Chị Mai cho biết mình mắc bệnh u giáp cách đây ba năm, uống thuốc một thời gian thì u nhỏ lại. Gần đây, chị thấy u to ra và lại đang cho con bú, sợ việc uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến con nên chị tìm một giải pháp khả dĩ để giải quyết.
Phẫu thuật ẩn chứa nhiều rủi ro, vì thế bệnh nhân đừng vội nghe bác sĩ cò mà cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi chọn cơ sở điều trị.
“Bác sĩ khám nói u giáp đơn nhân của tôi có thể mổ được, nhưng nên ra một bệnh viện tư ở Bình Tân để mổ, vì ở đó chi phí vừa rẻ lại vừa sạch sẽ, do cơ sở 2 của bệnh viện Đ. đang thời gian sửa chữa, khó bảo đảm vô trùng. Bác sĩ cam đoan cơ sở vật chất, trang thiết bị ở bệnh viện tư không khác gì bệnh viện công ông đang làm. Tôi không dám theo tiếp vì thấy có chuyện gì đó kỳ kỳ”, chị Mai nói.
Bác sĩ bệnh viện công “móc” bệnh nhân ra ngoài mổ tư không phải là chuyện mới. Bác sĩ thường đánh vào tâm lý bệnh nhân ngán ngại vì danh sách chờ mổ trong bệnh viện công quá dài; không an tâm vì cơ sở vật chất bệnh viện công xuống cấp, quá tải… chỉ cần gợi ý là không ít bệnh nhân gật đầu ưng thuận. Thật ra khi mổ ngoài bác sĩ cũng có nhiều tiền hơn, vì mổ thù lao phẫu thuật viên ở bệnh viện công đã được Nhà nước quy định.
Nhưng mổ ở bệnh viện tư có hơn gì bệnh viện công không? Khó so sánh, tuy nhiên theo bác sĩ T., chuyên ngành phẫu thuật lồng ngực, cơ sở vật chất hai bên không khác nhau bao nhiêu, nhưng mổ ở bệnh viện tư ẩn chứa nhiều rủi ro hơn bệnh viện công.
Bác sĩ này nói: “Mổ ở bệnh viện tư nếu có sự cố bệnh nhân khó được giải quyết tốt, vì trang thiết bị cấp cứu ở đây thường không đầy đủ, tay nghề và kinh nghiệm xử lý của bác sĩ không bằng bác sĩ bệnh viện công do họ ít cấp cứu ca khó. Và nhất là bệnh viện tư không đủ chuyên khoa để xử trí những trường hợp phức tạp cần phối hợp nhiều chuyên khoa”.
Cách đây bảy năm, một cô gái 27 tuổi đã “chết oan” khi được một bác sĩ làm việc ở bệnh viện công “tư vấn” mổ cột sống ở bệnh viện tư. X. (tên cô gái đã thay đổi) làm thư ký văn phòng, do ngồi nhiều nên cô hay đau lưng. Đến khám phòng mạch một bác sĩ làm việc ở một bệnh viện công, X. được biết mình bị thoát vị đĩa đệm và cần phải phẫu thuật. Bác sĩ hẹn X. ra mổ ở một bệnh viện tư, dù cô muốn vào mổ ở bệnh viện công cho an toàn.
Do bác sĩ bận làm phòng mạch nên ca mổ diễn ra lúc 11 giờ khuya. Trong lúc gây mê, X. bị sự cố nhưng bệnh viện này lại không có thuốc cấp cứu. Khi nhân viên chạy qua bệnh viện bạn lấy được thuốc về thì X. đã… tử vong.
Đụng đến dao kéo là nguy cơ tử vong hoàn toàn có thể xảy ra, dù đó là những ca phẫu thuật thường quy đơn giản. Một nghiên cứu tại châu Âu vào năm 2004, cho thấy trong 33.000 ca trẻ em cắt amiđan – phẫu thuật đơn giản như cắt ruột thừa, mổ sanh – có 1,3% bệnh nhân xuất viện trễ hoặc phải nhập viện trong vòng 28 ngày sau phẫu thuật vì biến chứng, tám bệnh nhân phải truyền máu và một bệnh nhân tử vong.
Phẫu thuật tuyến giáp tưởng như là một dạng can thiệp an toàn, nhưng một khảo sát công bố trên PubMed vào năm 2015, cho thấy trong 30.495 ca mổ tuyến giáp có 20 ca tử vong, chiếm 0,065%, một tỷ lệ nhỏ nhoi nhưng cũng phải lưu ý.
Bác sĩ T., người đề cập ở trên, cho biết thông thường khi “cò” bệnh nhân từ bệnh viện công ra ngoài mổ, các bác sĩ thường đưa ra nhiều thông tin tích cực về bệnh viện tư nhân để trấn an bệnh nhân, nhưng phải là người trong cuộc mới biết sự thật như thế nào.
Ông khuyên: “Ngoại trừ trường hợp cấp cứu, còn lại những ca mổ không có tính cấp bách, khi nhận được lời đề nghị mổ ở bệnh viện này hay bệnh viện kia, bệnh nhân không nên vội vàng nghe lời bác sĩ mà nên tham khảo ý kiến của những người có kiến thức về chuyên ngành trước khi có quyết định sau cùng”.
Thực tế thì việc chia sẻ bệnh nhân phẫu thuật giữa các bệnh viện công – tư đã giúp giảm tải được rất nhiều cho bệnh viện công, mang lại sự hài lòng cho nhiều bệnh nhân, vì dù nói gì đi nữa thì dịch vụ chăm sóc ở bệnh viện tư luôn là một điểm sáng. Nhưng sự hợp tác chia sẻ này phải được thoả thuận chính thức giữa các bệnh viện với nhau, minh bạch thông tin rõ ràng, trên hết nhằm bảo vệ bệnh nhân lẫn bác sĩ.
Bác sĩ S., chuyên ngành sản phụ khoa, người từng có thời gian “móc” bệnh nhân ra ngoài mổ tư, nói: “Kiểu “đánh sô” như thế mang lại thu nhập đáng kể nhưng rủi ro cũng rất lớn, vì khi có chuyện bệnh viện tư từ chối mọi trách nhiệm để bác sĩ và bệnh nhân tự giải quyết”.
bài, ảnh Châu Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.