Lu Đi là dưa chuột đặc sản của người Mông vùng cao Sơn La, cắn vài miếng, tan cả nắng nóng

Mùa Xuân Chủ nhật, ngày 03/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi về bản Co Mạ (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) khi những trái Lu Đi (một loại dưa chuột trái to hơn nhiều so với dưa chuột thường) trên nương vào mùa thu hoạch. Loại trái đặc sản này đã giúp rất nhiều hộ người Mông nơi đây thoát nghèo, làm giàu.
Bình luận 0

Clip: Dưa chuột khổng lồ của đồng bào Mông ở bản vùng cao Sơn La vào vụ thu hoạch.

Giống dưa chuột khổng lồ bản địa mang tên Lu Đi có từ bao giờ?

Bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu có 93 hộ, với hơn 96% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đặc thù là bản vùng núi cao, đất đồi dốc, thiếu nguồn nước để canh tác lúa ruộng nên việc trồng lúa trên nương của đồng bào Mông bản vùng cao Co Mạ đã trở thành nét đẹp văn hóa của bà con người Mông.

Khi vào vụ gieo trồng trên nương, ngoài cây trồng chính là cây lúa, người Mông còn trồng thêm cây mía (tiếng Mông gọi là cúa dua), mướp đắng và đặc biệt không thể thiếu loại dưa Lu Đi bản địa.

 Dưa ngọt, vị mát đậm đà của người Mông ở vùng cao Sơn La - Ảnh 2.

Dưa chuột khổng lồ được đồng bào Mông trồng trên nương từ tháng 4 và bắt đầu cho thu hoạch vào đầu tháng 7. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Và Sái Di, năm nay đã ngoài 80 tuổi cho hay: Trước đây, không có chợ búa, không có xe cộ, đường giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống của bà con vùng cao vất vả lắm, bữa đói, bữa no, vào mùa dưa như này có quả dưa ăn cùng với mèn mén thôi.

Dưa của người Mông là giống dưa đặc sản có từ bao đời nay cùng họ với loại dưa leo nhưng quả to gấp nhiều lần, quả dưa có đặc tính: cùi dày, đặc ruột, ăn giòn ngọt, có vị mát đậm đà hơn dưa chuột.

Giống dưa bản địa này bà con người Mông tự bảo quản giống. Hằng năm vào tháng 3, sau khi cày cuốc xong đất tơi xốp, người Mông lại bắt đầu vào vụ gieo trồng cây lương thực trên nương, trồng xen với đó là dưa.

 Dưa ngọt, vị mát đậm đà của người Mông ở vùng cao Sơn La - Ảnh 3.

Dưa chuột khổng lồ của người Mông có màu xanh trắng ngon, giòn, mát được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Mùa Xuân.

Dưa chuột khổng lồ rất dễ trồng và chăm sóc, phù hợp với khí hậu lạnh, đất ẩm, được người Mông gieo hạt, trồng xen canh với lúa từ tháng 3, tháng 4 hàng năm. Đến tháng 7, khi những trận mưa nặng hạt, cây dưa như được tưới thêm nước và phát triển tốt tươi, ra hoa, đậu quả cũng là thời điểm dưa bắt đầu cho thu hoạch; thời gian thu hoạch thường kéo dài đến tháng 9.

Dưa được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi giống cây này được người Mông trồng tự nhiên, xen canh với lúa nương, cây bò tự nhiên trên mặt đất, các mỏm đá không phải làm giàn leo như dưa chuột.

 Dưa ngọt, vị mát đậm đà của người Mông ở vùng cao Sơn La - Ảnh 4.

Dưa được đồng bào Mông bản vùng cao Co Mạ hái trên nương về để bán cho thương lái. Ảnh: Mùa Xuân.

Dưa người Mông trồng rất dễ, không phải bón phân, không phun thuốc, không tưới nước… cho năng suất cao. Dưa có màu xanh trắng, trắng, vàng, vỏ trơn bóng, có kích thước từ 10 - 20 cm, trung bình một quả nặng từ 0,5 - 1 kg.

Đồng bào Mông trồng dưa chuột khổng lồ để tăng thu nhập

Ông Và Sìa Pó, bản Co Mạ, kể: Không biết dưa của người Mông có từ bao giờ, khi lớn lên, tôi theo bố mẹ lên nương rẫy cứ vào tháng 7 là có quả dưa để ăn. Trước đây, gia đình tôi trồng dưa chủ yếu là để phục vụ cuộc sống sinh hoạt trong gia đình.

 Dưa ngọt, vị mát đậm đà của người Mông ở vùng cao Sơn La - Ảnh 5.

Trung bình một quả nặng gần từ 0,5 - 1 kg. Ảnh: Mùa Xuân.

Bây giờ thì khác rồi, có đường giao thông đi lại thuận tiện, loại dưa này ngày càng được nhiều người biết đến nên nhiều thương lái từ huyện, thành phố lên thu mua tận nhà. Do vậy, mấy năm gần đây gia đình tôi đã trồng thêm nhiều dưa để bán, có thêm thu nhập thời vụ.

 Dưa ngọt, vị mát đậm đà của người Mông ở vùng cao Sơn La - Ảnh 6.

Hình ảnh lù cở đựng đầy những quả dưa trở nên quen thuộc, gần gũi với bà con người Mông vùng cao. Ảnh: Mùa Xuân.

"Năm nay, gia đình tôi trồng gần 3.000 m2 lúa nương xen dưa, hiện gia đình đã thu được hơn 1 tạ quả, bán đổ, với giá 10 nghìn đồng/kg, còn loại dưa xanh, non thì bán với giá 20 nghìn đồng/kg. Dự kiến hết vụ, gia đình tôi sẽ bán được hơn 1 tấn dưa" - Ông Pó nói.

Còn chị Giàng Thị Dếnh, bản Co Mạ, năm nay cũng trồng được 2.000 mdưa xen cây lúa trên nương từ tháng 4, thời điểm này đang vào mùa mưa nên dưa lớn nhanh, hiện gia đình chị đang thu hoạch để bán cho thương lái.

 Dưa ngọt, vị mát đậm đà của người Mông ở vùng cao Sơn La - Ảnh 7.

Dưa của đồng bào Mông vùng cao có nhiều màu sắc khác nhau, như xanh, vàng, trắng bóng... Ảnh: Mùa Xuân.

Trước đây, khi cuộc sống người dân còn khó khăn, dưa chỉ được người Mông trồng để phục vụ nhu cầu trong gia đình. 

Ngày nay, khi cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên, giao thông đi lại thuận tiện dưa đã trở dần thành hàng hóa được trao đổi mua bán trên thị trường mang lại thêm thu nhập thời vụ cho người dân vùng cao nơi đây.

 Dưa ngọt, vị mát đậm đà của người Mông ở vùng cao Sơn La - Ảnh 8.

Khi quả dưa chuột khổng lồ mang tên Lu Đi già sẽ chuyển sang màu vàng óng, với nhiều vết nhăn, đây cũng là lúc đồng bào Mông bổ quả dưa ra để lấy hạt bảo quản trồng cho vụ sau. Ảnh: Mùa Xuân.

Trồng dưa không chỉ giúp mang lại thêm thu nhập thời vụ cho bà con mà còn góp phần duy trì, bảo tồn giống dưa bản địa một trong những đặc sản riêng chỉ có ở vùng cao Sơn La.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem