Ngành công nghiệp ở TP.HCM giảm sút, cần tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững
Ngành công nghiệp ở TP.HCM giảm sút, cần tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững
Vũ Quyền
Thứ tư, ngày 11/10/2023 18:28 PM (GMT+7)
Ngành công nghiệp ở TP.HCM đang có xu hướng giảm dần về các mặt, từ số lượng doanh nghiệp, lao động, đến tỷ trọng đóng góp trong GRDP, do đó, cần phải thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững.
Ngày 10/10, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Sở Công Thương TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Tái cơ cấu ngành công nghiệp TP theo hướng phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là nội dung thuộc đề án khoa học "Định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Trình bày tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trong nhiều năm qua, TP.HCM luôn là địa phương đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp của cả nước. Tỷ trọng đóng góp khoảng 18,1% (năm 2022) trong GRDP toàn TP; nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này chiếm khoảng 20%; số lượng doanh nghiệp chiếm 11,44% tổng số doanh nghiệp của TP. Đồng thời, đây là ngành tạo ra việc làm lớn cho toàn xã hội, chiếm 32,79% lao động toàn ngành kinh tế.
Mặc dù tốc độ tăng giá trị sản xuất (GO) và tốc độ tăng giá trị gia tăng (VA) của một số ngành công nghiệp trọng yếu thấp hơn của toàn ngành công nghiệp và của nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, thế nhưng lợi nhuận doanh nghiệp ngành này lại chiếm tỷ trọng khá cao trong toàn ngành kinh tế (37,84%).
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, ngành công nghiệp đang có xu hướng giảm dần về các mặt. Số lượng doanh nghiệp giảm dần, đến năm 2021 giảm 0,13%; lao động trong lĩnh vực công nghiệp giảm liên tục qua các năm và tỷ trọng đóng góp trong GRDP cũng có xu hướng giảm và chững lại, từ mức 22% (năm 2010) còn 20,63% (năm 2015) và chỉ còn 18,1% (năm 2022). Vì vậy, ngành công nghiệp TP cần tái cơ cấu, trong tổng thể tái cơ cấu ngành công nghiệp quốc gia.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, để tái cơ cấu ngành công nghiệp TP theo hướng phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải đặt mục tiêu chung tái cơ cấu ngành công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, trình độ sản xuất lao động, sức cạnh tranh sản phẩm và tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP TP; cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp hợp lý, hiện đại.
Do đó, cần phải đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển TP.HCM thành TP công nghiệp theo hướng hiện đại, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM trở thành TP có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các TP lớn trong khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Để thực hiện, mục tiêu cụ thể giai đoạn năm 2024-2025, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt khoảng 18-20%, trong đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 90%, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 15%.
Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 7-9%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân từ 7-9%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 6,5-7%/năm. Đồng thời, chuyển đổi thành công thí điểm 5 khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) gồm Tân Thuận, Tân Bình, Bình Chiểu, Cát Lái và Hiệp Phước.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt khoảng 18-20%, trong đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 92%, tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 25%.
Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp được duy trì ở mức 8-9%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân từ 8-9%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7-7,5%/năm. Đặc biệt, chuyển đổi thành công 12 KCN-KCX còn lại, hình thành 4-5 khu công nghiệp mới theo mô hình chuyên ngành công nghệ cao, trong đó hình thành mới một khu công nghệ cao.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đánh giá cao kết quả của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, ông Thi cũng góp ý nhóm khi định hướng về phát triển công nghiệp TP, ngoài hiện trạng hiện nay, xu hướng thế giới, cần bám vào một số kế hoạch, văn bản của Chính phủ. Đồng thời, các mục tiêu cụ thể cần bám sát hệ thống chỉ tiêu của quốc gia, bởi về nguyên tắc chỉ tiêu của TP.HCM luôn cao hơn cả nước.
Đặc biệt, cần bám sát ba định hướng chiến lược gồm hạ tầng, nhân lực, thể chế. Đồng thời phải gắn với chính sách ưu đãi cho từng ngành cụ thể để có thể thu hút nhân tài khắp nơi đến TP, để đổi mới sáng tạo.
TS.Trần Du Lịch, ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, đề án cần cố gắng đi sâu, tập trung vào các giải pháp làm rõ hơn về các nguyên nhân mà công nghiệp đang tồn tại, đề ra các giải pháp để đề án này khi hoàn thành không phải chỉ phục vụ quy hoạch mà còn có thể sẵn sàng triển khai khi quy hoạch thông qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.