Ngành dệt may đặt tham vọng xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023

P.V Thứ sáu, ngày 18/11/2022 16:58 PM (GMT+7)
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm nay có thể đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm ngoái.
Bình luận 0
Ngành dệt may đặt tham vọng xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023 - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm nay có thể đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm ngoái.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2022 do chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới như: Lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero- Covid” của Trung Quốc khi Việt Nam đang nhập khẩu trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường…

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm dự kiến vẫn đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021. Giai đoạn 2023-2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, do đó ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa.

Theo đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp dệt may Việt chú trọng xây dựng thương hiệu và khai thác thị trường này.

Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã có 10 thương hiệu đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Mục tiêu từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới.

Vitas cho hay, sang năm 2023, ngành dệt may đưa ra tham vọng, đột phá vượt qua thách thức khó khăn, đạt xuất khẩu khoảng 45-47 tỷ USD, tùy diễn biến thị trường nhập khẩu.

Theo thống kê sơ bộ của Vitas, hiện dệt may đã nội địa hóa được khoảng 49%, thời gian 2023-2025 tới đây, dự kiến con số này sẽ được nâng lên mức 51-55%.

Để giúp doanh nghiệp vượt khó, Vitas cũng đưa ra kiến nghị lên Chính phủ và các Bộ, ngành, năm nay cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

Về lãi suất ngân hàng, nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động.

Cũng theo Vitas, tổng cầu dệt may phục hồi nếu có chỉ từ quý III và IV/2023 tương ứng với mức giảm của lạm phát.

Trong bối cảnh đó, để tăng khả năng cạnh tranh, ngành may mặc Việt Nam cần ưu tiên khả năng cung ứng trọn gói, sản xuất được cả sợi, vải và may; tiên phong sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế để thúc đẩy xuất khẩu sang các nước châu Âu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem