Nghe nghệ sỹ Việt kể chuyện... khóc trên phim

Thứ tư, ngày 18/06/2014 11:01 AM (GMT+7)
Với người diễn viên, khóc trên màn ảnh là cách họ được đi đến tận cùng của cảm xúc, khiến họ được thỏa mãn hoàn toàn trước vai diễn của mình. Hãy cùng nghe các nghệ sỹ chia sẻ về những cảnh khóc mà họ đã từng kinh qua!
Bình luận 0
Diễn viên Nhật Kim Anh

Với Nhật Kim Anh, diễn cảnh khóc phải tự nhiên và chân thật. Muốn tạo ra điều đó thì buộc phải đặt mình vào nhân vật, từ đó dồn nén, đẩy ra cảm xúc thật. Ngoài ra, việc nhập tâm, thấm thía lời thoại tác giả viết là điều cực kỳ quan trọng, nó chạm tới nỗi lòng, khiến cảm xúc dâng trào.

Kim Anh chia sẻ, cô không thích phải dùng nước mắt giả trừ trường hợp quay quá nhiều như trong Tìm chồng cho vợ tôi vừa qua, 36 phân đoạn khóc trong một ngày từ rấm rứt khóc một mình đến việc mẹ chồng đánh... Khóc hết nổi thì cô mới phải nhỏ nước mắt. Bộ phim này khóc nhiều đến nỗi, ngủ mơ cô cũng thấy mình đang khóc.

img

Nhớ khi đóng phim Long Thành Cầm giả ca, Kim Anh lúc đó vẫn còn non nớt, là lần đầu tham gia phim điện ảnh, khi đọc phân đoạn nhân vật “khóc bằng một mắt”, Kim Anh rất hoảng.

Làm sao khóc được đây khi mà tập lần nào nước mắt cũng đều chảy ra từ hai mắt? Sau một thời gian tìm ra cách thử nén cảm xúc thì nước mắt bắt đầu chảy ra từ con mắt phải - là con mắt khóc tốt hơn. Kim Anh chia sẻ, nếu khóc tự nhiên thì nước mắt sẽ tuôn cả hai mắt nhưng nếu khóc kiểu rơm rớm, tủi thân thì con mắt phải sẽ tuôn trước. Đặc biệt, nếu như cảnh khóc không có thoại thì càng khó bởi để khóc được,cô phải tự tạo tâm lí rất nhiều.

Diễn viên Nhã Phương

Với Nhã Phương, cảnh khóc được coi là “thân thuộc” nhất bởi cô thuộc tuýp nhạy cảm, cứ chỉ cần có chút tâm trạng, bắt được cảm xúc là nước mắt rớt ra. Mọi người thường gọi Nhã Phương là “Ru mi nê”, có nghĩa là cứ vặn ra là khóc.

Bộ phim mới nhất Vừa đi vừa khóc cũng là bộ phim Nhã Phương tiếp tục “Ru mi nê” với cảnh Thêu (Nhã Phương) khóc vì quá yêu Đông Dương nhưng không được đáp lại và phát hiện ra, anh ấy đã có người khác. Ngoài ra còn có phân đoạn Phương với bà nội nói chuyện, cảm xúc ùa đến và cô lại rơi nước mắt. Ấy là chưa kể nhiều đoạn trong kịch bản không phải khóc nhưng khi diễn, nước mắt Phương cứ ứa ra, nên đạo diễn bảo không cần diễn đúng với kịch bản, cứ thấy cảm xúc mình như thế nào thì diễn thế.
img
Cảnh khóc ấn tượng nhất với Phương là phim ngắn Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò. Khi đang diễn thì đạo diễn chạy vào bảo: “Đúng rồi vẫn giữ nguyên cảm xúc nhé nhưng không được cho nước mắt rơi”. Phương bảo: “Em không chịu được nữa đâu, muốn khóc lắm rồi!”, thì đạo diễn la: “Không được, em làm gì cũng được nhưng không được để nước mắt rơi ra. Nước mắt mà rơi ra là phải quay lại”. Mỗi lần vậy thì Phương tức và không hiểu tại sao bởi lần đầu tiên có đạo diễn không cho Phương rơi nước mắt.

Đạo diễn – NSƯT Quốc Trọng

Làm cảnh khóc có rất nhiều cách khác nhau, với mỗi diễn viên, đạo diễn sẽ tìm ra một phương pháp tiếp cận riêng chứ không có khuôn mẫu chung. Với trẻ con khác, nữ diễn viên, nam diễn viên cũng khác. Hầu như đạo diễn Quốc Trọng không phải làm tác động cơ học hay dùng nước mắt giả.

Đạo diễn Quốc Trọng chia sẻ, ông quan niệm đôi khi khóc không có nghĩa là phải có nước mắt. Tại sao phim nước ngoài cảnh khóc của họ thường rất xúc động trong khi cảnh khóc trên phim Việt thường không thuyết phục? Bởi diễn viên của ta ỉ lại vào việc nhỏ nước mắt nên họ chỉ cần cơ mặt khóc bằng việc nhăn nhó khuôn mặt còn cặp mắt, nơi thể hiện xúc cảm thì hoàn toàn không thể hiện được. Anh đã từng nói thẳng vào mặt những diễn viên than vãn rằng khó khăn trong việc thể hiện cảnh khóc: “Tôi không cần giọt nước mắt của các bạn, cái quan trọng là nhìn cặp mắt của các bạn khán giả phải thấy các bạn đang khóc”.

img

Diễn viên – NSƯT Thanh Quý

Kể về cảnh khóc trong phim, ấn tượng sâu đậm của NSƯT Thanh Quý là về cảnh khóc trong bộ phim Tình yêu và khoảng cách năm 1984. Trong phim, NSƯT Thanh Quý đóng vai Ngân Hà, người con gái đã có chồng nhưng lại vướng vào chuyện tình với họa sĩ Lãm.

Khi ấy, ngoài đời thực, NSƯT Thanh Quý cũng đang gặp chuyện đổ vỡ tình cảm, lại thêm cuộc sống khó khăn, lo toan vất vả, buồn khổ nên hầu như không cần phải lấy tâm lý, cứ vào cảnh phim là khóc. NSƯT Thanh Quý kể rằng, nhiều lần xem lại bộ phim đó, chị cũng không hiểu tại sao ngày đó mình lại khóc giỏi thế, sướt mướt suốt cả phim…

img
(Theo Thế giới Điện ảnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem