Hơi thở đồng quê bên lũy tre làng

Luyện Bùi Thứ ba, ngày 19/05/2015 18:20 PM (GMT+7)
“Ở đâu tre cũng xanh tươi/ Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu”. Tre tượng trưng cho sự cần cù, cho ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của người dân Việt Nam. Và hơn cả, lũy tre gợi nên sự thân thương, bình yên của mỗi xóm làng.
Bình luận 0
Quê tôi chốn đồng rừng nên rặng tre trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Lũy tre thân thương mang hơi thở của đồng quê khi hiện hữu qua mỗi nếp nhà, mỗi nụ cười, mỗi câu chuyện, mỗi cuộc đời… Từ đầu làng, cuối xóm, con ngõ đều hiện hữu bóng tre xanh. Tre gắn liền với đời sống người quê tôi như một người bạn thân thiết cả cuộc đời, từ thủa ấu thơ cho đến khi tóc bạc, lưng còng.
img
Có đi tứ xứ bốn phương nhưng hễ bắt gặp rặng tre xào xạc lá, kẽo kẹt đu đưa trong gió là như thấy một phần quê hương đang hiện hữu. (ảnh: Luyện Bùi)
Thủa thiếu thời, mỗi buổi trưa hè chơi dưới tán tre xanh đầu làng, bố mẹ tôi thường mắc cho cánh võng rồi đu đưa ru tôi vào giấc ngủ. Có hôm mải mê chơi, rồi ngủ quên cả thả trâu ngoài đồng. Tiếng võng kẽo kẹt trong trưa hè như tiếng nhạc ru tuổi thơ vào giấc ngủ yên bình.
Rồi cũng từ những luỹ tre già của làng, người lớn lựa những cây gióng dài, vót cho đẹp làm nên vật dụng cần thiết, từ rổ, rá cho đến chiếc gậy gẩy rơm. Nhưng với lũ trẻ chúng tôi, thích nhất là có được nan tre mềm để làm diều, mê mải suốt cả trưa hè nóng bức. Chiều đến, cả lũ trẻ trong xóm lại hùa nhau ra bìa làng, hứng cho diều no gió thả trên đồng. Mùa trung thu về, không chơi diều nữa, tre được chúng tôi chuyển sang làm đèn lồng, đèn kéo quân, khung đèn... Tất cả những thứ "tinh nghịch" mà cho tới khi đã lớn chúng tôi vẫn không thế quên ấy đều từ rặng tre này mà ra.
Mùa gặt đến các thanh niên trai tráng lại lựa những đòn tre sẵn chắc làm quang gánh cho mùa vàng. Các cụ già khéo tay đan lát, ngồi dưới rặng tre làm nên những chiếc rổ, chiếc nong phơi cho cháu con dùng khi vào mùa. Với các mẹ, các chị đi đồng về, khi nắng gắt nghỉ chân nói với nhau chuyện làng, chuyện nước ở rặng tre đầu làng. Khi mùa trăng lên, nam thanh nữ tú hẹn nhau ở lũy tre cuối xóm…

Làng tôi có dải đất cù lao bên kia sông luôn đỏ nặng phù sa, người làng đã canh tác dải đất này để trồng nhiều cây trái. Chúng tôi thường qua sông bằng mảng – Làm từ những thanh tre to, già, chắc chắc và được phơi khô, buộc vào nhau từ 5 đến 7 thanh. Mỗi làng có đến 3, 4 mảng luôn buộc sẵn ở sông, ai qua sông thì dùng. Có hôm lũ trẻ con nghịch ngợm chèo hết mảng đi ven sông tìm roi đồng, mọi người qua cù lao trở về nhà, không có mảng gọi vang cả khúc sông phải đợi lũ con nít về.

Đòn tre gác mái dưới mỗi nếp nhà trở nên quá đỗi thân thiết với người miền biên ải. Mùi thơm ngái, dìu dịu của thân tre phảng phất như đặc trưng của hương quê yên bình.

Lũy tre đầu làng chở che con trẻ đi qua trọn thời ấu thơ trong trẻo, tiễn chân người trưởng thành xa quê dựng nghiệp, đón bước người trở về cố hương sau những năm dài xa cách. Dẫu thời cuộc thăng trầm, tre vẫn thủy chung và bao dung với tất cả.

Tôi đi khắp mỗi nẻo đường bất chợt gặp rặng tre già đu mình kẽo kẹt, thoảng mùi hương thơm ngái của tre trong gió, lại bồi hồi nhớ ngõ nhỏ, nhớ quê, nhớ rặng tre đầu làng như nhung nhớ nơi bình yên để trở về.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem