Nghệ An: Món ăn đặc sản đậm chất quê, khó quên làm từ quả vừa thơm vừa xù xì gai góc

Trang Nguyễn Thứ năm, ngày 16/09/2021 14:29 PM (GMT+7)
Ta có thể đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món nhưng không nơi đâu bằng quê nhà, không món nào có sức lay động bằng món ăn đã nuôi dưỡng ta từ ngày còn bé. Vậy nên, dù ở đâu hễ thấy đặc sản Nhút là nhớ về quê hương, nhớ về mảnh đất “nhút mặn cà chua” - xứ Nghệ.
Bình luận 0

Đặc sản Nhút Thanh Chương - Món ăn bình dân mà mang đậm hồn quê Việt

Mít được biết đến là loại quả lành tính, ngọt bùi nhưng cả năm mới có một mùa, nên người dân xứ Nghệ đã nghĩ ra cách muối mít để có mặn ăn quanh năm. Tựa như món dưa muối của người miền Bắc hay món kim chi của người Hàn Quốc, mít muối được người dân địa phương gọi là "Nhút" – một đặc sản xứ Nghệ, một thức quà mà người con xa quê nào cũng thèm được thưởng thức.

Công đoạn làm đặc sản Nhút không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Mít được chọn thường là loại mít bở, quả hơi dài và phẳng cho dễ làm. Đặc biệt, để có nhút ngon, mít phải có vỏ xanh mởn, hơi non hoặc ương ương. 

Sau khi hái từ cây xuống, mít được gọt sạch vỏ gai, làm sạch và đặt vào chiếc nong lớn. Tiếp đến, dùng dao băm thật đều tay rồi thái thành sợi từ ngoài vào trong, sao cho xơ, múi, hạt đều được xắt nhỏ thành sợi dài. 

Thái xong, cho tất cả vào ngâm với nước muối cho đến khi sợi mít hết bầm đen, trắng nõn rồi đem trộn muối, xát cho sợi mít mềm và chất mặn ngấm đều. Cuối cùng, cho mít vào vại (lu) cùng với ớt, sả, gừng cùng một ít gia vị mặn ngọt, rồi dùng phên tre nén chặt lại, dùng viên gạch sạch chặn ở trên để nhút không bị nổi lên mặt nước. Cứ như thế, chỉ vài ngày sau, chúng ta đã có món Nhút đậm đà trong các bữa ăn.

Nghệ An: Món ăn đặc sản đậm chất quê, khó quên được làm từ quả vừa thơm vừa xù xì gai góc - Ảnh 1.

Người dân xứ Nghệ miệt mài làm món đặc sản Nhút. Ảnh: Trang Nguyễn

Chỉ với một quả mít nhưng món đặc sản Nhút lại biến tấu được rất nhiều món ngon. Đơn giản nhất là món nhút vắt khô chấm chẹo lạc – món ăn cực kỳ "đưa cơm" vào những ngày hè oi bức. Vị chua chua, thanh thanh, giòn giòn của nhút, vị bùi bùi của lạc, vị thơm nồng của nắm lộc kinh giới, đủ khiến kẻ xa quê mong ngày được trở về để ăn ngon lành mấy bát liền mà chẳng cần sơn hào hải vị. 

Bên cạnh đó, nhút còn làm nên món nhút nộm, nhút xào, nhút nấu canh lạc, nhút nấu canh cá… Với cách muối mặn, nhút để được lâu, không mất nhiều thời gian chế biến. Vậy nên, trong những ngày lũ lụt thiên tai, vắt nhút trở nên cực kỳ tiện lợi, dễ dàng san sẻ cho hàng xóm láng giềng, giúp mỗi gia đình vượt qua những ngày gian khó. 

Vừa qua, những lúc dịch bệnh căng thẳng, nhút trở thành những món quà nhu yếu phẩm mà bà con Thanh Chương gửi vào miền Nam để hỗ trợ những con em, người lao động đang mắc kẹt. Những hũ đặc sản Nhút chính là tấm lòng, là hương vị tình quê, là cầu nối giữa những con người đồng hương ở mọi miền đất nước. Để rồi, khi nhận được món ăn dân dã của "xứ nóng gió Lào", ai cũng mừng mừng, tủi tủi, nghẹn ngào hai tiếng "quê hương".

Truyền thuyết về sự ra đời đặc sản nhút Thanh Chương hấp dẫn du khách

Tương truyền, sự ra đời của đặc sản Nhút Thanh Chương rằng, ở một vùng quê trù phú thuộc miền núi Trung du xứ Hoan Châu, Âu Lạc có một đại phú ông giàu có nổi tiếng với chín trăm chín mươi chín gian nhà ngói và độc nhất một cô con gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành. 

Ai nấy đều muốn cưới nàng làm vợ nhưng không một ai lọt vào mắt xanh của nàng. Một lần, nàng và người hầu ra bờ sông chơi không may bị trượt chân ngã xuống dòng sông Lam. Nghe tiếng kêu cứu, một chàng thanh niên vạm vỡ, làm rẫy ở gần đó đã nhảy xuống vật lộn với dòng nước hung dữ, cứu nàng thoát khỏi tử thần. 

Cảm mến trước tình cảm và sự ân cần của chàng trai, nàng đã đem lòng yêu và hứa sẽ quay lại tìm chàng. Phú ông nghe chuyện liền sai người đi điều tra thì được biết chàng trai này tên là Nhút, sống bằng nghề trồng rau. 

Vì không môn đăng hộ đối, phú ông cấm con gái không được đi ra ngoài, song cô đã bỏ cuộc sống nhung lụa để đến một vùng đất khác cùng chàng trai lập nghiệp. Một ngày, chàng lên núi hái mít rừng, nàng ở nhà luộc mít và thử muối dưa mít. 

Do khí hậu khắc nghiệt, họ cẩn thận chôn những hũ mít dưới đất để tránh cái nóng. Đến ngày dưa mít chín, họ bất ngờ vì mùi thơm ngon của nó. Chàng Nhút quyết định mang về miền xuôi bán lấy gạo. Vì món ăn lạ nên chỉ một thời gian ngắn chàng đã bán hết, người dân ưa thích món dưa mít và chen chúc nhau hỏi quý danh thì chàng đáp tên là Nhút. Từ đó, món dưa mít dân dã được dân gian lưu truyền gọi là Nhút.

Nghệ An: Món ăn đặc sản đậm chất quê, khó quên được làm từ quả vừa thơm vừa xù xì gai góc - Ảnh 2.

Những dòng chữ nhắn gửi đầy yêu thương của bà con xã Thanh Chi - Thanh Chương gửi miền Nam Ảnh: Trang Nguyễn

Nghệ An: Món ăn đặc sản đậm chất quê, khó quên được làm từ quả vừa thơm vừa xù xì gai góc - Ảnh 3.

Những hũ nhút sau khi chế biến, được bà con xã Thanh Chi - Thanh Chương đóng gói cẩn thận để hỗ trợ đồng bào miền Trung trong tâm dịch. Ảnh: Trang Nguyễn

Người dân xứ Nghệ vẫn thường hò những câu hát thân thương:

"Ngái ngôi chi mà anh nỏ về

Hay là vì quê em nghèo đói

Hay anh chê em vụng về câu nói

Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà".

Con người xứ Nghệ là thế, mộc mạc mà chân tình, giản đơn mà sâu sắc như chính những điều họ tạo nên. Để rồi, ai đã "lỡ" ghé qua xứ Nghệ một lần, "lỡ" thưởng thức đặc sản Nhút Thanh Chương đều vấn vương một thứ tình cảm nhớ nhung, hẹn một ngày gặp lại.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem