Nghệ nhân U60 ở Quảng Nam “hô biến” đồ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật vạn người mê

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ ba, ngày 11/07/2023 12:51 PM (GMT+7)
Ông Trần Văn Hùng (57 tuổi) ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một nghệ nhân chế tác cây tre, gốc tre có thâm niên hàng chục năm, đặc biệt, những tác phẩm nghệ thuật do ông làm ra luôn độc lạ, vạn người mê
Bình luận 0

Nối nghề truyền thống

Ngôi nhà Bamboo House của ông Hùng nếp mình dưới bóng mát của hàng dừa xanh, nơi đây không chỉ là không gian sản xuất và trưng bày các sản phẩm từ tre, mà còn là một điểm đến trải nghiệm được khách du lịch rất yêu thích.

Quảng Nam: Nghệ nhân U50 “hô biến” đồ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật có một không hai - Ảnh 1.

Gia đình ông Hùng có 3 thế hệ gắn bó với nghề làm đồ tre. Ảnh: T.N.

Ông Hùng chia sẻ: "Ở đây ngày xưa là làng Trà Nhiêu, bát ngát những rặng dừa và tre, vì thế mà gia đình tôi cũng đã có 3 đời gắn bó với nghề làm tranh tre, lá dừa. Sau khi xuất ngũ, tôi về lại quê nhà và tiếp nối nghề truyền thống của cha ông. Khi đó, tôi chủ yếu làm đồ tre dân dụng như bàn, ghế, tủ, giường hoặc làm nhà tre, nhà tranh lá dừa".

Quảng Nam: Nghệ nhân U50 “hô biến” đồ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật có một không hai - Ảnh 2.

Những bộ bàn ghế được ông Hùng làm hoàn toàn thủ công bằng tre. Ảnh: T.N.

Với tay nghề ngày càng thành thạo, tiếng lành vang xa khắp vùng, ông Hùng bận rộn với công việc chế tác tre. Ông được nhiều khách sạn, nhà hàng, khu du lịch trong và ngoài tỉnh thuê làm các công trình bằng tre với quy mô lớn.

Nhiều thanh niên trong làng tìm đến ông để xin học nghề làm tre, đến nay, đội thợ của ông có khoảng 30 người, chủ yếu là những người trong làng ở độ tuổi trung niên.

Quảng Nam: Nghệ nhân U50 “hô biến” đồ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật có một không hai - Ảnh 3.

Các sản phẩm tre mỹ nghệ, đồ lưu niệm của ông Hùng được du khách rất thích thú và mua làm quà. Ảnh: T.N.

Ông Hùng cho biết, trong một lần đi mua tre, nhìn thấy một gốc tre bị vứt đi thì bỗng dưng ông nảy sinh ý định "hô biến" nó thành một tác phẩm nghệ thuật. Thế là ông nhặt về và kỳ công chế tác, tạo hình hài cho gốc tre xù xì. Cũng vì những hành động đó mà người trong làng cho rằng ông khác người, làm những điều không được bình thường.

Khi hoạt động du lịch phát triển, ông Hùng chuyên tâm nghiên cứu, chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ lưu niệm từ tre để quảng bá hình ảnh cây tre Việt Nam, lan toả thông điệp bảo vệ môi trường xanh.

Quảng Nam: Nghệ nhân U50 “hô biến” đồ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật có một không hai - Ảnh 4.

Không gian nhà tre Bamboo House do ông Hùng tự tay hoàn thiện, trong đó nhiều bộ phận, đồ dùng bằng cây tre. Ảnh: T.N.

Để có nguyên liệu tre chế tác, ông chủ yếu tìm mua loại tre ở các làng quê Quảng Nam – Đà Nẵng, hoặc đặt mua từ Thanh Hoá. Tre tươi được xử lý chống mối mọt bằng cách ngâm trong bùn từ 1-2 năm, sau đó vớt lên lau chùi và phơi khô khoảng 2 nắng là có thể sử dụng được.

Làm giàu từ đam mê nghệ thuật từ cây, gốc tre

Chia sẻ điều khó khăn nhất khi tạo ra một tác phẩm tre nghệ thuật, ông Hùng bộc bạch: "Làm đồ thủ công thì trước hết phải có năng khiếu, nhưng quan trọng nhất là người thợ phải có khối óc sáng tạo, mắt nhìn nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ. Có thế, người thợ mới nhìn nhận được giá trị của một khúc tre vô tri vô giác, biết cách thổi hồn tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sống động".

Quảng Nam: Nghệ nhân U50 “hô biến” đồ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật có một không hai - Ảnh 5.

Nhờ chế tác tre và phục vụ khách du lịch, ông Hùng thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Ảnh: T.N.

Chính vì thế, không phải ai cũng có thể tạo nên một khúc tre có hồn, có ý nghĩa. Trong nhiều người thợ được ông Hùng dạy nghề, ai cũng thành thạo thao tác làm nhà tranh, nhà tre, đồ dân dụng, nhưng không một ai có đủ tay nghề, kinh nghiệm và sự sáng tạo để tự tay hoàn thành một sản phẩm mỹ nghệ, đồ lưu niệm bằng tre.

Ngôi nhà làm hoàn toàn từ tre và lá dừa của ông Hùng được nhiều du khách thích thú, tìm đến tham quan. Nắm bắt được cơ hội phát triển mới, ông đầu tư xây dựng Bamboo House làm nơi phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, trải nghiệm ẩm thực miền quê xứ Quảng và dạy nghề chế tác sản phẩm tre lưu niệm cho du khách.

Quảng Nam: Nghệ nhân U50 “hô biến” đồ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật có một không hai - Ảnh 6.

Từ một gốc tre bị bỏ đi, ông Hùng nhặt về và “thổi hồn” tạo thành một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: T.N.

Từ cổng nhà, mái tranh, đến vật dụng như bàn, ghế, tủ, cốc nước, bình hoa, tranh, đèn… đều do đôi bàn tay của ông làm ra. Qua đó, ông tạo nên một không gian sống mát mẻ, gần gũi, thân thiện với môi trường và khiến mọi người phải trầm trồ, ngưỡng mộ về một công trình được làm hoàn toàn từ cây tre Việt Nam.

Ông Hùng cho biết, gần 20 năm nay, gia đình ông liên kết với các công ty lữ hành để tiếp đón các đoàn khách nước ngoài đến dừng chân nghỉ ngơi, thưởng lãm, ăn uống và trải nghiệm du lịch làng quê.

Hoạt động trở lại sau dịch Covid-19, Bamboo House của gia đình ông Hùng nhiều lúc không đủ sức chứa các đoàn khách. Những sản phẩm đồ tre lưu niệm được du khách rất ưa thích, chọn mua làm quà.

Cũng nhờ đó, mà ông Hùng tạo việc làm có thu nhập khá cho nhiều chị em phụ nữ trong làng, tham gia phục vụ, chuẩn bị đồ ăn thức uống cho du khách.

Quảng Nam: Nghệ nhân U50 “hô biến” đồ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật có một không hai - Ảnh 7.

Ông Hùng nhận được nhiều giấy khen của các cấp hội, địa phương. Ảnh: T.N.

Ông Hùng tâm sự: "Có một số khúc tre bị vứt ngoài đường, tôi nhặt về và dày công tạo hình nghệ thuật, mang tính trừu tượng cao. Khi hoàn thành thì nhiều người hỏi mua với giá cao gấp đôi nhưng tôi vẫn không bán, vì đó là sản phẩm duy nhất, không có cái thứ hai. Tôi thích trưng bày nó trong nhà để làm kỷ niệm, lan toả giá trị nghệ thuật và ý nghĩa tốt đẹp đến với mọi người".

Ngoài những sản phẩm đồ tre mỹ nghệ có giá dao động vài trăm nghìn đồng, thì những bộ bàn ghế tre của ông Hùng cũng được khách hàng rất ưa chuộng. Đặc biệt, những bộ salon tre có giá hơn 20 triệu đồng được rất nhiều người đặt hàng nhưng ông chỉ sản xuất có hạn.

"Những sản phẩm tre của tôi theo chân du khách xuất ngoại rất nhiều, thậm chí đối tác nước ngoài còn đặt hàng tôi sản xuất với số lượng lớn. Nhưng tôi quan niệm làm gì cũng phải đặt cái tâm và chất lượng lên hàng đầu, lo mình không đủ sức để hoàn thành tốt nên đã từ chối. Hiện tại, tôi chỉ làm một số đồ mỹ nghệ, đồ lưu niệm và đón khách dừng chân", ông Hùng chia sẻ.

Quảng Nam: Nghệ nhân U50 “hô biến” đồ bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật có một không hai - Ảnh 8.

Một tác phẩm gốc tre gợi lên hình ảnh những trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam. Ảnh: T.N.

Không chỉ trực tiếp chỉ dạy du khách làm đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, ông Hùng còn làm vai trò của một hướng dẫn viên du lịch. Ông dẫn các đoàn khách đi tham quan làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu bằng xe đạp, trải nghiệm nghề dệt chiếu cói truyền thống, nghề đan thuyền thúng, làm mỳ Quảng…. Từ công việc chế tác tre và phục vụ khách du lịch, ông Hùng thu lãi khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các hộ dân tại địa phương để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, với mong muốn góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hoá các làng nghề truyền thống, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem