Lê Phương (CNN)
Thứ năm, ngày 17/03/2022 13:00 PM (GMT+7)
Nga đang thu giữ hàng trăm máy bay thương mại thuộc sở hữu của các công ty từ Mỹ và châu Âu, một dấu hiệu cho thấy những thách thức mà ngành hàng không nước này phải đối mặt do các lệnh trừng phạt sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hôm 14/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật cho phép các hãng hàng không nước này đăng ký sử dụng máy bay thuê từ các công ty nước ngoài ở Nga, chúng sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay trong nước, theo một tuyên bố từ Điện Kremlin. Dự luật sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không Nga giữ máy bay thuê của nước ngoài và khai thác máy bay trên các tuyến nội địa, đồng thời khiến các công ty nước ngoài khó có thể lấy lại máy bay của họ.
Trước đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga bao gồm việc yêu cầu các công ty lấy lại tất cả các máy bay mà họ cho các hãng hàng không Nga thuê vào cuối tháng.
Các nhà sản xuất máy bay phương Tây như Airbus (EADSF) và Boeing (BA) đã hạn chế quyền tiếp cận của các hãng hàng không Nga với những phụ tùng thay thế mà họ cần để bảo dưỡng máy bay.
Các hãng hàng không Nga đang sử dụng 305 máy bay Airbus và 332 máy bay Boeing, theo dữ liệu do công ty phân tích hàng không Cirium cung cấp. Nga cũng có 83 máy bay trong nước do các nhà sản xuất phương Tây như Bombardier, Embraer và ATR chế tạo. Chỉ có 144 máy bay trong đội bay của các hãng hàng không Nga được chế tạo tại nước này.
Dữ liệu của Cirium cho thấy 85% số máy bay do nước ngoài sản xuất thuộc sở hữu của các công ty cho thuê và có tổng giá trị là khoảng 12,4 tỷ USD.
Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào mà các công ty cho thuê có thể lấy lại những chiếc máy bay này khi chúng vẫn ở trên đất Nga. Các công ty cho thuê không trả lời yêu cầu bình luận về hành động của Nga và không rõ liệu họ có muốn lấy lại những chiếc máy bay đó hay không. Trên thực tế, những chiếc máy bay này sẽ không có bộ phận thay thế và không có chứng chỉ đủ điều kiện bay hợp lệ được các hãng hàng không phương Tây chấp nhận.
Richard Aboulafia, giám đốc điều hành của AeroDynamic Advisory, cho biết: "Những chiếc máy bay này sẽ không còn được hỗ trợ bộ phận và bảo trì nữa. Đây là một vấn đề thực sự, chúng sẽ không đủ điều kiện bay".
Nga là quốc gia lớn nhất thế giới tính theo diện tích đất liền, gấp đôi diện tích của Mỹ. Charles Lichfield, Phó giám đốc Trung tâm Địa kinh tế tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn quốc tế, cho biết Nga cần giữ cho ngành hàng không ổn định nếu muốn duy trì nền kinh tế hoạt động. Ông nói: "Hàng không là một phần quan trọng của nền kinh tế Nga. Người Nga thường xuyên bay do tính chất công việc, họ hiếm khi bay chỉ để nghỉ mát".
Ngành hàng không của Nga không chỉ phục vụ cho việc giao thương mà còn ở lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là nhu cầu vận chuyển kỹ sư, công nhân và thiết bị khác đến và đi từ các mỏ dầu.
Robert Mann, một nhà tư vấn và phân tích hàng không cho biết: "Hàng không là một động lực đáng kinh ngạc cho tăng trưởng kinh tế, cả trong nước và quốc tế. Nếu không có máy bay, gần như đất nước sẽ đi tụt lùi về thời kỳ lạc hậu".
Betsy Snyder, nhà phân tích tín dụng của các công ty cho thuê máy bay tại Standard & Poor's, cho biết Nga không cần tất cả các máy bay mà nước này đang thu giữ vì đòn giáng vào nền kinh tế của họ từ các lệnh trừng phạt sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu đi lại bằng đường hàng không. Bà nói: "Nền kinh tế Nga đang đi xuống. Không có ai ra vào nước Nga, người dân Nga đang thiệt hại tài chính nghiêm trọng nên họ không có tiền để đi du lịch trong tương lai".
Điều đó làm tăng khả năng nhiều máy bay sẽ bị tháo ra để lấy các bộ phận. Trao đổi về việc liệu Nga có tự sản xuất linh kiện máy bay hay không, ông Mann nói: "Nếu bạn không biết cách sản xuất linh kiện, thì bạn không nên làm. Liệu bạn có hiểu những đặc tính bên trong? Khi bạn đặt linh kiện vào phần tuabin của động cơ, nó có hoạt động giống như thiết kế không?"
Ông Mann cho rằng khi một bộ phận hết tuổi thọ sử dụng, hay còn gọi là "thời gian xanh (green time)", chúng ta sẽ phải lựa chọn giữa việc bay với các bộ phận lẽ ra phải được thay thế vì lý do an toàn hoặc lấy bộ phận từ máy bay khác. "Cứ tiếp tục như vậy, đến một lúc Nga sẽ không còn chiếc máy bay nào nữa", ông cho biết.
Vì vậy, ngay cả việc giữ lại những chiếc máy bay thuê này cũng chưa chắc chắn có thể giúp cho ngành hàng không của Nga không bị ảnh hưởng. Ông Aboulafia dự đoán: "Trong vòng một năm, ngành hàng không của Nga sẽ gặp hậu quả nặng nề".
Liệu một đất nước rộng lớn như Nga có thể sống mà không có ngành hàng không? "Đó là một luận điểm chưa bao giờ được thử nghiệm, nhưng có vẻ như sắp rồi", ông Aboulafia nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.