Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt của “nữ tướng” CDC Hà Nội

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 27/02/2022 10:00 AM (GMT+7)
"Mặc dù 2 năm qua với chúng tôi luôn là những giấc ngủ chập chờn, những bữa cơm vội, nhưng ngày nào người dân còn gặp nguy hiểm thì ngày đó tôi và đồng nghiệp còn sẵn sàng chiến đấu.", bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc CDC Hà Nội chia sẻ.
Bình luận 0

Suốt hơn 2 năm qua, từ khi bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19, Tiến sĩ, bác sĩ Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đành gác lại những niềm vui cùng gia đình, ứng trực trên cơ quan, cũng như tại các khu thu dung, ổ dịch… ngày đêm làm nhiệm vụ. 

Trong suốt cuộc trao đổi với PV Dân Việt, "nữ tướng" CDC Hà Nội rất khiêm tốn khi kể về những điều mình và đồng nghiệp đã làm. Bởi với bà, đã lựa chọn công việc này thì phải có "trách nhiệm và tình yêu nghề".

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt của "nữ tướng" CDC Hà Nội - Ảnh 1.

Bà Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Thưa bà, công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Hà Nội có sự đóng góp rất lớn của CDC Hà Nội, đặc biệt là công tác truy vết từ những đợt bùng phát dịch trước đây. Xin bà chia sẻ đôi nét về công việc của bản thân và đồng nghiệp đã làm suốt thời gian qua?

- Ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch Covid 19, tôi đã trực tiếp làm việc tại các khu cách ly tập trung để hướng dẫn vận hành; đồng thời thu thập các vấn đề thực tế để có những đóng góp trong việc xây dựng nội dung hướng dẫn vận hành khu cách ly tập trung và tại nơi cư trú. 

Song song với đó, tôi chủ trì nhóm chuyên môn của Hà Nội, xây dựng tài liệu và hướng dẫn các cơ sở sử dụng phòng hộ cá nhân ngay từ những ngày đầu có dịch. Ngoài ra, tôi phụ trách 5 đội cơ động và 10 quận, huyện trong công tác phòng, chống dịch. 

Bởi vậy, bất kể ngày hay đêm, khi có tin báo ổ dịch mới, chúng tôi lập tức có mặt tại địa bàn, điều tra sơ bộ, xử lý nhanh sau đó làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương về hướng điều tra, xử lý tiếp theo; kiểm tra giám sát, hướng dẫn tại các khu cách ly, điểm chốt. 

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt của "nữ tướng" CDC Hà Nội - Ảnh 2.

Lực lượng y tế truy vết ca nhiễm Covid-19 tại ổ dịch Thanh Xuân Trung hồi tháng 9/2021 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

Cùng với đó, chúng tôi nghiên cứu tài liệu hướng dẫn trong và ngoài nước; họp chỉ đạo chống dịch; tập huấn; đọc phân tích diễn biến từng ca nhiễm, từng ổ dịch để ra hướng xử trí tiếp theo…

Số ca bệnh ngày càng tăng, đồng nghĩa với những khó khăn, vất vả của những cán bộ y tế dự phòng như chúng tôi càng nhiều. Đằng sau mỗi thông báo ca bệnh là sự cố gắng làm việc của cả một tập thể cán bộ, nhân viên y tế dự phòng trong công tác điều tra, truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm…

Là đơn vị đóng vai trò quan trọng đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố, một "cuộc chiến" kéo dài đến hàng năm và vẫn chưa có hồi kết, theo bà, CDC Hà Nội có những vất vả  như thế nào?

- CDC Hà Nội là một tập thể trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Do vậy, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của Trung tâm luôn trong tâm thế sẵn sàng về lực lượng, vật chất, trang thiết bị, các kịch bản ứng phó với dịch bệnh khi cần thiết.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt của "nữ tướng" CDC Hà Nội - Ảnh 3.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan cùng các lãnh đạo phường Việt Hưng, quận Long Biên, kiểm tra công tác phòng dịch tại khu cách ly trong năm 2021. Ảnh: NVCC

Dù xác định trước khó khăn, vất vả kéo dài, nhưng trong thời gian chống dịch, công việc quá nhiều, nhân viên y tế trong hệ thống phòng dịch ai cũng phải làm việc tăng công suất gấp 2-3 lần, cá nhân tôi cũng vậy. Khó khăn, vất vả trong những ngày đại dịch căng thẳng thì khó có thể kể hết. Những ngày làm việc xuyên ngày, đêm, không có ngày nghỉ, không cả có giờ giấc, là chuyện trở lên quá đỗi bình thường.

Không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các cán bộ, nhân viên y tế làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong "trận chiến" chống dịch Covid-19, xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch nhanh chóng và hiệu quả. Vậy nên, trong cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, có không ít cán bộ, nhân viên y tế dự phòng trở thành F1, thậm chí là F0.

Các cán bộ y tế trực tiếp tại làm việc các ổ dịch, cán bộ xét nghiệm, cũng là những người có nguy cơ nhiễm cao nhất. Ai cũng lo bị nhiễm, ai cũng sợ. Nhưng chúng tôi là người có chuyên môn, biết cách phòng hộ nên ít sợ hơn. Vả lại, đã chọn nghề y thì cũng phải chấp nhận rủi ro của nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, với những cán bộ, nhân viên y tế dự phòng công việc chiếm trọn phần lớn thời gian, bởi vậy những ngày Lễ, ngày Tết thường không trọn vẹn bên gia đình, người thân. Thế nhưng, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đã vượt lên trên những khó khăn đặc thù, kể cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh… ngày đêm thầm lặng cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt của "nữ tướng" CDC Hà Nội - Ảnh 4.

Nhân viên y tế thông báo truy vết ca nhiễm tại ổ dịch Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Động lực nào thôi thúc chị luôn cố gắng không ngừng nghỉ, thậm chí hy sinh khoảng thời gian cho riêng mình trong suốt thời gian dài vừa qua?

- Tình yêu thương con người cùng với trách nhiệm nghề nghiệp luôn là những động lực hàng đầu giúp đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế dự phòng như chúng tôi cố gắng hơn trong công việc. 

Thực tế làm việc trong suốt thời gian qua, tôi luôn động viên anh em cố gắng hơn nữa trong công việc, bởi lẽ khi mình cố gắng thêm được bao nhiêu thì sẽ giảm được số ca mắc, số người tử vong vì Covid-19 bấy nhiêu.

Đặc biệt, chính sự sẻ chia, quan tâm động viên bằng cả vật chất và tinh thần của người thân, bạn bè và nhân dân trong thời gian qua, cũng chính là liều thuốc tinh thần giúp đội ngũ nhân viên y tế có thêm động lực chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh.

Trong suốt thời gian chống dịch, đã có nhiều phong trào tiếp sức cho cán bộ y tế. Rất nhiều bạn bè, người thân, thậm chí có những người chưa từng quen biết trước đó đã luôn nhắn tin, điện thoại động viên và luôn hỏi "Có cần gì không, cần gì thì cứ bảo nhé".

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt của "nữ tướng" CDC Hà Nội - Ảnh 5.

Lực lượng y tế không quản ngày đêm truy vết ca nhiễm Covid-19 khi dịch bùng phát. Ảnh: Gia Khiêm

Nhiều suất cơm, gói bánh, hộp sữa, gói cà phê, trái cây; nhiều khi là cân giò hoặc hộp thịt bò và cả các phương tiện phòng hộ cá nhân… được mọi người gửi đến tiếp sức cho chúng tôi. Điều này giúp chúng tôi luôn thấy ấm áp, luôn thấy mình không đơn độc. 

Trong mỗi món quà vật chất đó ngoài chứa đựng tấm chân tình, chúng tôi nghĩ còn có niềm mong mỏi, gửi gắm của bạn bè, của người dân. Họ mong chúng tôi không gục gã, họ dõi theo cán bộ y tế và mong chiến thắng bệnh dịch. Vì thế mà tôi và các đồng nghiệp luôn cố gắng không cho phép mình buông xuôi ngay cả khi đã rất mệt mỏi.

