Ngày càng có nhiều tỷ phú nông dân ở Thủ đô Hà Nội
Ngày càng có nhiều tỷ phú nông dân ở Thủ đô Hà Nội
Thu Hà
Thứ hai, ngày 23/11/2020 06:04 AM (GMT+7)
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến với nhiều hội viên là tỷ phú nông dân, triệu phú nông dân.
Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội ND huyện Đan Phượng cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội ND trong huyện đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên. Trong đó phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng.
Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, Hội ND huyện Đan Phượng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về chủ trương, chính sách, tài chính hỗ trợ hoạt động của hội nông dân cơ sở.
Trong giai đoạn từ 2015 - 2020, đã có hơn 86.680 lượt hộ đăng ký danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp. Trong đó, riêng năm 2020, trên địa bàn huyện có hơn 14.000 hội viên nông dân (chiếm gần 90% số hội viên nông dân) đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp.
Theo ông Thiều Văn Son, dựa trên cơ sở chỉ tiêu giao và kết quả đăng ký của hộ hội viên, Hội ND từ huyện đến cơ sở đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Hội chuyển mạnh sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ nông dân về giống, vốn, quan tâm, động viên, khuyến khích các hộ áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất và chăn nuôi, tạo điều kiện giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất.
Theo đó, năm 2020, Hội ND huyện đã chủ động phối hợp các ngành chức năng mở lớp tập huấn KHKT cho nông dân. Hội phối hợp các doanh nghiệp xây dựng nhiều mô hình trình diễn cây, con giống mới, cải tiến kỹ thuật, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, tạo mọi điều kiện để nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất. Trong năm 2020, Hội đã tổ chức được 82 lớp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng với 860 lượt hội viên nông dân tham dự.
Ông Thiều Văn Hưng - hội viên nông dân thôn 11, xã Trung Châu cho biết, gia đình ông đang canh tác 7 sào cà chua. Thông qua mô hình trình diễn sử dụng thuốc sinh học trong canh tác do Hội ND huyện triển khai, gia đình ông được hỗ trợ 100% thuốc sinh học. Qua đó, giúp cho sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao và đặc biệt là sản phẩm an toàn. Có được nguồn vốn vay 50 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Đan Phượng, tháng 3/2019, ông Nguyễn Văn Nội (ở thôn Cổ Thượng, xã Phương Đình) đã đầu tư trồng 1 mẫu nho Hạ Đen. Sau 2 năm trồng, cây nho Hạ Đen đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 5 tạ/sào. Với mức giá trung bình từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, trừ chi phí cho thu lãi 40 - 45 triệu đồng/sào.
Từ 2015 - 2020, huyện Đan Phượng:
Có hơn 86.680 lượt hộ đăng ký danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Riêng năm 2020, có hơn 14.000 hội viên nông dân. (chiếm gần 90% số hội viên nông dân).
Được biết, để giúp hội viên nông dân có vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, trong năm 2020, Hội ND huyện Đan Phượng đã xây dựng dự án vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng CSXH huyện, Ngân hàng NNPTNT. Hiện, Hội ND huyện đang quản lý hơn 25 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND cho trên 1.200 hộ vay; phối hợp các ngân hàng tín chấp hơn 150 tỷ đồng cho trên 3.000 hộ vay vốn.
Tiếp tục đổi mới hoạt động
Theo Chủ tịch Hội ND huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, phong trào "Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành nghề kinh doanh dịch vụ…
"Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong SXKD với nhiều nông dân là tỷ phú nông dân, triệu phú nông dân. Điển hình như hộ ông Bùi Văn Hải (tại xã Song Phương) với mô hình trồng nấm cho thu nhập cao trừ chi phí còn thu lãi 500 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi bò thịt của ông Trần Văn Thắng (tại xã Thọ An) hàng năm cho thu nhập từ 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động tại địa phương. Mô hình trồng rau hữu cơ của gia đình chị Cuối Quý (tại xã Đan Phượng) với diện tích 5ha, doanh thu đạt 1,1 tỷ đồng/ha/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động tại địa phương..." - ông Son phấn khởi thông tin.
Theo ông Thiều Văn Son, để phong trào nông dân SXKD giỏi đạt hiệu quả cao, đòi hỏi các cấp Hội phải tập trung chỉ đạo hoạt động trợ giúp nông dân, đồng thời phải có sự liên kết 6 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà nông và nhà phân phối.
Bên cạnh đó, hiện nay việc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích phát triển kinh tế còn hạn chế; đất đai manh mún, nhỏ lẻ, khó cho việc đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh; cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho phong trào phát triển còn hạn chế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.