nhuận ngân hàng cao, ngân hàng sẵn sàng giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý. (Ảnh: LT)

Thực tế cho thấy, ngân hàng là doanh nghiệp hoạt động minh bạch nhất về chi phí xác định lãi suất đầu vào. Nếu doanh nghiệp vay lãi suất cao trong giai đoạn hiện nay cần phải xem lại hiệu quả của dự án? ngân hàng nào cho vay thì mức rủi ro rất lớn và phải chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, do vậy không ngân hàng nào dám cho vay với lãi suất cao trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

"Tôi cho rằng mong muốn của ngân hàng là thu đủ gốc và lãi đủ bù đắp chi phí và sẵn sàng giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem