Thông tin từ ra- đa trên tàu cho thấy giàn khoan này di chuyển với vận tốc 5 hải lý/giờ. Lúc này, các tàu Trung Quốc cũng di chuyển theo giàn khoan, trên khu vực chỉ còn lại 5 tàu quân sự, hải cảnh, hải giám.
Trước sự di chuyển của giàn khoan và sự rút lui của các tàu Trung Quốc, các cán bộ, nhân viên trên tàu KN 628 ai cũng rất phấn khởi. Nhiều người trên tàu đã ôm chầm lấy nhau để thể hiện sự vui mừng.
Trưởng tàu KN 628 Hoàng Văn Lâm lúc này đang ở trên đài chỉ huy đã chạy xuống thông báo với các PV khác về sự việc. Nhiều PV đã chạy đến nắm chặt tay các cán bộ, nhân viên kiểm ngư nhằm để chia sẻ niềm vui.
Bữa ăn sáng ngày 16.7 của anh em trên tàu diễn ra rôm rả và kéo dài hơn chứ không còn vội vã như mọi ngày.
Trên biển, lúc này các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam cũng dần kéo về đất liền sau gần 80 ngày căng sức đấu tranh với sự gây hấn của Trung Quốc.
Khi tiếng máy nổ vắng dần, trong ánh đèn của tàu KN 628, chúng tôi thấy những con cá chuồn bay lên khỏi mặt nước như cách chúng thể hiện niềm vui sau những ngày môi trường sống bị quấy nhiễu.
Trên đường trở về đất liền cùng tàu KN 628, chúng tôi bắt gặp lượng lớn tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hối hả đánh bắt trong không khí yên bình. Xung quanh các tàu cá này không còn có sự hiện diện và sự vây ép của những tàu dân sự và quân sự của Trung Quốc.
Đến 10 giờ ngày 17.7, tàu KN 628 đã về tới Đà Nẵng. Ngay khi tàu cập cảng, nhiều người trên đất liền đã chạy đến ôm chặt các cán bộ, nhân viên kiểm ngư với niềm xúc động khó diễn tả thành lời.
Trong cuộc họp báo ngày 16.7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã bày tỏ hoan nghênh việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông, mặt khác cho rằng vụ giàn khoan dầu Hải Dương 981 càng làm rõ sự cần thiết của việc các bên có yêu sách phải làm rõ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của mình theo luật pháp quốc tế nhằm đạt được một sự hiểu biết chung về các hoạt động và hành xử thích hợp tại các vùng biển có tranh chấp.
Bà Psaki cho biết Mỹ muốn vấn đề tranh chấp này được giải quyết bằng con đường ngoại giao và rằng Tuyên bố ứng xử về Biển Đông (DOC), ký kết năm 2002 giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc, phải là văn kiện định hướng cho vấn đề này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.