Nghệ An: Dân miền núi thoát nghèo nhờ quả da trơn, ruột vàng, hột đen

Cảnh Thắng Thứ sáu, ngày 31/08/2018 12:55 PM (GMT+7)
Sau hơn 2 năm triển khai dự án trồng cây chanh leo trên địa bàn các xã miền núi như Nhôn Mai, Tam Hợp, Hữu Khuông, Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An). Cuộc sống người dân nơi đây từng bước khởi sắc, hàng năm cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Mạnh dạn đưa cây chanh leo lên núi

Những ngày nay, trên địa bàn xã miền núi Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) đang vào mùa thu hoạch chanh leo. 

Năm nay, thời tiết ở các xã biên giới huyện Tương Dương không thuận lợi, nhưng cây chanh leo vẫn ra quả xum xuê khiến cho bà con nơi đây vô cùng phấn khởi.

Trao đổi với NTNN/DânViệt ông Và Bá Ca trú tại bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) tâm sự: “Từ khi dự án trồng chanh leo trên địa bàn xã được lãnh đạo huyện quan tâm đưa vào trồng thí điểm. Lúc đầu tôi rất mơ hồ với giống cây này. Tuy nhiên sau một thời gian tìm hiểu tôi đã quyết định mua giống về trồng tại mảnh đất của gia đình,...”

img

Cây chanh leo phát triển tốt ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Cảnh Thắng

“Thời gian đầu do thiếu kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, nên cây sinh trưởng không tốt lắm. Sau thời gian qua tìm hiểu từ cán bộ phòng nông nghiệp huyện và được các anh kỹ thuật bên Công ty cổ phần Nafoods hướng dẫn. Đến nay, cây chanh leo của gia đình phát triển tốt, hàng năm cho quả ổn định. Hiện tại gia đình có gần 3ha chanh leo. Mỗi năm bình quân cho thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng” - ông Và Bá Ca cho biết thêm.

Được biết, tổng diện tích trồng chanh leo của cả xã Nhôn Mai thời điểm năm 2016 chỉ có 3 ha, nhưng đến nay đã mở rộng diện tích lên đến hơn 50 ha, cho thu hoạch từ 500 - 550 tấn, giá trị thu được trên dưới 6 tỷ đồng/năm.

Xóa đói giảm nghèo bền vững

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp Tương Dương cho biết: “Trong năm 2016, Tương Dương đưa vào trồng thử nghiệm 3 ha chanh leo ở xã Nhôn Mai. Dù trồng thí điểm nhưng cây chanh leo phát triển ngoài mong đợi, cho quả trong năm, nên bà con phấn khởi lắm. Đến năm 2017 huyện đã tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn lên đến 53 ha ở các xã Nhôn Mai, Tam Hợp, Hữu Khuông, riêng xã Nhôn Mai người dân trồng lên đến 48 ha ở bản Huồi Cọ và Thăm Thẩm.

Đặc biệt chanh leo ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai luôn đạt từ 12 - 15 tấn/ha. Đáng nói, mức giá tiêu thụ khá ổn định, đạt bình quân 8.000 đồng/kg, bà con thu hoạch đến đâu Công ty Cổ phần Nafoods tiêu thụ hết đến đó.

img

Cây chanh leo của gia đình ông Và Bá Ca trú tại bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An phát triển xanh tốt. Ảnh: Cảnh Thắng

Để phát triển vùng nguyên liệu chanh leo, huyện Tương Dương đã lồng ghép các chương trình dự án hỗ trợ bà con trên 5 tỷ đồng, bao gồm tiền giống, làm giàn, xử lý đất… Cán bộ nông nghiệp, khuyến nông phối hợp với các xã hướng dẫn cho bà con trồng và chăm sóc cây chanh leo.

Với kết quả như vậy, hiện cây chanh leo tại huyện Tương Dương đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình, góp phần giảm nghèo nhanh và chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở các xã biên giới của huyện Tương Dương.

img

Mô hình trồng cây chanh leo giúp xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi Tương Dương. Ảnh: Cảnh Thắng

Trong khi đó trao đổi với NTNN/DânViệt ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay: “Khi phát triển mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn, tôi mừng lắm. Sau hơn 2 năm triển khai, cây chanh leo đã làm thay đổi bộ mặt của bà con miền núi chúng tôi. Hiện nay đang vào mùa thu hoạch chanh leo, uớc tính sản lượng thu hoạch cũng hơn 1.500 đến 2.000 tấn (bình quân từ 13 - 15 tấn/ha) doanh thu trên 20 tỷ đồng. Đặc biệt, việc phát triển cây chanh leo trên địa bàn đã tạo công ăn việc làm mới cho trên 500 lao động tại địa bàn xã Nhôn Mai, Hữu Khuông và có thu nhập bình quân từ 180-250 ngàn đồng/người/ngày.

Tổng diện tích chanh trồng năm 2017 là 55,3 ha, cho thu hoạch tổng sản lượng 643 tấn, giá trị thu được 6.430 triệu đồng, tạo công ăn việc làm mới cho trên 200 lao động tại địa bàn xã Nhôn Mai, Tam Hợp, Hữu Khuông, Mai Sơn và có thu nhập bình quân từ 180-250 ngàn đồng/người/ngày. Đến năm 2018 tổng diện tích chanh leo trồng mới là 73 ha, nâng tổng số chanh leo trên địa bàn huyện lên 128,3 ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem