Tại buổi tư vấn trong chương trình khai mạc ngày hội tư vấn tuyển sinh “Cùng con em nhà nông chọn ngành, chọn trường” sáng nay (10.3), nhiều học sinh tỏ ra boăn khoăn trước rất nhiều lựa chọn trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới.
|
Tư vấn cho học sinh ngay tại các gian hàng |
Do đó, thầy Trần Đình Lý – Trưởng Phòng đào tạo ĐH Nông lâm cho rằng, các em học sinh phải thật cẩn thận, tìm hiểu kỹ trước khi chọn ngành, chọn trường dự thi để có thể tìm được công việc phù hợp, thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp.
Khối ngành nông lâm ngư nhiều triển vọng!
Ông Trần Đình Lý – ĐH Nông Lâm TP.HCM: Trước đây, nhiều ngành liên qua đến nông nghiệp, nông thôn không được quan tâm nhưng hiện nay nguồn nhân lực cho ngành này đang rất thiếu, nhu cầu xã hội rất cao nên thu nhập của người lao động trong ngành này cũng khá ổn định.
Do đó, điều quan trọng không hẳn là các em phải chọn ngành nào đó xa xôi mà có thể phát triển được tương lai với những ngành học, công việc quen thuộc với ba mẹ ở nhà trong khối ngành nông – lâm – ngư.
Em muốn làm thư ký!
Em Đào Nhật Minh (Bến Tre): Em muốn trở thành cô thư ký thì có thể học ở đâu, nhu cầu việc làm ngành này như thế nào? Em nghe nhiều người kể không hay về nghề thư ký, sự thật như thế nào ạ?
Cô Đào Thị Như Mai - Quyền trưởng phòng tuyển sinh Trường CĐ Bách Việt: Trong thời buổi kinh tế phát triển như hiện nay, các cơ quan, tổ chức nào cũng cần có thư ký văn phòng để hỗ trợ cho công tác của các “sếp”, hỗ trợ hoạt động cho các phòng, ban trong doanh nghiệp. Hiện tại, chỉ có một số trường đào tạo ngành thư ký văn phòng, trong đó có CĐ Bách Việt. Do đó, các em học sinh có thể an tâm về đầu ra nếu chọn học ngành thư ký.
Công việc của thư ký văn phòng là chuẩn bị công văn, lên lịch làm việc cho cán bộ công ty, doanh nghiệp, chuẩn bị cho các chuyến công tác như xin visa, đặt vé máy bay, vé tàu, sắp xếp nơi ăn chốn ở… Đôi khi, thư ký còn là đại diện phát ngôn của người chủ cơ quan, doanh nghiệp, một nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp của các doanh nhân hay các nhà hoạt động xã hội.
Ngành thư ký văn phòng cũng không chỉ yêu cầu ngoại hình nhiều lắm mà chủ yếu yêu cầu kỹ năng làm việc, do đó, tất cả học sinh đều có thể tham gia dự tuyển.
Xin giúp em phân biệt các chuyên ngành của ngành công nghệ sinh học?
Thầy Đào Tân Thảo – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo việc làm, Trường CĐ Nghề Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ: Năm nay, trường tuyển sinh ngành giống cây trồng. Ngoài ra, trường cũng đào tạo lực lượng cán bộ lĩnh vực công nghệ sinh học để xuất khẩu lao động sang Úc, Singapore, Malaysia….
Ngoài ra, một số trường cũng tuyển sinh, đào tạo ngành công nghệ sinh học như ĐH Nông Lâm mở rộng cửa đầu vào bằng cách tuyển 2 khối A, B, chuyên đào tạo công nghệ sinh học các khối nông lâm ngư nghiệp. ĐH Bách Khoa chỉ tuyển sinh khối A.
Học sinh Huỳnh Thị Thủy Tiên – trường THPT Diệp Minh Châu (Bến Tre): Nhu cầu việc làm khối ngành tài chính – ngân hàng, tài chính kế toàn hiện nay như thế nào?
Đại diện ĐH Tài chính – Marketing: Khối ngành tài chính – ngân hàng, kế toán, kinh doanh có khối lượng lớn học sinh đăng ký tham gia. Do đó, vừa rồi, bộ GD – ĐT đã có những quy định riêng về tuyển sinh các ngành này.
Tuy nhiên, các bạn học sinh có tìm được việc hay không sau khi tốt nghiệp còn phụ thuộc vào năng lực, niềm đam mê cũng như quyết tâm của các em, đừng học theo phong trào, theo bạn bè. Nếu các em thực sự đam mê khối ngành này, nên chọn những trường có kinh nghiệm trong việc đào tạo các ngành này như ĐH Ngân hàng, ĐH Tài chính – marketing…
Khối ngành tiếng Anh có còn “hot”?
Em Nguyễn Minh (Đồng Nai): Hai ngành tiếng Anh thương mại và tiếng anh chuyên ngành có gì khác nhau?
Đại diện CĐ Bách Việt: Tiếng Anh chuyên ngành và tiếng Anh thương mại đều thi đầu vào khối D. Ở trường CĐ Bách Việt, điểm chuẩn thường bằng điểm sàn, đồng thời, trường cũng có xét tuyển khối ngành này.
Tiếng Anh thương mại vừa đào tạo tiếng Anh, vừa bổ sung các kiến thức về thương mại. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài, công ty liên doanh…phụ trách các công việc như soạn thảo hợp đồng thương mại, phụ trách các hoạt động xuất nhập khẩu…. Trong khi tiếng Anh chuyên ngành chuyên sâu về dịch thuật và các ngành cụ thể khác.
Ngày nay, yêu cầu thông thạo tiếng Anh là không thể thiếu trong mọi hoạt động. Do đó, học tốt tiếng Anh, các em học sinh chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Thuận Hải (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.