Cà Mau, xứ sở của những món ẩm thực đồng quê khá nổi tiếng: Tôm, cua của rừng đước; cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ của rừng tràm… nhưng sẽ là thiếu sót, chưa thể gọi là thưởng thức ẩm thực Cà Mau trọn vẹn nếu chưa thử qua món mắm chưng của vùng ngọt hóa U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời…
Trong các bữa tiệc quê ở Cà Mau, thực đơn thường không thể thiếu món mắm chưng.
Mắm vốn dĩ là món đặc trưng của vùng quê Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng, nên không quá ngạc nhiên khi mắm lóc Thới Bình, U Minh, mắm sặt U Minh, Trần Văn Thời có tiếng đến mức không chỉ được xem là món ăn thường nhật của người dân thôn quê, mà nó đã trở thành một thương hiệu của ẩm thực Cà Mau.
Mắm sặt U Minh chưng hột vịt.
Mắm chưng ngon là sự kết hợp giữa người làm mắm cộng với tài chế biến của "đầu bếp". Có hai loại: Mắm chưng thịt ba rọi và nắm chưng hột vịt. Nếu chưng với thịt thì nên chọn mắm cá lóc đồng, còn chưng hột vịt thì nên chọn mắm cá sặt, bởi loại mắm này có mùi thơm rất đặc biệt.
Mắm chưng ăn kèm với thịt ba rọi - món ngon khó cưỡng trong ẩm thực Cà Mau.
Mắm chưng cá lóc đồng, ngoài nguyên liệu chính là mắm, cần chuẩn bị thêm thịt ba rọi, củ hành tím, hành lá, gừng, tiêu xay, ớt.
Thịt heo luộc vừa chín để riêng; mắm cá lóc nguyên con chưng cách thủy với tóp mỡ, ớt nguyên trái, gia vị, khoảng 30 phút. Mắm chín thì cho tiêu xay, gừng, hành lá và hành tím nguyên củ vào, để ra dĩa, thịt ba rọi xắt lát trang trí xung quanh.
Mắm lóc chưng.
Mắm lóc "Thới Bình thôn" nức tiếng khắp vùng.
Mắm chưng hột vịt nếu là cá lóc thì tách bỏ xương, còn cá sặt thì để nguyên con bằm thật mịn, trộn chung với thịt bằm, hột vịt, cho thêm củ hành, hành lá, đường, tiêu, ớt. Để món mắm chưng thơm ngon và bắt mắt hơn, sau khi hấp gần chín, đổ thêm lớp lòng đỏ trứng lên mặt cùng vài lát ớt.
Món mắm chưng Cà Mau sẽ ngon hơn khi ăn với cơm trắng, kèm gừng non, ngò om, khóm, chuối chát, khế, cà…
Huỳnh Lâm (Báo ảnh Đất Mũi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.