Mặc dù 2 năm qua với chúng tôi luôn là những giấc ngủ chập chờn, những bữa cơm vội, nhưng nhiều lúc tôi vẫn ước một ngày có thể kéo dài ra hơn, bởi tôi nghĩ làm hết việc, không làm hết giờ. Ngày nào người dân còn gặp nguy hiểm thì ngày đó tôi và đồng nghiệp còn sẵn sàng trực chiến và chiến đấu.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt của "nữ tướng" CDC Hà Nội - Ảnh 6.

Bác sĩ Lã Thị Lan thăm, tặng quà các bệnh nhi nhân ngày 1/6 tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Thời gian gần đây khi "mở cửa" thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, dịch Covid-19 số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội đang tăng mạnh. Bà đánh giá thế nào về tình hình dịch bệnh tại Thủ đô?

- Kể từ sau Tết Nguyên đán, ca mắc Covid-19 tăng rất cao, con số công bố chắc chắn không phải con số thực bởi rất nhiều người dân không khai báo y tế hoặc điện thoại nhiều lần cho y tế nhưng không khai báo được nên tự điều trị. 

Do tình hình dịch bệnh giai đoạn trước, người dân hạn chế quá nhiều nên đợt Tết Nguyên đán vừa qua nhiều người đi du lịch, giao lưu, thăm hỏi, về quê, trẻ quay lại trường, thêm nữa người dân đã tiêm vaccine rồi nên tương đối thoải mái, chủ quan… đó là những yếu tố khiến dịch Covid-19 lây lan rất nhanh. Dự đoán dịch bệnh sắp đạt đến đỉnh, chỉ trong thời gian ngắn nữa. 

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt của "nữ tướng" CDC Hà Nội - Ảnh 7.

Bác sĩ Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 cấp cứu cho bệnh nhân nặng, nguy kịch. Ảnh: Gia Khiêm

Nếu số mắc bệnh Covid-19 cao như hiện nay mà người dân chưa được tiêm vaccine thì thực sự là thảm hoạ nhưng rất may Hà Nội đã được tiêm vaccine cho 99,7% người cần tiêm mũi bổ sung. Với mũi nhắc lại, Hà Nội có hơn 4,7 triệu người từ 18 tuổi cần tiêm, trong đó đã tiêm cho gần 3,5 triệu người – tương đương tỷ lệ hơn 72%. Ngoài ra, các bệnh viện Trung ương đã tiêm mũi nhắc lại cho gần 70.000 người nên hầu hết số ca nhiễm là nhẹ.

Bên cạnh đó, người dân đã tiêm vaccine rồi nên không sợ Covid-19 như trước nữa. Tuy nhiên, số người mắc quá đông chắc chắn sẽ quá tải y tế, quá tải cơ sở điều trị bởi giường bệnh, nhân lực y tế chỉ có hạn. 

Hiện nay, các địa phương đều có dịch nên  phải tự lực, chủ động trong dự phòng và điều trị bệnh nhân Covid19, sẽ không có hỗ trợ từ bên ngoài như năm 2020-2021 nữa. Nếu người dân vẫn chủ quan rồi ai cũng trở thành F0 thì thực sự không ổn. 

Chúng ta vẫn có khoảng 2% bệnh nhân sẽ trở nặng, thường gặp ở những người già, người có bệnh nền, người có thể lực không tốt… Nếu số bệnh nhân vào viện quá đông sẽ không đủ giường bệnh, thiếu nhân viên y tế chăm sóc. Khi đó, người bệnh nặng không được chăm sóc kịp thời dẫn đến tử vong.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đặc biệt của "nữ tướng" CDC Hà Nội - Ảnh 8.

Bà Lan - đại diện CDC Hà Nội đưa ra những ý kiến trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời điểm năm 2021. Ảnh: NVCC

Chúng tôi rất mong muốn người dân thực hiện tốt 5K, không chủ quan, hạn chế tụ tập đông người. Giờ nhiều người không sợ đám cưới, đám ma, liên hoan, du lịch… người dân đang muốn trở về trạng thái bình thường, không áp dụng khuyến cáo phòng chống dịch như vậy không nên. Có thể chúng ta cũng sẽ nhiễm Covid-19 nhưng nếu kéo dài đỉnh dịch sẽ giúp hệ thống điều trị không quá tải.

