Đường đi “khó nghĩ” như Làng Sáng
Trong 2 ngày 2 – 3.2.2018, Báo Nông thôn ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt phối hợp với Nha khoa Sài Gòn H.N tổ chức chương trình từ thiện dành cho các em học sinh tại tiểu học, mầm non Háng Đồng và đưa Tết sớm về với trẻ em bản Làng Sáng.
Theo những người dân nơi đây, Làng Sáng là tiếng Mông và dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "khó nghĩ". Câu chuyện về cái tên của bản này đã gây tò mò cho tất cả các thành viên trong đoàn. Vì sao lại là "khó nghĩ"?
Làng Sáng vẫn được người dân nơi đây coi là “cổng trời” với độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Đây là bản đặc biệt khó khăn của xã Háng Đồng với 100% người dân là đồng bào Mông. Bản chưa có đường đi vào và chưa có điện để thắp sáng.
Chặng đường từ trung tâm xã vào đến bản dài hơn 23km đường rừng. Ông Phạm Hồng Hải - Bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng cho biết, mới có khoảng 6km đường bê tông vừa được bàn giao vào tháng 4.2017. Vậy là để vào bản, chúng tôi phải trải qua ít nhất 17km đường rừng.
Ngày 2.2, kết thúc chương trình tặng quà, khám răng miệng vào buổi sáng cho gần 300 học sinh tiểu học, mầm non ở trung tâm xã Háng Đồng, chúng tôi tất tả chuẩn bị mọi công tác để vào bản Làng Sáng.
Đoàn từ thiện đầy háo hức trước khi bước vào chuyến hành trình. Ảnh: Bảo Yến
Với hi vọng đến bản trước lúc mặt trời xuống núi, hơn 12 giờ trưa, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình. Để giúp chúng tôi nhanh chân hơn xã đã thuê hộ 1 chiếc xe tải để chở đoàn vào đến cửa rừng. Chúng tôi háo hức lên xe sau khi những chiếc ba lô bị rút gọn hết mức có thể. Ngồi sau thùng xe với đoạn đường cua khúc khuỷu, dốc đứng và xóc, nhiều thành viên đã bắt đầu có những biểu hiện "gọi tên chị Huệ" - một cách chúng tôi hay nói đùa về những người say xe.
Vừa đi được 1 lúc, chiếc xe gặp phải đoạn đường khó nên các thành viên trong đoàn lại phải nhảy xuống để đẩy xe. Sau một hồi "dô ta, dô hò" đẩy thì chiếc xe lại lượn lách đưa chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Vượt qua được khoảng 5km đường bê tông để vào rừng, chiếc xe buộc phải dừng lại vì đường trơn trượt, sương mù dày đặc.
Chuyến hành trình của chúng tôi giờ đây mới thực sự bắt đầu.
Đi bộ 17km đường bằng thôi mà nhiều người nghĩ đã nản còn đây lại là đường rừng giữa cái rét 0 độ C. Ban đầu, ai ai cũng líu lo vì còn đang được đi trên đường bê tông thế nhưng vừa bước chân vào đến cửa rừng, chúng tôi đã được thấy một cảnh tượng mà mình không thể ngờ tới. Đó là một con đường mà không phải là đường và không thể dùng ngôn ngữ nào để tả nổi về nó.
Chặng đường gian nan để đi vào Làng Sáng. Ảnh: Bảo Yến
Chính xác, đó là một dải đất dốc đứng không có cây mọc, nhão nhoét bùn lầy, đầy rễ cây và đá. Bề rộng của nó chắc chưa đầy 1m và đây chính là con đường độc đạo để vào bản. Trong tình cảnh khoác trên mình 2-3 chiếc áo ấm, rồi áo mưa, găng tay và đôi ủng đã được “khuyến mãi” thêm bao nhiêu bùn đất, không ít thành viên trong đoàn chúng tôi đã “vồ ếch” thành công.
Theo như ông Hải, trước khi đoàn công tác chúng tôi lên thời tiết ở đây còn khắc nghiệt hơn khi mưa kéo dài và nhiệt độ luôn xuống âm, xuất hiện băng giá. Như vậy, chúng tôi đã khá may mắn khi nhiệt độ hôm nay đã tăng lên 0 độ và trời không còn mưa.
Vậy mà, dù đã cố nhét hết tất cả quần áo ấm lên người nhưng dường như cái rét vẫn không buông tha cho chúng tôi.
Không ít thành viên trong đoàn bị ngã vì trơn trượt. Ảnh: Bảo Yến
Trời càng về chiều càng lạnh, sức người cũng cạn, 1 số thành viên của đoàn đã có ý định dừng chân quay lại nhưng đã đi 1 đoạn đường khá xa, còn đi vào tiếp sẽ là bao lâu nữa? Chúng tôi mênh mông lạc giữa núi rừng. Trời chập choạng tối, rồi 7 giờ, 8 giờ tối, con đường vào bản vẫn còn “1 con dao quăng” nữa là tới. Nhưng con dao quăng đó dài bao nhiêu thì không ai biết vì chẳng có bất cứ 1 ánh sáng của 1 nóc nhà nào hiện lên. Những chiếc đèn pin đã phát huy tác dụng, các thành viên chia tốp nhỏ nắm tay nhau đi trong đêm giữa núi rừng.
“Cảm ơn nhà báo vì người Mông mà vào bản”
Đi mãi rồi ánh sáng le lói cũng xuất hiện, bản ở đằng xa kia rồi. Đó là ánh điện hiếm hoi người dân nơi đây chạy tua pin bằng lực nước suối.
Gần 10h tối, đoàn đặt chân vào điểm trường Làng Sáng - trung tâm của bản. Thầy cô, người dân và cả thành viên trong đoàn đã khóc. Gặp nhau ai cũng mừng mừng tủi tủi như chính mình là người con của bản lâu ngày trở về. Đó là giọt nước mắt của sự vui mừng khi gặp nhau, là sự thấu hiểu những vất vả, gian nan của đường đi vào bản.
Các thành viên trong đoàn chụp hình lưu niệm với thầy cô và các em học sinh của bản sau khi trao quà.
Một bữa cơm rau rừng đơn sơ được thầy cô cắm bản và người dân chuẩn bị sẵn chờ đón đoàn. Đó là cả tấm lòng họ dành cho đoàn nhưng cũng chẳng ai nuốt nổi phần vì mệt, phần vì tranh thủ thời gian chúng tôi ngồi lại nói chuyện, hỏi thăm nhau cuộc sống của người dân.
Khi trời đã quá khuya, bếp lửa nhóm ngoài sân cũng lụi, chúng tôi mới trở về nghỉ ngơi trong các lớp học của điểm trường. Cái lạnh như cắt da thịt khiến cho mọi người trằn trọc. Và trong cái màn đêm tĩnh mịch đó tôi vẫn chập chờn nghĩ đến cái nắm tay thật chặt và câu nói còn lơ lớ, ngọng ngịu của bác già làng trong bữa ăn: “Nhà báo đã vào được đến bản của chúng tôi là quý lắm, lại còn mang áo ấm, sách vở vào cho con cháu chúng tôi. Dân bản quý lắm.... lâu lắm rồi mới lại có người từ xuôi vào thăm bản. Cảm ơn nhà báo vì người Mông mà vào bản”.
Sau khi tặng xong những phần quà cho các em nhỏ nơi đây, chúng tôi trở ra trung tâm xã. Chặng đường trở ra sẽ vất vả hơn rất nhiều vì mọi người ai cũng đã mệt nhưng chúng tôi sẽ được tiếp thêm bội phần sức lực khi nhớ về câu nói của bác già làng và những cái nắm tay thật chặt chào tạm biệt.
Mong một ngày, đường vào Làng Sáng không còn là con đường “khó nghĩ”!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.