Ngay cả khi chịu các lệnh trừng phạt, Nga vẫn đủ khả năng tiếp tục chiến dịch lâu dài?

Lê Phương (Reuters) Thứ tư, ngày 13/04/2022 08:03 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia quốc phòng và nhà kinh tế cho biết Nga đủ khả năng để tiến hành chiến dịch lâu dài ở Ukraine bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bình luận 0
Ngay cả khi chịu các lệnh trừng phạt, Nga vẫn đủ khả năng tiếp tục chiến dịch lâu dài? - Ảnh 1.

Quân nhân Nga lái xe bọc thép trong cuộc xung đột Ukraine-Nga trên con đường bên ngoài thành phố cảng phía nam Mariupol, Ukraine, ngày 10/4/2022. Ảnh: Reuters

Xung đột Nga - Ukraine đã làm tăng giá dầu, khí đốt và ngũ cốc mà Nga xuất khẩu, mang lại cho nước này một lượng vốn đáng kể để tài trợ cho "hoạt động quân sự đặc biệt" của mình. Hiện chiến sự đang bước vào một giai đoạn mới khi Nga tập trung vào khu vực phía đông Donbass. 

Nếu chiến sự tiếp diễn, thương vong gia tăng và nhu cầu luân chuyển binh lính mới tham chiến có thể sẽ tạo nên những áp lực cấp bách đối với tài chính quốc gia.

Jacob Kirkegaard, nhà kinh tế của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington cho biết: "Nga gần như hoàn toàn chi trả bằng đồng rúp, có nghĩa là họ có thể tiếp tục đổ quân và pháo hạng nặng vào Ukraine ít nhất là cho đến khi nền kinh tế chung sụp đổ".

Johan Norberg, một nhà phân tích cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, cho biết: "Các lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến cuộc chiến này trong ngắn hạn, bởi vì quân đội Nga đang chiến đấu với xe tăng mà họ đã chế tạo và binh lính được huấn luyện đầy đủ".

Ngân hàng Thế giới cho biết các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ khiến nền kinh tế Nga giảm hơn 11% trong năm nay, nhưng trên thực tế doanh thu từ xuất khẩu năng lượng lại đang tăng lên. Bộ Tài chính Nga ngày 5/4 cho biết Moscow dự kiến sẽ kiếm thêm 9,6 tỷ USD doanh thu từ việc bán năng lượng chỉ trong tháng 4 nhờ giá dầu cao, duy trì ở mức khoảng 100 USD/thùng. 

Mặc dù vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, cỗ máy quân sự từng nhận được nhiều lời ca tụng của Nga đã phải nhận một cú đánh lớn, gây ảnh hưởng nặng nề.

Nga đã mất khoảng 15-20% sức mạnh quân sự kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết. Trong đó tổn thất bao gồm từ xe tăng, xe bọc thép, hệ thống pháo binh, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, trực thăng cho đến tên lửa đất đối không và tên lửa đạn đạo, quan chức giấu tên cho biết.

Những thiệt hại trong tương lai

Theo Oryx, một blog quân sự, thống kê thiệt hại của cả hai bên dựa trên bằng chứng trực quan có thể xác minh, Nga đã mất ít nhất 2.770 thiết bị quân sự tính đến 12/4, bao gồm ít nhất 476 xe tăng bị phá hủy, hư hỏng, bị bỏ rơi hoặc bị chiếm mất.

Yohann Michel thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết, con số đó còn hơn cả số xe tăng của một vài thành viên NATO như Pháp (222) và Anh (227).

Theo số liệu của IISS, Nga, quốc gia có khoảng 3.000 xe tăng trước chiến sự, sẽ không cạn kiệt xe tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết một số trong đó có thể sẽ cũ, tình trạng kém hoặc bị giữ lại để thay thế, vì vậy số lượng sẵn sàng chiến đấu sẽ thấp hơn.

Mathieu Boulegue, một chuyên gia quân sự Nga tại Chatham House, cho biết Moscow cho đến nay vẫn còn giữ những vũ khí hiện đại nhất mà họ chưa muốn "lộ bài", và chủ yếu dựa vào lượng vũ khí dồi dào có thể sử dụng được từ thời Liên Xô.

Ông cho biết có thể mất "ít nhất một hoặc hai thập kỷ" để xây dựng lại hệ thống thiết bị quân sự như trước khi xung đột xảy ra - một nhiệm vụ phức tạp bởi một loạt các yếu tố bao gồm khó khăn trong thiết kế và đổi mới, tham nhũng, tình trạng nợ nần của các công ty quốc phòng và sự thiếu hụt khả năng tiếp cận với vi điện tử của phương Tây vì các lệnh trừng phạt.

Gánh nặng quốc phòng

Richard Connolly, một thành viên tại Viện nghiên cứu quốc phòng ở London, cho biết: "Chi tiêu quân sự của Nga dự kiến sẽ tăng lên do chiến sự với Ukraine và căng thẳng với NATO".

Ông cho biết chi tiêu quốc phòng tính theo GDP có thể tăng đáng kể từ mức hiện tại khoảng 4%, khả năng lên gấp đôi trong vài năm tới.

Ông Connolly cho biết người dân Nga bình thường sẽ cảm thấy tác động của những gánh nặng kinh tế, tuy nhiên nhà nước vẫn có thể thoải mái chi trả cho quân sự, ngay cả khi nền kinh tế của họ đang rơi vào suy thoái. Nếu cần, chính phủ có thể huy động thêm các nguồn tài nguyên khác.

Ông nhấn mạnh câu hỏi cấp bách hơn là mức độ thương vong và sự khó khăn trong việc duy trì một cuộc chiến có tới 150.000 quân cùng một lúc.

Cho đến nay, Nga thừa nhận chỉ có 1.351 binh sĩ thiệt mạng và 3.825 người bị thương, mặc dù Ukraine và các chính phủ phương Tây cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều lần. 

Cuối cùng, ông Connolly cho biết, Nga có thể phải đưa ra quyết định không được ủng hộ về mặt chính trị là huy động lực lượng dự bị của mình, mà IISS ước tính lên tới 2 triệu nam giới dưới 50 tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong vòng 5 năm qua.

Connolly nói: "Nếu có khoảng 150.000 quân Nga ở Ukraine, thì chỉ có một nửa trong số đó là đang tham gia chiến đấu mà thôi. Vì vậy, Nga sẽ cần phải có sự luân chuyển lực lượng. Về cơ bản, họ sẽ phải sử dụng toàn bộ quân đội của mình, hoặc chiến sự sẽ còn tiếp diễn lâu hơn nữa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem