Từ nhiều năm nay, nghệ sĩ hài Xuân Bắc đã miệt mài xây dựng những vở diễn cho trẻ em, đến độ anh gần trở thành một “chuyên gia tâm lý” về trẻ nhỏ. Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, phóng viên
Dân Việt đã trò chuyện với Xuân Bắc về cách dạy trẻ thông qua các hình thức nghệ thuật.
Vào thời điểm này, riêng Hà Nội đã có gần chục chương trình nghệ thuật khác nhau dành cho trẻ em, vậy tại sao Xuân Bắc vẫn quyết định dấn thân vào cuộc chơi có quá nhiều “cạnh tranh”?- Nếu chỉ với mục đích làm kinh tế thì tôi chọn nhiều phương án khác thay vì đầu tư nguyên một vở kịch trong thời điểm mà chỉ cần ngồi ở nhà và qua màn hình tivi, ipad, máy tính... trẻ em cũng có thể thỏa sức xem hoạt hình, phim ảnh, ca nhạc như hiện nay. Song tôi và êkíp của mình vẫn lựa chọn “đường khó” cũng bởi một mong muốn các em có nhiều hơn các món ăn tinh thần để có thể lựa chọn ra cái phù hợp với mình.
Nghệ sĩ Xuân Bắc đang hướng dẫn các bé diễn xuất
Thêm nữa, nếu nói về việc xây dựng các vở diễn cho thiếu nhi ở sân khấu Hà Nội, tôi có thể khẳng định trong những năm qua chúng tôi không chịu về nhì. Vì thế, tôi luôn tự tin rằng với sự đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, diễn xuất cùng nhiều thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, chúng tôi sẽ có những buổi diễn tốt.
Từ nhiều năm nay, các vở diễn cho thiếu nhi của Xuân Bắc đều có siêu nhân, quái vật, robot trái cây… trong khi nhiều người lại lo ngại rằng việc đưa quá nhiều nhân vật siêu tưởng vào kịch với những pha diễn đầy tính hành động như vật sẽ hướng trẻ em tới cách ứng xử bạo lực?- Nhiều người cho rằng chơi súng, gươm, kiếm… là rất bạo lực, ảnh hưởng tới nhân cách của trẻ nhưng tôi lại không cho là như vậy. Một đứa trẻ chơi với con búp bê cũng chưa chắc đã nền tính và nhẹ nhàng hơn đứa trẻ chơi với dao kiếm, bởi đồ chơi chỉ là vật dụng. Chính người hướng dẫn trẻ cách chơi và sử dụng những vật dụng ấy mới là người tạo nên những ảnh hưởng trong nhận thức và cách hành xử của trẻ.
Chúng ta vẫn hay có kiểu dạy nếu một anh nào đó đấm thì con nên bỏ về hoặc bỏ chạy. Hay nếu có anh lấy đồ chơi thì cứ bảo “cho em xin” mà nếu xin không cho thì bảo về sẽ mách bố. Rồi đến khi bố không xin cho, vì “chuyện trẻ con mà” thì cũng thôi luôn.
Những tình huống mà các bậc cha chú vẫn thường dạy và nói với trẻ hoặc ứng xử ở đời sống như vậy theo tôi chưa hẳn đã đúng. Theo tôi, cũng nên tạo cho trẻ một đối thủ để đi đến cuộc chiến cần thiết. Tôi không ủng hộ bạo lực nhưng cá nhân tôi thấy rằng nếu tạo cho trẻ em những đối thủ và hướng dẫn trẻ em rằng chúng ta cần phải biết đối đầu với cái xấu, biết chiến đấu để chiến thắng.
Đã tham gia rất nhiều chương trình cho thiếu nhi nhưng Xuân Bắc lại thường vào một vai nhân vật tốt, phải chăng đó là chủ đích xây dựng hình tượng của anh trong nghệ thuật?
"Tham vọng của tôi trong 10 năm nay là có phải có một lớp khán giả biết thưởng thức nghệ thuật sân khấu. Nếu chúng ta không bắt tay vào ngay bây giờ thì làm sao chúng ta có được những thế hệ khán giả trẻ hiểu biết và yêu sân khấu trong tương lai”. Nghệ sĩ Xuân Bắc
|
- Thực ra việc phân vai cũng là phù hợp với vai nào thì đóng vai đó thôi. Hơn nữa hiện tôi đã và đang làm giám khảo trong một trò chơi truyền hình của trẻ em. Bỗng một hôm nào đó các em thấy giám khảo biến thành quái vật thì cũng thật khó xử (cười).
Suốt 10 năm nay, anh miệt mài làm kịch cho trẻ em, phải chăng anh có mục đích nào đó cho sân khấu và cho khán giả trong tương lai?
- Tham vọng của tôi trong 10 năm nay là có phải có một lớp khán giả biết thưởng thức nghệ thuật sân khấu. Nếu chúng ta không bắt tay vào ngay bây giờ thì làm sao chúng ta có được những thế hệ khán giả trẻ hiểu biết và yêu sân khấu trong tương lai.
Tôi thấy ở các nước, họ rất chú tâm đào tạo khán giả trẻ, dùng nghệ thuật để giáo dục trẻ bao giờ cũng dễ thấm và nhớ lâu. Vì thế, bên cạnh xây dựng những vở kịch có sự biểu diễn của các em, chúng tôi còn đào tạo các em cách cảm nhận nghệ thuật sân khấu. Tôi kỳ vọng mỗi chương trình nghệ thuật như vậy sẽ là một lần bồi đắp thêm tình yêu nghệ thuật cho mỗi bé.
Xin cảm ơn anh!
Hà Mai (thực hiện) (Hà Mai (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.