Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Ngành cao su phải sớm khắc phục tình trạng mất cân đối để phát triển bền vững

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 08/11/2022 19:52 PM (GMT+7)
Ngành cao su trong nước vẫn còn tồn tại tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm, thị trường xuất khẩu, cao su tiểu điền có diện tích lớn nhưng gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững tổ chức tại TP.HCM, ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị ngành cao su sớm khắc phục tình trạng mất cân đối để phát triển bền vững.

Cao su tiểu điền thất thế

Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 265.000 hộ trồng cao su tiểu điền, với diện tích 495.700ha, tương đương 53,3% tổng diện tích cao su cả nước. Phần còn lại là cao su đại điền, chủ yếu thuộc các công ty cao su nhà nước và một số ít là công ty tư nhân, doanh nghiệp FDI.

Theo ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, điểm yếu của cao su tiểu điền hiện nay là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Cao su tiểu điền được các hộ gia đình trồng trên đất sản xuất của gia đình, thường không tập trung và nằm rải rác quanh địa bàn sinh sống của các hộ dân.

Diện tích của cao su tiểu điền nhỏ, phân tán. Nông dân trồng cao su ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Diện tích của cao su tiểu điền nhỏ, phân tán. Nông dân trồng cao su ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Phần lớn (khoảng 87%) các vườn cao su tiểu điền có quy mô diện tích nhỏ dưới 3ha. Số hộ có trên 10ha chỉ chiếm dưới 1,5%.

Trong giai đoạn 2019-2021, cao su tiểu điền tiếp tục duy trì vị trí quan trọng trong ngành cao su Việt Nam, đặc biệt trong các chuỗi cung cao su thiên nhiên xuất khẩu.

Tuy nhiên, trước tình hình giá cao su giảm liên tục và duy trì ở mức thấp, các hộ tiểu điền tại một số địa phương đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác để cải thiện thu nhập. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng diện tích cao su giảm dần.

Cũng vì manh mún nhỏ lẻ, các nông hộ khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển. Hiệp hội cao su Việt Nam đề nghị ngành nông nghiệp cần có thêm chính sách phát triển cao su tiểu điền.

Quốc hội đang tiến hành sửa đổi Luật Hợp tác xã để phát triển tốt hơn mô hình kinh tế tập thể. Khi liên kết tốt hơn trong HTX, các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước sẽ đến được với nông hộ cao su tiểu điền tốt hơn.

Nông hộ cao su tiểu điền khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nước. Nông dân trồng cao su ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông hộ cao su tiểu điền khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nước. Nông dân trồng cao su ở Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đồng thời, Hiệp hội Cao su Việt Nam đề nghị các bộ ngành có chính sách khuyến khích phát triển và sử dụng nhiều hơn sản phẩm cao su sơ chế để sản xuất ra sản phẩm công nghiệp trong nước.

Nghĩa là cơ cấu sản phẩm cần phù hợp hơn. Bởi vì, nhu cầu trong nước chỉ mới sử dụng 20-30% cao su thiên nhiên. "Phần còn lại là xuất khẩu và giá trị gia tăng chưa cao", ông Thuận nói.

Ngành cao su còn mất cân đối

Sau khi đạt đỉnh vào năm 2015 với 985.600ha, diện tích cao su của Việt Nam giảm dần trong các năm tiếp theo. Năm 2020, diện tích giảm còn 932.400ha và tiếp tục giảm trong năm 2021, chỉ còn khoảng 930.500ha.

Về thị trường, trong giai đoạn 2018 đến nay, lượng cao su thiên nhiên Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc luôn chiếm hơn 50% tổng lượng xuất khẩu. Trung Quốc cũng là thị trường chính của Việt Nam.

Hiệp hội Cao su Việt Nam nhìn nhận, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các thị trường khác.

Vì thế Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cao su thiên nhiên, giá trị gia tăng chưa cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cao su thiên nhiên, giá trị gia tăng chưa cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Việt Nam có những doanh nghiệp sản xuất cao su có chất lượng cao, đảm bảo đạt tiêu chuẩn cao su quốc gia cao hơn tiêu chuẩn quốc tế (ISO). Thế nhưng, nghịch lý là giá bán bình quân của cao su Việt Nam xuất khẩu vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, nguyên nhân chính do khách hàng chưa tin cậy vào sự ổn định chất lượng và uy tín thương mại của doanh nghiệp Việt Nam; nhất là đối với nguồn cao su của tiểu điền.

Nguồn này đang chiếm trên 60% tổng sản lượng cả nước nhưng chất lượng chưa ổn định, chưa đồng đều và chưa có hệ thống kiểm tra chất lượng từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh yêu cầu đảm bảo về chất lượng và uy tín kinh doanh, ngày càng nhiều khách hàng cần nguồn nguyên liệu cao su được chứng nhận sản xuất hợp pháp và bền vững bởi các tổ chức độc lập.

Ngành cao su cần sớm khắc phục khó khăn

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, ngành cao su đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ.

Bối cảnh mới cùng với những khó khăn còn tồn tại lâu nay đặt ra nhiệm vụ cho ngành cao su cần kế hoạch hành động cụ thể và định hướng chiến lược rõ ràng.

Sản xuất mủ cao su tờ ở công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sản xuất mủ cao su tờ ở công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiệp hội Cao su Việt Nam có trách nhiệm rất lớn trong việc thống nhất yêu cầu phát triển bền vững, cùng các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới.

Hiện nay, diện tích cao su đạt chứng chỉ bền vững chỉ mới đạt hơn 10%, và đa số là diện tích của các đơn vị thuộc các Tập đoàn cao su Việt Nam.

Ngành cao su cần phải tìm cách mở rộng diện tích đạt chứng chỉ rừng bền vững ra các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn Cao su, nhất là ở diện tích cao su tiểu điền.

Từ vấn đề chất lượng cao su, cho đến chứng chỉ bền vững hiện vẫn đang xoay quanh tiểu điền. Đây là bài toán mà Hiệp hội cao su Việt Nam và các cơ quan quản lý cần sớm tháo gỡ.

Theo Thứ trưởng Nam, cả nước mới chỉ có 36 HTX ở các tỉnh thành trồng cao su. Việc giúp nông hộ liên kết trong HTX là định hướng đúng. Hiệp hội Cao su Việt Nam cần phối hợp các ban ngành xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn, từng bước chuyển tiểu điền sang đại điền và nâng cao năng lực cho nông hộ.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị ngành cao su sớm khắc phục tình trạng mất cân đối để phát triển bền vững. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị ngành cao su sớm khắc phục tình trạng mất cân đối để phát triển bền vững. Ảnh: Nguyên Vỹ

Không chỉ mất cân đối ở thị trường xuất khẩu (phần lớn sang Trung Quốc), ngành cao su mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm.

Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu chỉ 18-20%. Sản phẩm cao su thiên nhiên vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Từ thành quả xuất khẩu, Thứ trưởng Nam đề nghị, ngành cao su phải định hướng đến 2030, chế biến cao su phải nằm trong top 10 thế giới.

Hiện nay, khâu quy hoạch không còn quy hoạch riêng từng ngành, mà nhập vào quy hoạch kinh tế xã hội địa phương.

Tuy nhiên, từ những đóng góp lớn lao đối với kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng, ngành cao su cần có một cơ sở pháp lý cụ thể để phát triển dài hơi; cụ thể là phải định hướng phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045.

"Các bộ ngành sẵn sàng ủng hộ, và Hiệp hội Cao su Việt Nam cần phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem