Chợ heo Bà Rén không đơn thuần chỉ là chợ buôn bán heo mà còn gắn với phận đời của những người phụ nữ làm công việc đặc biệt nơi đây.
Chợ heo Bà Rén có lịch sử hơn nửa thế kỷ
Được hình thành từ trước những năm 1970, chợ heo Bà Rén gắn với phận đời của những người phụ nữ làm cái nghề có một không hai, đó là nghề bồng heo.
Khoảng 6 giờ sáng hằng ngày, khi những chiếc xe cub đời cũ chở theo những chiếc rọ, sọt đựng heo từ khắp nơi đổ về chợ Bà Rén cũng là lúc bắt đầu công việc của bà Trần Thị Thảo (57 tuổi; thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1). Bà Thảo quê ở một tỉnh tại miền Bắc. Mấy chục năm trước, người con gái tuổi đôi mươi ấy phải lòng chàng trai xứ Quảng ra Bắc tập kết nên đã theo ông vào Quảng Nam sinh sống.
Bà Trần Thị Thảo có thâm niên 31 năm làm nghề bồng heo
Kể từ đó, cuộc đời bà gắn với những chú heo ở chợ Bà Rén này. Cũng vì gốc gác và giọng nói khác người địa phương nên bà Thảo được mọi người biết đến với cái tên "bà Bắc bồng heo". Bà Thảo cũng là người gắn bó với nghề bồng heo lâu nhất tại Bà Rén với ngót nghét 31 năm.
Công việc của bà hằng ngày là bồng heo thuê cho những chủ buôn. Thường là bồng từ sọt hàng của người bán cho người mua, có khi bồng heo đưa lên cân trọng lượng hoặc bồng heo lên để người mua ngắm nghía, kiểm tra xem vừa ý chưa rồi mới mang về.
Chứng kiến bà Thảo làm việc mới thấy hết sự vất vả của cái nghề có cái tên rất lạ này. Suốt phiên chợ kéo dài gần 4 giờ, bà Thảo mồ hôi nhễ nhại di chuyển như con thoi từ chỗ này qua chỗ khác để cố gắng bồng được nhiều heo kiếm thêm thu nhập cũng như muốn công việc của mọi người được diễn ra trôi chảy hơn.
Bà Thảo nói rằng đã mười mấy năm nay, mọi thứ xung quanh thay đổi nhiều nhưng dường như giá bồng heo vẫn giữ nguyên. Theo đó, giá bồng mỗi con heo từ loại nhỏ nhất đến 20 kg chỉ được 500 đồng, những con heo lớn tầm 30 kg mới được từ 1.000 đến 2.000 đồng.
Chính vì vậy, dù vất vả cả buổi sáng nhưng mỗi ngày bà Thảo chỉ kiếm được từ 70.000 đến 80.000 đồng. "Tuy nghề này vất vả, thu nhập không cao nhưng cũng nhờ vào nó để có đồng ra đồng vào chi tiêu hằng ngày. Xong phiên chợ, tôi phải về nhà làm công việc đồng áng phụ giúp chồng chứ chỉ nhờ vào nghề này sao nuôi được các con ăn học" – bà Thảo chia sẻ.
Chợ heo Bà Rén tấp nập kẻ bán người mua
Cũng theo bà Thảo, vì công việc vất vả, thu nhập thấp nên trước đây có hơn 10 người làm nghề bồng heo thì nay chỉ còn 4-5 người gắn bó với nghề. Ở chợ Bà Rén hiện nay, ngoài bà Thảo còn có những phụ nữ làm nghề bồng heo như chị T., chị H., bà Q, bà P.
Họ có những hoàn cảnh, thân phận khác nhau nhưng đã gắn cả một quãng đời dài với chợ heo Bà Rén. Dù biết nghề mình làm không mấy cao sang, thu nhập không cao nhưng họ vẫn luôn vui vẻ với công việc hằng ngày. Chính những người phụ nữ này đang góp một phần công sức tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng của cộng đồng người dân xứ Quảng...
Bước chân vào chợ sẽ gặp ngay hình ảnh những chú heo eng éc, ụt ịt đủ các loại.
Chợ heo ở đây mua bán rất nhanh chóng, người buôn heo mua heo từ những người dân ở các vùng xung quanh đem đến hay của các lái buôn sau đó gom hàng, bán lại cho các lái buôn khác.
Cùng xem hình ảnh chị em rón rén bồng heo:
Chuyện kể rằng, sở dĩ có cái tên Bà Rén là bởi trước đây ở bên sông của làng có bà tên Rén chèo đò. Khách sang sông hễ cứ đến bến đò gọi tên bà là bà đi sang ngay dù cho trời sáng hay tối, mưa hay nắng. Sau khi bà mất, người dân vùng này lấy tên bà đặt tên cho làng, nay trở thành thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1.
Những chú heo trong chợ heo này có khi được chuyền qua tay mấy bà chủ rồi mới được các lái buôn đưa lên xe vào Nam ra Bắc hoặc tỏa lại về các chợ quê khác của xứ Quảng để bán. Nghề bồng heo cũng hình thành từ đó...
Công việc của bà Trần Thị Thảo bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng hằng ngày
Công việc vất vả, nặng nhọc
Mỗi ngày, bà Thảo chỉ kiếm được tầm 70.000 - 80.000 đồng
Vất vả, thu nhập thấp nhưng bà Thảo gắn bó với nghề đã 31 năm nay
Tại chợ Bà Rén hiện nay có 4-5 phụ nữ làm nghề bồng heo như bà Thảo
Trần Thường (Người Lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.