Ví dụ, nếu có 50.000 người nhiễm, trong đó 2% trở nặng thì có 1.000 bệnh nhân nặng nhập viện nhưng nếu số nhiễm tăng lên 200.000 người/trong ngày sẽ có tới 4.000 ca nặng cần nhập viện. Khi ấy chắc chắn sẽ thiếu giường bệnh, máy móc, nhân viên y tế. 

Vì vậy chúng tôi mong người dân không tham gia gia sự kiện liên hoan, du lịch.. không thiết yếu để không mắc bệnh cùng lúc, giảm nguy cơ tử vong. Ai tử vong kể cả người già trẻ đều đau xót. Rất mong những người trẻ ngoài công việc thì hạn chế giao lưu, liên hoan, gặp gỡ….

Có nhiều người nghĩ bị nhiễm Covid-19 rồi chủ quan sẽ không bị lại nữa, bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Những người mới khỏi bệnh Covid-19 khi đi làm trở lại nên thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác thêm 1 thời gian nữa bởi nhiều người vẫn còn mang virus, mặc dù số lượng vi rút thấp và khả năng lây nhiễm thấp nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Thứ 2, người đã nhiễm Covid-19 vẫn có thể tái nhiễm. Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan mình bị rồi không tái nhiễm nữa. 

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, bà có mong mỏi và muốn gửi gắm điều gì tới đồng nghiệp là những nhân viên y tế đang ngày đêm căng sức chống dịch, cứu chữa người bệnh? 

- Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã diễn ra trong suốt hơn 2 năm qua, đã có hàng chục nghìn cán bộ y tế không quản ngày đêm, không quản vất vả, làm việc tăng ca nhằm ngăn chặn đại dịch và chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân. Tất cả họ đều xứng đáng được tôn vinh…

Có thể nói, chúng ta đã vượt qua cơn nguy hiểm của dịch Covid-19. Số nhiễm bệnh ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương tăng cao, tuy nhiên số ca tử vong rất thấp và không gây thảm họa như ở một số địa phương trong giai đoạn trước. Đó chính là phần thưởng lớn nhất trong ngày 27/2 với những người đã tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua.

Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chúc sức khoẻ, tốt đẹp nhất tới tất cả mọi người. Tôi vẫn mong tất cả đồng nghiệp giữ được nhiệt huyết. Trong thời gian qua, tôi được biết cán bộ y tế có rất nhiều tâm tư khi khối lượng công việc rất lớn. Mong hệ thống y tế cơ sở tiếp tục cố gắng, tiếp tục cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, chăm sóc hỗ trợ người dân khi mọi người cần. 

Tôi mong người dân hiểu được nỗi vất vả của y tế cơ sở bởi mỗi Trạm y tế xã phường chỉ có chưa đến 10 người nhưng số lượng F0 quá nhiều, khối lượng công việc họ phải đảm đương là quá lớn. Điều này không tránh khỏi nơi này nơi khác chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. 

Xin trân trọng cảm ơn bà và chúng tôi xin được kính chúc bà luôn có nhiều sức khỏe, trí tuệ và nhiệt huyết để cùng các đồng nghiệp và nhân dân chung tay vượt qua đại dịch. 

Bên cạnh những thành tích nổi bật trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bác sĩ Lã Thị Lan còn làm tốt nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác. Trong đó, bác sĩ Lan còn phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản và phòng, chống bệnh không lấy nhiễm.

Thời gian qua, bác sĩ Lan đã xây dựng các quy định, hướng dẫn và triển khai các biện pháp về thích ứng phòng, chống dịch Covid-19 để giữ ổn định công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đảm bảo người nhiễm HIV, người nghiện ma túy vẫn được duy trì điều trị ARV và methadone trong hoàn cảnh có dịch Covid-19 và giãn cách xã hội.

Với những phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua, bác sĩ Lã Thị Lan đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen từ Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội; nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem