Nhờ sử dụng phương pháp sản xuất muối kết tinh trên nền bạt, nghề muối Cần Giờ đã hoạt động hiệu quả trong những năm qua, khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Nghề sản xuất muối tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) là nghề nông thôn được TP.HCM bảo tồn và phát triển trong giai đoạn 2022-2025. Diêm dân tại đây đã thay đổi cách sản xuất so với truyền thống, đem lại năng suất muối cao hơn.
Trước đây, phương pháp sản xuất muối theo dạng cổ truyền là lấy nước biển phơi nắng qua nhiều khuôn, rồi kết tinh. Độ mặn của nước biển được sử dụng từ 1-2,5 bé (1 bé tương đương 12‰), phơi nước biển đến khi cô đặc lại, độ mặn đạt 23 bé thì đưa vào kết tinh vào mùa nắng.
Nghề muối Cần Giờ khá lên nhờ sản xuất muối bằng phương thức kết tinh trên nền bạt. Ảnh: A.H
Sản phẩm chính là muối thô, năng suất và chất lượng thấp hơn các địa phương khác, bình quân từ 40-60 tấn/ha. Giá bán muối cũng thấp do muối chất lượng không cao. Tuy nhiên, đây là ngành nghề truyền thống lâu đời đã giải quyết một phần nào lực lượng lao động tại địa phương.
Nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho hạt muối Cần Giờ, hiện nay, diêm dân huyện Cần Giờ đã chuyển sản sản xuất muối bằng phương thức muối kết tinh trên nền bạt. Theo UBND xã Lý Nhơn (địa phương sản xuất muối lớn nhất huyện Cần Giờ), việc sản xuất muối trên ruộng trải bạt sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, dễ tiêu thụ và có giá trị cao. Năng suất bình quân đạt 70-80 tấn/ha; chất lượng hạt muối sạch, đều và đẹp.
Ông Phạm Văn Hồng Hà (ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM) là diêm dân làm muối có thâm niên ở Cần Giờ. Ông được biết đến là người có tay nghề, kinh nghiệm trong việc sản xuất muối. Nhưng những năm qua, thay vì sản xuất muối truyền thống, ông đã chuyển sang sản xuất muối trải bạt giúp tăng chất lượng và năng suất muối lên 3-4 lần.
Hiện nay, ông Hà có 3,5ha diện tích muối kết tinh trên bạt, lợi nhuận thu được khoảng 200-250 triệu/ha. Muối hạt kết tinh trên bạt có chất lượng cao hơn, hạt muối sạch hơn.
Ông Hà cho biết, từ lúc đưa nước vào khuôn chứa đến lần thu muối đầu tiên là 1 tháng. Sau đó, người làm muối có thể thu hoạch liên tục xoay vòng từng khuôn. Theo ông Hà, nghề làm muối tốn công chăm sóc ít, năng suất nhiều, đời sống của diêm dân cũng được cải thiện đáng kể.
"Từ khi có mô hình sản xuất muối trải bạt, chất lượng muối tốt hơn nhiều và năng suất muối đạt được cao gấp 3-4 lần so với các làm truyền thống", ông Hà thổ lộ.
UBND huyện Cần Giờ đánh giá, việc chuyển từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên bạt cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Đây là cách làm giúp diêm dân ổn định kinh tế, có điều kiện sản xuất và bảo tồn nghề truyền thống.
Theo UBND huyện Cần Giờ, định hướng phát triển chung của huyện Cần Giờ sẽ chủ trương giảm diện tích muối xuống, tập trung nâng cao chất lượng và giá trị của nghề muối, đặc biệt là những sản phẩm chế biến từ muối.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.