Đề nghị điều chỉnh, sáp nhập địa giới cấp tỉnh, thành phố để tinh giảm biên chế
Sáng 26.10, Quốc hội bắt đầu tiến hành thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Bạc Liêu
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới bộ máy, sắp xếp biên chế suốt thời gian qua, song đại biểu quốc hội Tạ Văn Hạ, đoàn Bạc Liêu, nhận định dù đã giảm được 15 Vụ thuộc Bộ; 189 phòng thuộc các Vụ, Cục; 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức. Nhiều địa phương cũng đã rà soát, sắp xếp các cơ quan chức năng tương đồng, bớt các tổ chức trung gian, thí điểm sáp nhập 3 văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND. Tuy nhiên, việc đổi mới sắp xếp bộ máy còn chậm.
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2017, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 1,289 triệu tỷ đồng.chi thường xuyên 912,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 70,8% tổng thu), chi trả nợ lãi 98,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 7,7% tổng thu). Năm 2018, tổng thu cả năm ước đạt 1,358 triệu tỷ đồng, trong khi chi thường xuyên ước 988,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 72,8%), chi trả nợ lãi 112,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 8,3%).
|
“Bộ máy còn cồng kềnh, việc tinh giản biên chế chưa đi đôi với tinh giản đội ngũ công chức, viên chức. Chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém. Ngân sách Nhà nước dành cho chi trả lương vẫn chiếm lớn”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhận xét.
Tuy nhiên, đại biểu Hạ cũng đồng tình việc tinh gọn bộ máy không thể làm được ngày một ngày hai nhưng cần phải có sự quyết tâm từ trung ương tới địa phương.
“Đã tới lúc chúng ta phải nhận thức rõ ngân sách Nhà nước, hay nói cách khác là tiền thuế của nhân dân, không thể chịu nổi khi chi thường xuyên hàng năm vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách Nhà nước, số tiền còn lại chi dành cho quốc phòng an ninh. Vậy còn tiền đâu để đầu tư phát triển?”
Đại biểu Tạ dẫn chứng, nhiều quốc gia có dân số đông hơn Việt Nam 15 lần, diện tích lớn hơn 28 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố và tương đương. Cũng có quốc gia sở hình thành từ hàng nghìn hòn đảo, dân số là hơn 120 triệu, nhưng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố.
Nước ta bước vào đổi mới năm 1986 cũng chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội, sau 10 năm mở rộng đại giới hành chính, Hà Nội có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Từ thực tiễn nêu trên, vị đại biểu đến từ Bạc Liêu đề nghị: “Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, cần nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội, xem xét điều chỉnh, sáp nhập địa giới cấp tỉnh, thành phố. Nếu quyết tâm cao, đây là giải pháp hiệu quả nhất, hoàn thành đổi mới sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị Quyết 18 của Trung ương Đảng khóa XII”.
Đại biểu Trần Văn Tiến
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến muốn Chính phủ giải trình rõ: “Động lực tăng trưởng GDP 2018 do đâu? Ngân sách thu năm 2018 ước vượt 3% dự án, nhưng tăng ở lĩnh vực nào là chính, vì sao khoản thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế chính lại không đạt?”.
Cụ thể, khu vực doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện cả năm đạt 162.000 tỷ đồng, giảm 4.900 tỷ đồng (giảm 2,9%) so với dự toán. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước thực hiện cả năm đạt 189.000 tỷ đồng, giảm 33.600 tỷ đồng (giảm 15,1%) so với dự toán.
Trong khi đó khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, ước thực hiện cả năm đạt 213.000 tỷ đồng, giảm 4.850 tỷ đồng (giảm 2,2%) so với dự toán.
Đại biểu này cũng cho rằng cần làm rõ việc cứ 100 doanh nghiệp lập mới thì 77 phá sản. "Vì sao số doanh nghiệp phát triển chững lại, số giải thể tăng cao trong khi môi trường kinh doanh được báo cáo là đang đẩy mạnh cải thiện. Với đà này mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp có đạt được?", ông nói.
Ngân sách hụt thu nếu không có dầu thô, đất đai
Trước đó, chiều 22.10, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Theo đó, kết quả thu NSNN vượt dự toán là nhờ tăng thu từ dầu thô, từ đất và thu từ lợi nhuận còn lại của DNNN, tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, còn thực chất, thu từ các khu vực kinh tế hụt dự toán khá lớn.
Cụ thể, các khoản thu từ đất ước vượt dự toán 38.700 tỷ đồng; thu từ dầu thô ước vượt dự toán 19.100 tỷ đồng; thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại của DNNN; tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ước vượt dự toán 7.000 tỷ đồng. Nếu không tính các khoản thu trên, thực chất, thu nội địa hụt dự toán 35.600 tỷ đồng, tổng thu NSNN hụt dự toán là 54.500 tỷ đồng.
Thu nội địa ước vượt 0,9%, tương ứng 10.100 tỷ đồng so với dự toán, tăng 7,5% so với thực hiện năm 2017 nhưng số thu từ các khu vực doanh nghiệp đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực DNNN giảm 4.900 tỷ đồng; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 33.640 tỷ đồng (tương đương 15,1%); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 4.850 tỷ đồng so với dự toán.
Ủy ban TCNS nhận thấy, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá bối cảnh thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2018 là có nhiều thuận lợi, nhưng kết quả thu NSNN từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt được kết quả tương xứng. Theo Báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này một phần là do số thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp lớn như: liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô, doanh nghiệp sản xuất bia, thuốc lá, chế biến gỗ xuất khẩu…đạt thấp; nhiều doanh nghiệp FDI đang trong thời gian được miễn, giảm thuế… đã tác động lớn đến thu, nộp NSNN. Song một nguyên nhân quan trọng là do giao dự toán thu nội địa năm 2018 khá cao so với số thực hiện năm 2017.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.