Nghệ An: Hy hữu "Liệt sĩ" trở về chưa xác nhận được thân phận

Hữu Anh - Xuân Bảy Thứ sáu, ngày 30/01/2015 09:21 AM (GMT+7)
Ông là Nguyễn Chánh Nhường (SN 1949) ở thôn Thuận Nghĩa, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) trở về quê sau 22 năm báo tử. Tuy nhiên, 10 tháng sau ngày trở về, thân phận của ông vẫn chưa được xác nhận và chưa được hưởng các chính sách liên quan.
Bình luận 0

Ngày 28.1, phóng viên NTNN tìm về xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Sau nhiều lần hỏi đường chúng tôi mới tìm gặp được “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường, đang tá túc tại nhà người em trai út là Nguyễn Chánh An ở thôn 19, xã Quỳnh Lâm.

Lang thang giữa rừng thẳm

img“Liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường trở về sau 22 năm báo tử và hiện sống bằng nghề đốt vôi với các anh em. (Ảnh: Hữu Anh)

Điều trớ trêu là mọi thông tin về quá khứ sau 41 năm kể từ ngày ông Nhường khoác ba lô tham gia kháng chiến chống Mỹ và lưu lạc sống sót trở về ông không còn nhớ gì, kể cả tên mình, chiến đấu tại đâu, năm tháng nhập ngũ, cũng như số hiệu đơn vị.

Trò chuyện với chúng tôi trong lúc tỉnh táo, ông Nhường chỉ nhớ được rằng, trong trận đánh ngày 6.4.1973 tại Đoàn 22, cả tiểu đội của ông gồm 6 người bị địch bắt, tra tấn rồi vứt vào rừng sâu. Khi tỉnh dậy, ông không nhớ được đường về nên nhiều năm trời chỉ hái lá cây ăn, múc nước suối uống, cho đến lúc quần áo rách tả tơi. Sau nhiều năm sống trong rừng một mình, ông lạc bước và tự nhiên ra được đường quốc lộ, ai cho gì ăn nấy. May mắn, một nhà xe Bắc- Nam đã nhận ra giọng nói vùng miền và “thả” ông xuống bên đường với bộ quần áo cũ.

 

Kể về người anh trai mới trở về, mắt ông An rơm rớm: “Đó là vào chiều 18.3.2014, chị gái tôi là Nguyễn Thị Thái thấy một người đàn ông ăn mặc rách rưới đứng trước ngõ, mắt nhìn chằm chằm không nói không rằng. Không biết ai nhưng linh tính mách có chuyện gì đó nên chị gọi em gái là Nguyễn Thị Thông đến và chị Thông nhận ra anh trai mình là “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường nhờ nốt ruồi trên cánh tay trái. Ngày anh trở về đoàn tụ, cả gia đình hết sức vui mừng, nhưng đau đớn thay anh Nhường thân tàn ma dại, mất trí nhớ và không còn giấy tờ tùy thân”.

Những lúc tỉnh táo, ông Nhường mới nói được vài câu. Vì vậy mọi thông tin về “liệt sĩ” Nhường chúng tôi được ông Nguyễn Chánh An cung cấp.

Ông An đưa cho chúng tôi xem những giấy tờ của “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường, rồi kể: “Anh Nhường sinh năm 1949, đi bộ đội năm 1972, giấy báo tử ghi đã hy sinh vào ngày 6.4.1973 tại mặt trận phía Nam Quân khu 4. Tuy nhiên mãi đến năm 1992, mẹ tôi là Nguyễn Thị Tiệc (SN 1913) mới nhận được giấy báo tử của anh tôi và nhận được Bằng Tổ quốc ghi công cùng giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ. Từ đó mẹ tôi hưởng phụ cấp mẹ liệt sĩ cho đến năm 2001, mẹ tôi qua đời thì mọi chế độ cắt hết, chỉ còn khoản tiền hương khói thờ cúng liệt sĩ Nhường do anh trai tôi là Nguyễn Chánh Nghiệm nhận”.

Ông Trần Văn Hoè - Trưởng thôn 19, xã Quỳnh Lâm cho biết: “Chuyện “liệt sĩ” Nhường trở về địa phương là có thật, bây giờ ông Nhường không còn nhớ gì nữa nhưng tôi thì còn nhớ rõ từ thời chăn trâu cắt cỏ. Vì vậy, giờ đây thấy hoàn cảnh ông Nhường bơ vơ không vợ con, nhà cửa và chưa được hưởng chế độ gì sau bao nhiêu năm tham gia chiến đấu chúng tôi thương ông đến ứa nước mắt”.

Gian nan ngày trở về

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chánh An nói: “Sau một ngày anh Nhường về chúng tôi đã lên trình báo với xã Quỳnh Lâm và ngày 20.3.2014, chính quyền xã cùng cán bộ quân sự huyện Quỳnh Lưu đã về gặp anh Nhường nắm tình hình, họ nói để làm chế độ cho anh tôi. Tuy nhiên đến nay anh Nhường vẫn chưa có chế độ gì, việc đăng ký hành chính để anh trai tôi tá túc hợp pháp tại địa phương cũng gặp rất nhiều gian nan. Địa phương bảo anh Nhường không nhớ gì và không biết mình từ đâu đến, không có giấy tờ tùy thân nên phải cần xác minh. Kêu mãi, ngày 10.11.2014, anh Nhường mới nhập được hộ khẩu sau 8 tháng trở về địa phương”.

Để rõ hơn trước những thông tin mà người thân “liệt sĩ” Nhường cung cấp, chúng tôi tìm đến các cơ quan chức năng ở tỉnh Nghệ An. Ông Lê Văn Hưng - Phụ trách Xã đội xã Quỳnh Lâm cho biết: “Sau khi nhận được thông tin ông Nhường trở về chúng tôi đã xuống tận gia đình thăm hỏi sức khỏe đồng thời báo cáo sự việc lên Ban chỉ huy quân sự huyện và Phòng Lao động thương binh xã hội. Sau khi ông Nhường trở về xã đã nhập hộ khẩu cho ông, đồng thời hướng dẫn gia đình làm các thủ tục cần thiết khác, tuy nhiên anh em ông Nhường lại muốn nhận chế độ chi trả hàng tháng để ông đỡ vất vả sau này”.

Trao đổi với PV NTNN, thiếu tá Trần Văn Thư - Phụ trách công tác chính sách của Ban chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Lưu cho biết: Theo kê khai của người thân ông Nhường thì ông Nhường chưa đủ thời gian làm chế độ chi trả hàng tháng mà chỉ được nhận trợ cấp 1 lần theo Quyết định 142/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.

“Tuy nhiên gia đình ông Nhường không đồng ý nhận một lần nên đến nay chưa thực hiện được chính sách. Hiện các cơ quan chức năng ở huyện đang tiếp tục xác minh và làm các thủ tục để ông Nhường đỡ thiệt thòi”- Thiếu tá Thư nhấn mạnh.

Khi phóng viên đề cập có hay không việc chậm trễ của địa phương làm chế độ cho “liệt sĩ” Nhường, ông Lê Đức Cường – Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu cho rằng: Đây là trường hợp đặc biệt, vì vậy huyện đã giao cho các cơ quan liên quan về thẩm định cụ thể vì sau khi trở về ông Nhường mất hết trí nhớ. Khi sự việc rõ ràng và đúng là “liệt sĩ” may mắn sống sót trở về thì các cơ quan chức năng phải rà soát lại các chính sách nhà nước để làm hồ sơ cho đối tượng hưởng đúng quy định. “Còn nếu áp dụng chính sách mà thấy anh Nhường có phần thiệt thòi thì huyện sẽ phát động kêu gọi các tổ chức, cá nhân vào cuộc chung sức giúp đỡ anh có cuộc sống ổn định sau này. Tôi thấy đây là hoàn cảnh và là trường hợp quá đặc biệt nên việc huy động sẽ không khó”- ông Cường khẳng định.

Ông Nhường hiện không vợ con, nhà cửa, sống tá túc nhà anh em. Hàng ngày ông ra lò vôi của đứa cháu làm công kiếm tiền sống qua ngày. Ông An cho biết: “Quá thương anh nên mấy anh em đã đi tìm đồng đội của anh Nhường để họ làm chứng. Hiện đã có 4 đồng đội của anh Nhường hứa sẽ đưa anh ra đơn vị ở Hà Giang để chứng nhận. Chúng tôi hi vọng anh sớm được hưởng chính sách dành cho thương binh nặng”
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem