Nhớ tre làng, về quê chẳng còn bóng dáng bờ tre kẽo kẹt, tôi bồi hồi, mênh mông một khoảng trống

Nguyễn Xuân Thứ bảy, ngày 10/09/2022 14:14 PM (GMT+7)
Khá lâu rồi, tôi mới có dịp về thăm quê, được rảo bước trên con đường làng tuổi thơ từng gắn bó. Chẳng còn bóng dáng bờ tre bên đường kẽo kẹt, nghiêng mình tỏa bóng, che cho lũ trẻ chơi vui đùa nghịch dưới nắng mai. Một khoảng trống mênh mông không thể lấp đầy trong tâm trí, tôi bồi hồi nhớ những lũy tre xưa.
Bình luận 0

 Làng tôi ở ven biển, nắng rát da rát thịt, mưa xối đất xối cát. Để chống chọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cha ông đã chọn cây tre để trồng, vừa có khả năng giữ đất, giữ nước, cho bóng mát, chống chịu tốt nhất với môi trường. Ưu điểm vượt trội, tre loài cây được trồng nhiều nhất ở quê tôi từ suốt mấy ngàn đời.

Lũy tre xưa, gợi nhớ những đồ vật bình dị, thân thương như chiếc nôi đưa tôi vào giấc ngủ ấu thơ, chiếc chõng tre mỗi trưa hè cả nhà ngồi hóng mát dưới bóng cây, chiếc mươn mấy chị em tôi mỗi bữa ăn quây quần tranh nhau gắp rau, dưa, cà mắm, những chiếc rế, rổ, thúng mủng, dần sàng và rất nhiều dụng cụ khác nữa của nhà nông mà cha tôi cặm cụi, miệt mài đan lát.

Mênh mang nỗi nhớ tre làng - Ảnh 1.

Làng ven biển, đầy nắng và gió nhắc lại một tuổi thơ khó nhọc. Ảnh: PV

Mỗi khi tiết trời chuẩn bị sang thu, cha tôi lựa chọn những cây tre đủ già, ngâm trong bùn sình tầm 3 tháng trở lên cho tre dẻo, bền, không bị mối mọt, lúc ấy cha ngồi chẻ thành những chiếc nan phù hợp với cấu trúc từng loại đồ dùng. Với bàn tay thô ráp, chai sần, khéo léo của cha, những chiếc nan cứ thế mà đan bện, giăng mắc, quấn chặt vào nhau, cùng với sợi dây mây thắt buộc đã tạo nên những tác phẩm tuyệt đẹp, bền chắc. 

Nỗi nhớ tre làng, về quê chẳng còn bóng dáng bờ tre kẽo kẹt, tôi bồi hồi, mênh mông một khoảng trống - Ảnh 2.

Con sông quê với bến đò bên lũy tre làng. Ảnh: Hoài An.

Tôi ngồi say sưa ngắm nghía, thắc mắc cha đủ điều của một đứa trẻ thơ hiếu kỳ, tinh nghịch mà không biết điều đó giúp cha buồn cười mà quên đi mệt nhọc. Không biết rằng, đó là bầu trời ký ức tuyệt đẹp sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời.

 Nhớ lũy tre xưa, với chiếc đòn gánh suốt đời oằn xuống trên vai mẹ, chỉ một thanh tre dài 2 mét, rộng chừng 7cm, cha khấc 2 đầu làm chốt. Chiếc đòn gánh khoai, sắn, lúa, ngô, rau chè… cứ thế theo chân mẹ từ nhà cho đến ra đồng. 

Cứ mỗi sáng, mỗi chiều, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau ra đầu làng ngóng mẹ, đứa nào đứa nấy háo hức chờ đợi miếng bánh thơm lừng, được gánh bằng vai mẹ, thấm đẫm mồ hôi mà yêu thương chất chứa. Chúng tôi, cứ thế mà lớn lên khỏe mạnh như mầm cây từng ngày được nâng niu chăm sóc.

Mênh mang nỗi nhớ tre làng - Ảnh 2.

Những bụi tre làng giờ không còn nhiều, nhưng lũ trẻ nông thôn chất chứa bao kỷ niệm. Ảnh: Huy Đức

Nhớ lũy tre xưa, tôi nhớ mái nhà tranh che chở bao thế hệ người dân quê tôi lam lũ suốt bốn mùa. Những cây tre to nhất, thẳng nhất, giao lóng đủ già được chọn lọc làm cột, làm kèo để dựng lên những ngôi nhà mát rượi khi hè về và ấm áp lúc sang đông. Tre khẳng khiu, nhưng khi chúng được neo, được ráp vào nhau tạo nên một sự kiên cố, vững chắc trước những trận bão lũ miền Trung.

Nỗi nhớ tre làng, về quê chẳng còn bóng dáng bờ tre kẽo kẹt, tôi bồi hồi, mênh mông một khoảng trống - Ảnh 4.

Lũy tre làng là nơi ngồi nghỉ mát, nói những câu chuyện về đồng áng, cấy cày, chuyện làng, chuyện xóm của người dân quê. Ảnh: Khổng Tiến.

Dưới mái nhà tre, biết bao tổ ấm được duy trì từ đời này sang đời khác, biết bao nhiêu con người được dung dưỡng lớn lên thành những nhân tài, những anh hùng hào kiệt, những con người hết lòng yêu quê hương đất nước mà sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ tổ quốc mình.

  Tôi nhớ cả miền tuổi thơ được nô đùa cùng lũ bạn dưới lũy tre xanh. Tiếng ru ầu ơ của bà đưa tôi vào giấc ngủ, những buổi trưa hè trốn ngủ đi chơi. Những buổi chăn trâu, cắt cỏ dưới trời nắng chang chang, mồ hôi đầm đìa, mặt chúng tôi chín đỏ. 

Nỗi nhớ tre làng, về quê chẳng còn bóng dáng bờ tre kẽo kẹt, tôi bồi hồi, mênh mông một khoảng trống - Ảnh 5.

Những búp măng tre nhú lên sẽ góp thêm vào sự sinh sôi, nảy nở của tre làng. Ảnh: Đoàn Vỹ.

Nhưng chỉ cần về đầu làng, ngả lưng dưới gốc cây tre, úp chiếc nón mê che mặt, thiêm thiếp một lúc thôi là tỉnh nhanh như sáo, lại thỏa sức chơi đùa đủ thứ trò chơi dân gian dành cho trẻ như bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, chơi chuyền, nhảy dây, trốn tìm...

Tre như gom hết thảy yêu thương mà còng xuống, xoè tán rộng ra trong nắng che mát chúng tôi, tre đu đưa trong gió, cọ vào nhau tạo nên âm thanh kẽo kẹt trầm bổng như nốt nhạc tài ba của người nghệ sĩ làm chúng tôi say sưa đùa nghịch quên hết cái đói cồn cào và cái nóng cháy da, cháy thịt.

Mênh mang nỗi nhớ tre làng - Ảnh 3.

Chiếc chõng tre ngày xưa gắn liền với biết bao thế hệ gia đình nông thôn Việt Nam. Ảnh: An Nam

Tôi bước ra từ lũy tre làng nghèo khó, mong đến miền đất mới có cuộc sống đủ đầy, no ấm. Mong xây được cho mình ngôi nhà xa hoa lộng lẫy bằng bê tông, sắt thép, gạch men hiện đại. Bao năm bươn chải với đời, đạt được phần nào mơ ước, tôi bỗng nhận ra trong tôi vẫn vẹn nguyên ký ức về lũy tre làng, những năm tháng tuổi thơ êm đềm, vui vẻ mà ngày nay người ta đang khao khát tìm về.

Tôi dạo bước trên con đường rải thảm mượt như lụa, ngắm hàng hoa tim tím đang ngậm giọt sương long lanh trong nắng, ngắm những ngôi nhà hiện đại lộng lẫy xa hoa trên quê hương yêu dấu mà lòng tha thiết gọi: Tre ơi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem