Ngành mía đường - thay đổi hay là “chết”: Đừng đổ lỗi đường lậu

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 26/09/2018 18:55 PM (GMT+7)
Áp lực Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã được kéo giãn tới năm 2020 nhưng đó có phải là liều thuốc để hàng loạt nhà máy đường (NMĐ) vượt qua cơn hấp hối?
Bình luận 0

Khi chương trình 1 triệu tấn đường được phát động từ năm 1995, các tỉnh đua nhau xây dựng NMĐ. Mục tiêu của các tỉnh là nhằm tiết kiệm ngoại tệ; tạo thu nhập và việc làm cho nông dân quanh nhà máy; xây dựng mối quan hệ công nông bền chặt; phát triển công nghiệp địa phương và góp phần hiện đại hóa đất nước...

Chấp nhận quy luật cuộc chơi

Xuất phát điểm và mục đích đặt ra thì hay, nhưng chương trình triển khai lại không bài bản, thiếu chú trọng tính hiệu quả trong sản xuất. Phong trào “toàn quốc làm mía đường” đã đưa đến một cuộc khủng hoảng lây lan khi nhiều NMĐ đóng cửa. Nguyên nhân: hoặc có nhà máy mà không có vùng nguyên liệu, hoặc có vùng nguyên liệu thì không có công nghệ đạt hiệu quả...

img

Tiếp nhận mía vào dây chuyền chế biến tại Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa.   Ảnh: N.M

Nghề trồng mía căng thẳng nhất thời điểm cuối vụ. Nông dân trồng mía thì trông chờ nhà máy tới mua. Nhưng mùa vụ vừa qua, nhiều nông dân phải đứng nhìn cây mía cháy khô trên đồng do không ít NMĐ đóng cửa. Hàng chục hộ nông dân ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã kéo Công ty CP Mía đường Sóc Trăng đòi nợ. NMĐ NIVL ở Long An thì nợ hơn 100 tỷ đồng, phải mua mía rồi trả lại... đường cho nông dân.

Nhìn ra toàn ngành, tuy còn nhiều khó khăn nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới đang dần được thu hẹp. Thực tế là có không ít doanh nghiệp có nguồn lực, đã đầu tư bài bản từ trung tâm giống cho tới những vùng nguyên liệu của riêng họ. Nhiều NMĐ vẫn đảm bảo các mục tiêu tài chính và nông dân trong những cánh đồng liên kết vẫn được bao tiêu sản phẩm mỗi mùa.

Xu thế này chứng tỏ chỉ những doanh nghiệp có tầm nhìn, có tiềm lực tài chính mới trụ vững được trong ngành đường, tương tự như nhiều ngành khác có nguyên liệu đầu vào là sản phẩm nông nghiệp. Khi đã tính toán đưa sản phẩm ra cạnh tranh với khu vực và thế giới thì phải chấp nhận quy luật khắc nghiệt của cuộc chơi.

Các doanh nghiệp công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, vùng nguyên liệu manh mún và nhỏ lẻ, năng lực tài chính yếu không thể tồn tại lâu dài; không thể sống lây lất, ỷ lại vào chủ trương chính sách như trước.

Suốt hành trình “cầu cứu” của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), người ta thấy rõ các mũi dùi tập trung vào thủ phạm chính là đường lậu. Tuy nhiên đó chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân.

Với đường biên giới trải dài, cuộc chiến chống thuốc lá lậu – mặt hàng quốc cấm lâu nay vẫn còn dai dẳng. Ngành mía đường nếu không sớm cải thiện nội lực để nâng cao năng suất, hạ giá thành, rút ngắn chênh lệch giá bán với đối thủ trực tiếp là đường lậu Thái Lan thì vẫn còn chống buôn lậu dài dài.

Giải quyết rốt ráo trách nhiệm

Đã từ lâu, mía không phải là cây sinh lời trên những thửa ruộng nhỏ nhoi, thưa thớt. Những giống mía chỉ cho chữ đường bình quân 10 CCS  không thể cạnh tranh với các vùng trồng khác trong nước chứ chưa nói tới khu vực và thế giới. Sau một mùa vụ thất bát, nông dân ở nhiều địa phương phải chặt bỏ cây mía.

Tuy nhiên ngoài mía, nông dân chưa biết chuyển đổi sang cây trồng nào thích hợp. Một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp Long An đã phải “nhảy nhỏm” khi diện tích mía toàn tỉnh dự báo đến năm 2020 là chỉ còn 4.000ha, trong khi Đề án phát triển mía đường đến năm 2020 lại phân bổ chỉ tiêu cho Long An 8.500ha.

Bản thân Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh từng thừa nhận, ngành mía đường có tính tới việc phải chấp nhận đóng cửa nhiều nhà máy, có thể là một nửa số nhà máy hiện có.

Tuy vậy, dường như ngành mía lại không gánh nổi nỗi lo cơm áo cho hàng chục ngàn hộ nông dân trồng mía lâu nay gắn bó với mình – một hậu quả hiển nhiên khi người trồng mía không còn nơi tiêu thụ ở nhiều địa phương.

Vì vậy, một chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên đất mía phải chăng cũng cần được suy tính thấu đáo ngay từ bây giờ, nhanh chóng định hình từ phía ngành nông nghiệp và triển khai ở những địa phương thích hợp. Khởi đầu nào cũng có lúc kết thúc.

Chính ngành nông nghiệp đã khởi xướng chương trình 1 triệu tấn đường thì nay cũng phải giải quyết rốt ráo trách nhiệm của mình với những vùng trồng mía trước đây mình đã kêu gọi. Được vậy thì mới là một kết thúc đẹp.

Sau khi ATIGA có hiệu lực, ít nhất 20 nhà máy đường phải đóng cửa

Ảnh hưởng đến 33.000 hộ nông dân

1,5 triệu lao động ngành mía đường

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem