Nghề truyền thống của người Thái Đen ở bản Hùn toàn đàn ông làm, giỏi hơn phụ nữ

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh Thứ năm, ngày 11/08/2022 13:03 PM (GMT+7)
Nghề đan lát của người Thái ở bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) đã có từ rất lâu đời, đến nay người dân vẫn còn lưu giữ nghề truyền thống này. Không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, nghề đan lát vừa cải thiện đời sống, vừa góp phần bảo vệ môi trường"
Bình luận 0

Clip: Nghề đan lát của người Thái Đen ở bản Hùn

Lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc Thái đen

Sau hơn 20 phút đi xe máy, từ thành phố Sơn La dọc theo QL6, chúng tôi tìm đến bàn Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) nằm lỏm thỏm dưới thung lũng. 

Hai bên là những dãy núi đã cao, lưng chừng đồi là những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nằm xen kẽ trong những nương cà phê và vườn cây ăn quả. Ở giữa bản là cánh đồng lúa xanh mơn mởn chuẩn bị lên đòng.

Bản Hùn là một trong số ít bản bản người Thái còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo của thành phố Sơn La. Cùng với ẩm thực, trang phục độc đáo hay những điệu múa xao xuyến lòng người thì nghề đan lát truyền thống của người Thái cũng đang được bà con nơi đây lưu giữ đến ngày nay, tạo nên những nét đặc sắc riêng biệt của vùng đất này.

Nghề đan lát của người Thái Đen ở bản Hùn       - Ảnh 3.

Bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) là một trong số ít bản bản người Thái con lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo. Ảnh: Nguyễn Vinh

Theo lời giới thiệu của cán bộ Văn hóa xã Chiềng Cọ, chúng tôi đến nhà ông Tòng Văn Hặc, bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) trong ngôi nhà sàn kiên cố, vững chãi của gia đình ông có nhiều vật dụng được đan lát thủ công, từ cái mâm cơm, cái ếp mà các chị, các mẹ hay đeo bên sườn khi đi làm nương, làm ruộng, chiếc đó bắt cá, rổ, rá, sọt đựng nông sản trên nương... Tất cả những đồ dùng này là do tự tay ông Hặc làm để phục vụ gia đình, không mất tiền mua.

Năm nay ông Hạc đã gần 80 tuổi, thế nhưng đôi bàn tay thô rát của ông thoăn thoắt với những sợi lạt mỏng, mịn hoàn thiện đôi gùi để chuẩn bị cho việc thu hoạch ngô trên nương vụ tới. Ông Hặc tâm sự: Việc đan lát là việc của đàn ông, do đó, từ bé tôi đã được bố, mẹ dạy cho cách đan những vật dụng trong gia đình, hầu hết các vật dụng từ đơn giản đến phức tạp thì tôi đều biết đan và đan rất đẹp.

Nghề đan lát của người Thái Đen ở bản Hùn       - Ảnh 4.

Nghề đan lát của người Thái Đen ở bản Hùn       - Ảnh 5.

Ông Tòng Văn Hặc, ban Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) duy trì nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Nguyễn Vinh

"Những nguyên liệu để thực hiện từng sản phẩm hầu như sẵn có trong tự nhiên: mây, tre, nứa… Tuy vậy việc lựa chọn nguyên liệu cần kỹ càng: tre, nứa đã già, ống cây phải thẳng. Sau khi mang về nhà, tre không nên để lâu (tránh mọt, khô sẽ khó chẻ), được cắt khúc từng đoạn, sau đó chẻ nan và vót tre làm sao phù hợp với từng loại sản phẩm. Các nan tre được chẻ và vót khá đều nhau, trước khi đan thường được ngâm nước để tăng độ dẻo. Kỹ thuật đan của đồng bào Thái khá đa dạng: ô vuông, ngang, dọc, đan bắt chéo…", ông Hặc nói.

Mỗi sản phẩm muốn bền đẹp phải mất ít nhất vài ba ngày, thậm chí những sản phẩm phức tạp có khi mất cả tháng trời. Sau khi hoàn thiện, được gác trên bếp để hun khói, giúp đồ vật bền hơn, tránh mối mọt.

Nghề đan lát của người Thái Đen ở bản Hùn       - Ảnh 6.

Để đan được những vật dụng dùng trong gia đình như gùi, rổ, rá, mâm, ghế, ếp, đó, nơm đều cần phải rất công phu, tỷ mỉ. Ảnh: Nguyễn Vinh

Theo ông Hặc, trong các sản phẩm đan lát của người Thái thì pán khảu (mâm cơm) được cho là một trong những sản phẩm đặc trưng nhất. Bởi đối với đồng bào Thái, chiếc mâm cơm không chỉ là đồ đựng vật dụng thuần túy, thể hiện óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo của người đàn ông, dụng để thức ăn, thì pán khảu (mâm cơm) còn dùng để đựng các lễ vật, đồ cúng tổ tiên, ông bà.

Để hoàn thiện sản phẩm này, phải mất hơn một tháng. Mâm thường có 3 phần, mặt, vành và chân mâm được cố kết chặt chẽ. Mặt mâm có hình tròn, đây là phần khó thực hiện nhất, các nan dùng để đan mặt mâm phải được chẻ đều, vót mịn, se đều tay để khi uốn các nan thành hình hoa văn thì mặt mâm vẫn mịn, khít, đẹp. 

Phần thứ 2 là vành mâm được đan bằng dây mây, việc đan vành mâm tương đối khó bởi đây là phần để giữ cho các nan không bị xô khi sử dụng và nhất là an toàn cho người dùng song phải tạo được nét mềm mại, thẩm mỹ. Do đó, vành mâm thường được bà con đan theo kiểu vắt nan bắt chéo đều nhau thành hình đuôi sam chạy vòng quanh hình vành nón.  

Cuối cùng là chân mâm, để làm chân mâm vững chắc cần chọn những nan tre già, thường là phần ở gốc cây tre, chẻ thành nan có chiều rộng đều nhau, chiều cao khoảng 20-30 cm. Sau đó dùng dây mây đan chéo các nan tre lại với nhau tạo thành hình hoa văn 4 cánh. Để hoàn thiện một chiếc mâm thì ngoài khâu chuẩn bị vật liệu cũng phải mất khoảng 5 ngày đến 1 tuần mới đan xong. Tuổi thọ của mâm tùy thuộc vào chất lượng nguyên vật liệu và tay nghề của người đan, có những chiếc mâm sử dụng được trên 20 năm, thậm chí lâu hơn thế.

Nghề đan lát của người Thái Đen ở bản Hùn       - Ảnh 7.

Mâm cơm của người Thái đen được đan từ tre và mây. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nghề đan lát giúp người dân có thêm thu nhập

Theo Trưởng bản Hùn, ông Tòng Văn Yên cho biết: Bản hiện có hơn 120 hộ, 100% là người Thái, chủ yếu làm nông nghiệp, chính vì vậy những sản phẩm đan lát là những đồ dùng không thể thiếu trong mỗi gia đình, vị những đồ dùng này phục vụ bữa ăn, vật dụng để đựng đồ lên nương, đến những chiếc vụng, chiếc gùi để đựng thóc, gạo, ngô sán trên nương.

"Nghề đan lát là nghề truyền thống lâu đời của người Thái nơi đây, để đan được những vật dụng dùng trong gia đình như gùi, rổ, rá, mâm, ghế, đó, nơm được đan rất công phu, tỷ mỉ. 

Để có sản phẩm đan lát đẹp, bền thì việc chọn nguyên liệu rất quan trọng, cần kỹ càng, tuy sẵn có nhưng phải biết lấy những cây tre, nứa, giang không già quá, không quá non, không cụt ngọn, khi mang về nhà cũng không để lâu quá vì cây khô, mọt sẽ khó chẻ nan và cũng không giữ được độ dẻo thích hợp, khi uốn nan dễ bị gẫy". ông Yên cho hay.

Nghề đan lát của người Thái Đen ở bản Hùn       - Ảnh 9.

Hiện nay tại bản Hùn, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) con nhiều người lưu giữ nghề đan lát. Ảnh: Nguyễn Vinh

Hiện bản Hùn có khoảng gần 10 thợ đan giỏi, trung bình mỗi năm một thợ đan được 50-60 sản phẩm đan lát. Nghề đan lát truyền thống không chỉ giúp đồng bào dân tộc Thái giữ được bản sắc dân tộc, mà còn giúp bà con có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Đặc biệt hiện nay việc sử dụng những sản phẩm từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, nhằm hạn chế sử dụng các loại rác thải nhựa, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường.

Nghề đan lát của người Thái Đen ở bản Hùn       - Ảnh 10.

Nghề đan lát của người Thái Đen ở bản Hùn       - Ảnh 11.

Nghề đan lát của người Thái Đen ở bản Hùn       - Ảnh 12.

Sau khi đan xong các vật dụng, bà con thường gác lên trên bếp để hun khói khoảng 1 tháng để giữ cho đồ dùng bền. hơn. Ảnh: Nguyễn Vinh

"Những sản phẩm là vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày không chỉ được bà con trong bản sử dụng, mà người dân ở các bản làng khác cũng tìm đến mua ngày nhiều hơn. Bởi không chỉ bền, đẹp mà do ý thức của bà con đã được nâng cao trong việc hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, nylon, vật dụng khó phân hủy. Nhờ thế, nghề đan lát đã giúp đồng bào có nguồn thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, giúp đồng bào trang trải cuộc sống hằng ngày.

Nghề đan lát truyền thống không chỉ giúp đồng bào dân tộc Thái giữ được bản sắc dân tộc, góp phần có thêm thu nhập cải thiện đời sống, mà quan trọng hơn là với việc sử dụng những sản phẩm được tạo ra từ những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên, dễ phân hủy, góp phần gìn giữ môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem