Ngày 25.1, thêm “lá chắn” bảo vệ ngư dân

Thứ hai, ngày 07/01/2013 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 25.1, Nghị định 102/2012 về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư chính thức có hiệu lực. Ngư dân kỳ vọng lực lượng sẽ là “lá chắn” bảo vệ và giúp đỡ họ hoạt động an toàn, hiệu quả hơn trên biển.
Bình luận 0

Chính thức có Cục Kiểm ngư

Theo quy định tại Nghị định 102, kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản, trực thuộc Bộ NNPTNT, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Trao đổi với NTNN, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết: “Thực tế, công tác chuẩn bị cho lực lượng kiểm ngư ra đời cũng như hình thành Cục Kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản được triển khai từ lâu. Cho đến nay, các điều kiện để ra đời Cục Kiểm ngư đã tương đối hoàn tất. Trong đầu tháng 1 này, quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Cục sẽ được Bộ trưởng NNPTNT ký ban hành”.

img
Ngư dân vững lòng vươn khơi khi có lực lượng kiểm ngư bảo vệ. (Ảnh chụp đội tàu của ngư dân Quảng Ngãi ra khơi từ cảng Sa Kỳ)

Theo ông Tám, Cục Kiểm ngư sẽ bao gồm cơ quan của Cục ở T.Ư và các Chi cục Kiểm ngư vùng. “Trước mắt, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản vịnh Bắc Bộ, thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS) sẽ được chuyển thành Chi cục Kiểm ngư vùng vịnh Bắc Bộ. Cơ quan kiểm ngư các vùng biển khác sẽ từng bước được hoàn thiện”- ông Tám cho biết.

Song song với việc xây dựng, tổ chức bộ máy, hiện Tổng cục Thủy sản cũng đang tập trung chuẩn bị nhân lực cho kiểm ngư. Theo đó, các kiểm ngư viên sẽ là những người có chuyên môn về thủy sản và có kinh nghiệm dạn dày hoạt động trên biển được lấy từ các nhiều cơ quan chuyên môn như thanh tra viên của Cục KTBVNLTS, cùng cán bộ thủy sản ở các địa phương…

Về trang bị tàu thuyền cho kiểm ngư, ông Tám cho biết: “Sẽ có 2 tàu lớn có thể hoạt động dài ngày trên biển được trưng dụng từ lực lượng Thanh tra của Cục KTBVNLTS để trang bị cho kiểm ngư. Mặt khác, Bộ NNPTNT cũng đang trình Chính phủ đề án đóng tàu mới cho lực lượng này”. Cũng theo ông Tám, trong khi chờ có tàu mới, lực lượng kiểm ngư hoàn toàn có thể trưng dụng tàu tuần tra của các lực lượng khác. Lực lượng kiểm ngư cũng sẽ có “màu cờ sắc áo” đặc trưng và có hệ thống thông tin riêng để tác nghiệp và liên lạc với ngư dân trên biển.

Tích cực hỗ trợ ngư dân

Lực lượng kiểm ngư được giao 9 nhiệm vụ theo Nghị định 102, trong đó có các nhiệm vụ quan trọng như: Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản; hướng dẫn ngư dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản. Một nhiệm vụ quan trọng khác của kiểm ngư là tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.

Như vậy, lực lượng kiểm ngư đóng vai trò hết sức quan trọng đối với ngư dân đánh bắt xa bờ bên cạnh lực lượng của hải quân, cảnh sát biển... Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, sau khi kiểm ngư đi vào hoạt động, sẽ tồn tại đồng thời cả lực lượng kiểm ngư và lực lượng thanh tra thủy sản làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trên biển.

Tuy nhiên, lực lượng thanh tra thủy sản sẽ chỉ thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, thực thi Luật Thanh tra ở các vùng nước nội địa và ven biển. Trong khi đó, lực lượng kiểm ngư sẽ thực hiện việc giám sát ở các vùng nước xa bờ. “Lực lượng kiểm ngư có chuyên môn và năng lực đi biển cao; được trang bị những công cụ hỗ trợ đặc thù để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tàu kiểm ngư là những tàu có khả năng hoạt động ở các vùng biển xa, thời gia dài. Kiểm ngư sẽ vận hành theo 2 luật là Luật Thanh tra và Luật Xử lý vi phạm hành chính” – Bộ trưởng Phát nói.

Ông Tạ Quang Ngọc- nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản (cũ) cho rằng: “Ngoài nhiệm vụ chính là thanh tra, lực lượng kiểm ngư phải tổ chức sản xuất cho dân; phải giúp định hình để sản xuất trên biển có được các tổ chức kinh tế ổn định, hoạt động dân sự của ngư dân cũng là để bảo vệ chủ quyền trên biển”.

“Ngư dân sẽ thêm vững tin sản xuất”

Trao đổi với NTNN, ông Lưu Văn Huy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) - đơn vị chủ trì chuẩn bị cho ra mắt lực lượng kiểm ngư cho biết: “Chính phủ đã giao, lực lượng kiểm ngư sẽ tiến hành các hoạt động hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân trong quá trình sản xuất. Như ngư chính của Trung Quốc, khi có lực lượng kiểm ngư xuất hiện trên biển, ngư dân chúng ta sẽ thêm vững tin sản xuất. Hiện chúng tôi đang tiến hành những công việc chuẩn bị cuối cùng để có thể chính thức ra mắt vào ngày 25.1 tới như dự kiến”.

Kiểm ngư viên hy sinh sẽ được công nhận liệt sĩ

Theo quy định tại khoản 3, Điều 9 của Nghị định 102, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương, hy sinh thì được xem xét, công nhận là thương binh, liệt sĩ và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem